Thống nhất dùng chung một mã QR cá nhân cho các ứng dụng chống dịch Covid-19
Chính sách chống dịch Covid-19 đảm bảo thống nhất toàn quốc
Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, các chuyên gia, dư luận đánh giá quy định mới đáp ứng kịp thời tình hình thực tế hiện này, phải chuyển trạng thái để đảm bảo chống dịch hiệu quả và phát triển kinh tế - xã hội.
Nghị quyết sẽ phá vỡ tình trạng “đóng băng” trong sinh hoạt của người dân cũng như hoạt động kinh tế - xã hội ở một số nơi trong thời gian qua, tâm lý người dân ổn định, yên tâm hơn để bước vào giai đoạn mới.
Hội thảo tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” và Quyết định số 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế ban hành hướng dẫn tạm thời thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP |
Nghị quyết 128 của Chính phủ là một chiến lược ứng phó với dịch bệnh trong tình hình mới được nhiều người dân và doanh nghiệp hoan nghênh, đồng tình ủng hộ; Tạo ra bước ngoặt trong tư duy, cách thức mới trong phòng, chống dịch; Chính sách chống dịch sẽ quy về một mối, thống nhất trong toàn quốc.
Đặc biệt, Nghị quyết giúp cho chính quyền địa phương, những người thực thi nhiệm vụ và người dân thay đổi nhận thức trong công tác phòng, chống dịch; Từ đó hình thành ý thức, trách nhiệm, thấy rõ vai trò quan trọng của từng thành phần tham gia vào công cuộc thích ứng lâu dài, linh hoạt, phòng ngừa và kiểm soát có hiệu quả với dịch bệnh; Sớm đưa đất nước trở lại cuộc sống bình thường mới.
Tuy nhiên, những ngày đầu mới triển khai Nghị quyết số 128/NQ-CP, các địa phương có biểu hiện bối rối và tự phát trong việc triển khai một số biện pháp theo Nghị quyết. Nhiều địa phương lúng túng, vướng mắc trong việc đánh giá mức độ nguy cơ theo Quyết định số 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế.
Ngày 24/10/2021, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương nghiên cứu, điều chỉnh quy định theo hướng Bộ Y tế là đơn vị chủ trì, đánh giá cấp độ dịch và chuyển cấp độ dịch, tránh để mối nơi đánh giá một kiểu.
Giải quyết tình trạng lúng túng trong việc sử dụng một ứng dụng quét mã QR
Thông tin liên quan về việc xây dựng, sử dụng ứng dụng PC-Covid tại hội thảo, ông Đỗ Công Anh, Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông phát triển ứng dụng PC-Covid là ứng dụng duy nhất dùng chung cho việc phòng, chống Covid-19.
Việc quét mã QR-Code được triển khai tại các địa điểm đông người, các cửa hàng, trụ sở cơ quan… Các đơn vị có thể vào vào trang qr.tokhaiyte.vn hoặc qr.pccovid.gov.vn để đăng ký việc kiểm soát, sau đó là in mã QR dán ở cửa hoặc cho nhân viên lễ tân, nhân viên bảo vệ quét ứng dụng PC-Covid của người đi vào và khi đó sẽ kiểm soát đc việc di chuyển.
Họp trực tuyến kết nối tới các điểm cầu tại TP HCM |
Về việc liên quan đến việc sử dụng mã QR-Code chung giữa 2 ứng dụng là ứng dụng VNEID (ứng dụng khai báo y tế, di chuyển nội địa của Bộ Công an) và ứng dụng PC-Covid (Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng), đặc biệt tại các sân bay, ông Đỗ Công Anh cho biết, trong ngày hôm nay Bộ Thông tin và Truyền thông đã làm việc với Bộ Công an để thống nhất hai ứng dụng VNEID và PC-Covid dùng chung QR-Code. Do đó, ứng dụng nào quét mã QR cũng được. Cụ thể, tới ngày 1/11, PC-Covid và VNEID sẽ dùng chung một mã QR.
Bên cạnh đó, nhiều vấn đề "nóng" cũng được người dân quan tâm như việc triển khai tiêm vắc xin, xét nghiệm người về từ vùng dịch...
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, việc tiêm vắc xin cho trẻ em cần tiến hành có lộ trình; Trước mắt đang triển khai tiêm ưu tiên nhóm 16-17 tuổi. Hiện nhiều địa phương đã xây dựng kế hoạch và rà soát đối tượng tiêm.
“Bộ Y tế đã giao cho Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương chiều 29/10 tập huấn, hướng dẫn cho các cán bộ y tế các tuyến triển khai tiêm chủng vaccine cho trẻ em tại 63 tỉnh thành. Việc tiêm cho trẻ chủ yếu thực hiện ở các trường học, tiếp theo là ở các trạm y tế, các trung tâm y tế và các bệnh viện (với trẻ có bệnh nền, béo phì)… làm sao để công tác tổ chức tiêm chủng vừa nhanh chóng, thuận tiện, đồng thời đảm bảo an toàn”, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết.
Theo ông Tuyên, Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế đã họp quyết định tiêm cho trẻ theo lộ trình tại những khu vực nguy cơ cao. Hiện mới có 2 loại vắc xin phòng Covid-19 được cấp phép có thể tiêm cho trẻ em là Pfizer và Moderna của Mỹ.
Phát biểu tại cuộc họp Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, thời gian qua, một số lượng lớn người dân đã di chuyển từ các địa phương có số mắc cao, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh; Một số địa phương nơi người dân trở về đã ghi nhận các trường hợp mắc bệnh trong cộng đồng, với những chùm nhiều ca mắc trong ngày nên Bộ đã có bổ sung yêu cầu tiếp tục theo dõi sức khoẻ tránh lây nhiễm ra cộng đồng.