Thu phí rác thải theo khối lượng sẽ hạn chế xả rác ra môi trường
Phương án thu phí rác thải theo khối lượng sẽ nâng cao ý thức người dân, giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước
Bài liên quan
Hà Nội: Thu gom gần 7.000 tấn rác thải tồn đọng về các khu xử lý
Vứt rác ra môi trường xung quanh có thể bị phạt nguội 7 triệu đồng: Tăng tính răn đe
Đà Nẵng: Dự án Khu liên hợp xử lý rác thải tại bãi rác Khánh Sơn sẽ thi công vào tháng 9/2020
Nestlé Việt Nam và La Vie tiếp tục hành động vì tương lai không rác thải
Unilever Việt Nam và URENCO hợp tác thúc đẩy phân loại rác tại nguồn
Theo dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi trình Quốc hội thảo luận tại tổ tại kỳ họp thứ 9, từ ngày 1/7/2021, rác sinh hoạt sẽ được thu phí theo cân nặng.
Cụ thể, tại khoản 5 Điều 79 dự thảo Luật Bảo vệ môi trường lần 3, hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm chi trả một phần kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo khối lượng phát sinh. Phần kinh phí còn lại được ngân sách Nhà nước hỗ trợ theo quy định của Chính phủ.
Đây được coi là giải pháp giảm gánh nặng xử lý rác thải ngày càng lớn trên vai của chính quyền địa phương các cấp, bởi chỉ riêng số liệu tại TP Hồ Chí Minh cho thấy, mỗi tháng có khoảng 9.500 tấn rác thải sinh hoạt phát sinh, lượng rác này tăng khoảng 10%/năm, ngân sách TP mỗi năm chi hơn 2.000 tỉ đồng để vận chuyển, xử lý.
Theo các chuyên gia, việc thu phí rác thải theo khối lượng sẽ nâng cao ý thức của người dân trong việc hạn chế xả rác ra môi trường; phân loại rác, thu gom để tái chế, vừa đem lại lợi ích kinh tế vừa giảm ô nhiễm môi trường, khắc phục tình trạng xả rác tùy tiện, vô tội vạ, bảo đảm công bằng giữa các hộ dân, giảm bớt chi ngân sách.
Trao đổi bên lề phiên họp Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà lý giải thêm về quy định này. Theo đó, Nhà nước sẽ không thu phí thu gom, xử lý rác theo nguyên tắc đánh đều bình quân, ví dụ sẽ không thu tiền rác 10.000 - 20.000 đồng/hộ mà tính trên lượng rác, đo bằng khối lượng, thể tích thải ra.
“Thông thường đo bằng khối lượng thì không thực tế, nên chủ yếu người ta đo bằng thể tích. Chẳng hạn, trên bao bì đựng rác người ta tính khoảng bao nhiêu mét khối rác. Tính theo thể tích là phù hợp hơn” – Bộ Trưởng Trần Hồng Hà cho hay.
Giải thích về cách thức thực hiện, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Luật chỉ quy định nguyên tắc, còn cách thức thu phí rác thải sinh hoạt cụ thể sẽ được hướng dẫn bằng nghị định, thông tư. Có nhiều cách thực hiện.
Nhiều nước tính tiền thu gom, xử lý rác qua việc bán bao bì đựng rác. Người dân sẽ thực hiện phân loại rác theo các loại bao bì đựng rác với màu sắc khác nhau. Mỗi bao bì sẽ có các thể tích khác nhau. Dựa vào lượng rác qua các bao bì này để thu tiền thu gom, xử lý rác.
Đề cập đến thực trạng ở Việt Nam, Bộ trưởng Trần Hồng Hà chia sẻ, người dân còn có thói quen vứt rác bừa bãi, thậm chí vứt trộm; ngay cả Hàn Quốc cũng phải mất 10 năm để thực hiện được vấn đề này.
“Chính sách có thực thi được hay không thì quan điểm, chủ trương của luật pháp phải phù hợp thực tế. Khi đưa ra chính sách như vậy phải xác định trách nhiệm người dân phân loại, đến thu gom thế nào, tức là phải có sự đồng bộ giải pháp từ người dân, cho đến khâu cuối cùng là xử lý. Quan trọng hơn nữa là người dân có nhận thức đầy đủ vấn đề này hay không, vì đây là việc người dân trực tiếp làm, trực tiếp giải quyết vấn đề bảo vệ sức khoẻ cho chính mình. Nếu người dân ủng hộ được và trực tiếp làm thì sẽ thành công. Còn việc của nhà nước là đảm bảo các điều kiện để làm sao từ khi người dân phân loại thì có chính sách khuyến khích người dân tham gia vào quá trình này và người dân cũng được thụ hưởng qua việc phân loại đó.”.
Về chi phí thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, nhà nước sẽ hỗ trợ một phần chi phí trong việc phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt, người dân chỉ chịu trách nhiệm một phần. Phần chi phí của nhà nước sẽ được bổ sung để các nhà cung cấp dịch vụ thu gom, xử lý; đảm bảo được lợi nhuận tối thiểu duy trì hoạt động sản xuất. Luật phải quy định điều đó để xã hội hóa được công tác này.
Bên cạnh đó, rất nhiều rác sinh hoạt có thể tái chế được, ví dụ như giấy, đồ nhựa… Do đó, Luật lần này quy định nếu người dân gom lại, phân loại rác thì loại rác này người dân sẽ không phải trả tiền thu gom, xử lý.
“Người dân chỉ phải trả tiền những gì mà doanh nghiệp phải đầu tư để thu gom, xử lý. Nếu thực hiện việc phân loại rác tốt thì nhà nước, nhà cung cấp dịch vụ sẽ tính toán giá thành có lợi cho người dân”, người đứng đầu ngành Tài nguyên và Môi trường nói rõ.
Để luật đi vào cuộc sống, cần làm tốt công tác tuyên truyền, để mỗi người dân đều tự giác, có ý thức, trách nhiệm chung tay bảo vệ môi trường, vì tương lai cuộc sống an toàn, bền vững. Bên cạnh đó, cần có chế tài xử lý nghiêm, triệt để các hành vi tẩu tán rác ra môi trường không thông qua đơn vị thu gom rác để tránh phải nộp tiền theo khối lượng phát sinh.