Tag

Thừa Thiên – Huế: Sớm đưa cảng cá Thuận An đi vào hoạt động

Xã hội 25/10/2024 22:02
aa
TTTĐ – Sau gần 1 năm hoàn thành xây dựng, Cảng cá Thuận An kết hợp khu neo đậu tránh trú bão vẫn chưa thể đi vào hoạt động. Bên cạnh đó, tàu thuyền công suất lớn ngư dân ra vào khu vực cửa biển nơi đây gặp khó do bồi lấp luồng lạch.
Quảng Nam: Điều chỉnh, bổ sung dự án Cảng cá Tam Quang Sau 8 năm xây dựng, cảng cá Hồng Triều vẫn ngổn ngang Quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá thời kỳ 2021 - 2030
Dự án cảng cá Thuận An kết hợp khu neo đậu tránh trú bão với tổng mức đầu tư xây dựng hơn 220 tỷ đồng (Ảnh Đ.Minh)
Dự án cảng cá Thuận An kết hợp khu neo đậu tránh trú bão với tổng mức đầu tư xây dựng hơn 220 tỷ đồng

Vướng thủ tục công bố mở cảng

Dự án cảng cá Thuận An kết hợp khu neo đậu tránh trú bão đóng tại phường Thuận An, TP Huế do UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế phê duyệt với tổng mức đầu tư xây dựng hơn 220 tỷ đồng, được ngư dân kỳ vọng trở thành nơi neo đậu tàu cá an toàn, thúc đẩy phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá của địa phương.

Đây là một trong 3 thành phần của dự án xây dựng nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá tỉnh Thừa Thiên - Huế. Dự án được thực hiện từ nguồn vốn bồi thường của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh liên quan sự cố môi trường biển xảy ra tại miền Trung gần 10 năm trước.

Công trình khởi công xây dựng từ giữa cuối năm 2020 và dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng cuối tháng 12/2023. Thế nhưng điều nghịch lý là, sau gần 1 năm hoàn thành xây dựng, đến nay cảng cá này vẫn chưa hoàn tất thủ tục đăng ký mở cảng.

Đáng chú ý, trong quá trình làm thủ tục trình cấp có thẩm quyền công bố mở cảng đối với cảng cá Thuận An, Ban Quản lý cảng cá Thừa Thiên - Huế mới phát hiện dự án cảng cá này dù xây dựng xong gần 1 năm qua nhưng vẫn chưa có quyết định giao đất và giao mặt nước.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Giám đốc Ban Quản lý cảng cá Thừa Thiên - Huế thông tin, việc chưa có quyết định giao đất, giao mặt nước đối với dự án cảng cá Thuận An là một trong những nguyên nhân khiến thủ tục công bố mở cảng chưa được chấp nhận.

Sau khi tiếp quản khu cảng, Ban Quản lý cảng cá Thừa Thiên Huế chậm đưa cảng Thuận An mới vào vận hành, nguyên nhân do vướng thủ tục xin công bố mở cảng (Ảnh Đ.Minh)
Sau khi tiếp quản khu cảng, Ban Quản lý cảng cá Thừa Thiên - Huế chậm đưa cảng Thuận An mới vào vận hành, nguyên nhân do vướng thủ tục xin công bố mở cảng

Theo ông Sơn, trước đây khu đất và mặt nước triển khai dự án cảng cá Thuận An mới thuộc phạm vi quản lý của cảng cá Thuận An cũ, không qua thu hồi, đền bù, giải phóng mặt bằng. Dựa trên hiện trạng cũ ổn định, các cơ quan chức năng đã trình và được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế xem xét ra quyết định phê duyệt đầu tư dự án cảng cá Thuận An kết hợp khu neo đậu tránh trú bão.

Hiện hồ sơ thủ tục xin giao đất, giao mặt nước cảng cá Thuận An đã được Ban quản lý gửi Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên - Huế và cơ quan liên quan thẩm định. Sau khi thủ tục này hoàn tất mới tiếp tục trình cấp có thẩm quyền xem xét thủ tục công bố mở cảng.

Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên - Huế (đơn vị chủ đầu tư) cho biết, đơn vị đã hoàn thiện các thủ tục mở cảng gửi các cơ quan có thẩm quyền như đơn đề nghị công bố mở cảng; nội quy, phương án khai thác của cảng cá; biên bản nghiệm thu công trình cảng cá đã hoàn thành xây dựng đưa vào sử dụng kèm theo bản vẽ hoàn công; thông báo hàng hải về luồng của cảng và vùng nước trước cầu cảng; văn bản kiểm tra, xác nhận việc đã thực hiện các nội dung của báo cáo và yêu cầu của quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường…

Hiện đang thực hiện quyết toán dự án, thanh lý tài sản công để hoàn thiện những thủ tục cuối cùng nhằm đưa dự án cảng cá Thuận An vào hoạt động trong thời gian sớm nhất.

Được biết, dự án cảng cá Thuận An kết hợp khu neo đậu tránh trú bão hoàn thành đảm bảo quy mô tàu cập bến và xuất bến đạt công suất tối thiểu 20.000 tấn/năm, tạo điều kiện thuận lợi cho tàu thuyền cập bến bốc dỡ hàng hóa, bảo quản thủy hải sản; đảm bảo các tiêu chí kỹ thuật theo quy định của EU cần tuân thủ như vệ sinh môi trường, hệ thống xử lý nước thải, hệ thống cấp điện, nước.

Cùng với đó, tại cảng cá Thuận An còn được xây dựng hệ thống kho bãi lưu trữ hàng, hệ thống nhà cấp đông, nhà máy nước đá, hệ thống nhà làm việc và các khu dịch vụ khác, đáp ứng nhu cầu neo đậu và tránh trú bão cho khoảng 500 tàu thuyền các loại có chiều dài từ 6m trở lên nhằm hạn chế thiệt hại về người và phương tiện đánh bắt trong mùa mưa bão.

Tàu công suất lớn không thể ra vào

Ngoài thiếu sót thủ tục dẫn đến chưa thể mở cảng, hiện cảng cá Thuận An còn bị bồi lấp luồng lạch khiến tàu cá công suất lớn ra vào cảng gặp nhiều khó khăn khi di chuyển vào cảng neo đậu, nguy cơ hư hỏng chân vịt, thiết bị máy móc rất cao vì luồng lạch quá cạn.

Trước khi đưa dự án vào sử dụng, chủ đầu tư, các đơn vị thi công đã nạo vét luồng lạch cho tàu ra vào cảng có chiều dài khoảng 740m tính từ mép luồng hàng hải đến bến cập tàu, chiều rộng nạo vét khoảng 40m, cao độ nạo vét -3,4m, tại khu neo đậu được nạo vét đạt cao trình đáy -2,60m.

Tàu thuyền neo đậu tại cảng cá Thuận An
Tàu thuyền neo đậu tại cảng cá Thuận An

Theo kinh nghiệm của ngư dân, sẽ có một quy luật lặp đi lặp lại là vào mùa mưa lũ, dòng chảy của sông, kết hợp với triều cường và dòng chảy đối lưu gần bờ sẽ tự mở toang cửa biển, khơi thông luồng lạch. Còn đối với mùa biển lặng, sóng lại đưa cát vào bờ biển gây bồi lấp luồng lạch.

Ngư dân Trần Văn C. (xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế), chủ tàu cá vỏ thép công suất gần 900CV phản ánh: “Chúng tôi đi biển sản xuất hằng ngày không lo gì bằng việc ra vào luồng lạch. Chiếc tàu là cả một gia tài của ngư dân, nếu buộc neo đậu xa luôn trong tình trạng bất an lo sợ tài sản bị kẻ xấu phá hoại, đánh cắp các thiết bị trên tàu. Khi tàu đã đậu tại cảng và hoàn tất việc bốc dỡ hải sản lên bờ, việc thủy triều xuống làm cho tàu bị nghiêng, từ đó việc vận chuyển đá lạnh lên tàu để chuẩn bị cho chuyến đi tiếp theo không thể thực hiện được.

Ngư dân chúng tôi kiến nghị, chủ đầu tư, các ban ngành chức năng cần có biện pháp, khẩn trương nạo vét luồng lạch đảm bảo độ sâu, tạo thuận lợi tốt nhất cho tàu thuyền ra vào cảng neo đậu, trú tránh an toàn” anh C nói.

Ngư dân tỉnh Thừa Thiên – Huế mong muốn sớm công bố mở cảng và nạo vét luồng lạch đảm bảo độ sâu, tạo thuận lợi tốt nhất cho tàu thuyền ra vào cảng neo đậu (Ảnh Đ.Minh)
Ngư dân tỉnh Thừa Thiên – Huế mong muốn sớm công bố mở cảng và nạo vét luồng lạch đảm bảo độ sâu, tạo thuận lợi tốt nhất cho tàu thuyền ra vào cảng neo đậu (Ảnh Đ.Minh)

Gia đình có 2 tàu cá công suất 320CV và 105CV, vốn đầu tư mua tàu và các ngư lưới cụ hết khoảng 1,5 tỷ đồng, ông Lê H. (phường Thuận An, TP Huế) cho biết, mỗi chuyến đi biển ông thuê trung bình từ 7 - 15 lao động. Vào mùa nắng tàu muốn ra khơi phải chờ thời điểm thủy triều lên cao, còn những lúc thủy triều xuống đều bị mắc kẹt trong lạch.

“Khi đi đánh bắt hải sản về phải neo đậu ở ngoài cửa lạch cách xa bờ khoảng 2 - 3km rồi thuê thuyền nhỏ ra chở hải sản vào. Nhưng mỗi chuyến thuyền nhỏ cũng chỉ chở được 700kg đến khoảng 1 tấn vì chở nhiều sẽ bị mắc cạn, chi phí thuê thuyền nhỏ từ 200 - 500 nghìn đồng. Sau đó, lại dùng thuyền nhỏ đưa nhiên liệu, đá lạnh từ bờ ra tiếp ứng cho tàu để đi chuyến biển tiếp theo. Việc này không chỉ tốn kém về chi phí mà còn làm kéo dài thời gian, ảnh hưởng đến chất lượng hải sản và thu nhập của ngư dân”, ông H. than thở.

Mới đây, bão số 5 ảnh hưởng trên vùng biển, buộc tất cả các tàu thuyền phải di chuyển về bờ neo đậu, trú tránh và gặp nhiều khó khăn khi vào cảng biển mới. Theo ngư dân phản ánh, nhiều tàu công suất lớn không thể vào được, phải di chuyển vào các âu thuyền cũ như Phú Thuận, Phú Hải để neo đậu tránh trú bão.

Phường Thuận An là đơn vị trọng điểm về nghề cá của TP Huế, theo thống kê số lượng tàu cá với hơn 370 phương tiện, trong đó có 170 tàu đánh bắt xa bờ, chủ yếu ở ngư trường Hoàng Sa. Mùa mưa bão năm nay đã đến, các tàu thuyền, nhất là tàu công suất lớn, tàu vỏ thép rất cần nơi trú tránh bão an toàn cũng như mỗi khi di chuyển ra vào cảng.

Dự án cảng cá mới Thuận An kỳ vọng đem lại những lợi ích thiết thực cho chủ tàu, bà con ngư dân, tạo nơi neo đậu tránh trú bão an toàn cho tàu cá, cung cấp các hoạt động dịch vụ hậu cần nghề cá, tiêu thụ sản phẩm đánh bắt của bà con ngư dân trong và ngoài tỉnh, góp phần phát triển kinh tế của các địa phương ven biển.

Để cảng cá mới phát huy công năng và hiệu quả, bà con ngư dân tỉnh Thừa Thiên – Huế mong muốn các cấp, ngành quan tâm bố trí kinh phí để tổ chức nạo vét luồng lạch đảm bảo cho tàu thuyền hoạt động, di chuyển ra vào cảng một cách thuận lợi, sớm hoàn thành thủ tục công bố mở cảng. Từ đó, ngư dân mới có thể yên tâm vươn khơi bám biển và neo đậu tàu thuyền trú tránh an toàn trong mùa mưa bão.

Đọc thêm

Quảng Nam: Cảnh báo lũ quét, sạt lở, ngập úng các khu dân cư Môi trường

Quảng Nam: Cảnh báo lũ quét, sạt lở, ngập úng các khu dân cư

TTTĐ - Theo thông tin cập nhập từ Đài Khí tượng thuỷ văn Quảng Nam, sáng 27/10 mực nước trên sông Vu Gia - Thu Bồn và Tam Kỳ (Quảng Nam) đang biến đổi chậm và ở mức dưới báo động 1.
Mưa lớn nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét tại Quảng Nam Môi trường

Mưa lớn nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét tại Quảng Nam

TTTĐ - Bão số 6 đã gây mưa lớn kéo dài từ đêm qua trên địa bàn tỉnh Quảng Nam khiến nguy cơ rất cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét tại địa phương này.
Hà Nội sáng sớm và đêm trời lạnh Môi trường

Hà Nội sáng sớm và đêm trời lạnh

TTTĐ - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, lúc 6 giờ ngày 27/10, vị trí tâm bão số 6 ở khoảng 16.9 độ Vĩ Bắc, 109.1 độ Kinh Đông, cách Đà Nẵng khoảng 133km về phía Đông Đông Bắc.
Ảnh hưởng bão số 6: Miền Trung mưa lớn, cây xanh ngã đổ Môi trường

Ảnh hưởng bão số 6: Miền Trung mưa lớn, cây xanh ngã đổ

TTTĐ - Bão số 6 đang ảnh hưởng đến các tỉnh, TP tại khu vực miền Trung, gây mưa lớn kéo dài và làm ngã đổ hàng loạt cây xanh tại nhiều đô thị.
Tạm đóng cửa 4 sân bay tại miền Trung để tránh bão Trà Mi Xã hội

Tạm đóng cửa 4 sân bay tại miền Trung để tránh bão Trà Mi

TTTĐ – 4 sân bay miền Trung gồm các sân bay Đà Nẵng, Chu Lai, Phú Bài và Đồng Hới sẽ tạm dừng bay trong các khung giờ nhất định để đảm bảo an toàn trước bão Trà Mi.
Từ 10 giờ ngày 27/10, người dân Đà Nẵng hạn chế ra khỏi nhà Môi trường

Từ 10 giờ ngày 27/10, người dân Đà Nẵng hạn chế ra khỏi nhà

TTTĐ - Để chủ động ứng phó với bão, mưa lớn, TP Đà Nẵng đề nghị người dân (trừ các lực lượng làm nhiệm vụ) hạn chế ra khỏi nhà bắt đầu từ 10 giờ ngày 27/10.
Bão số 6 cách Đà Nẵng khoảng 307km, giật cấp 14 Xã hội

Bão số 6 cách Đà Nẵng khoảng 307km, giật cấp 14

TTTĐ - Dự báo trong 3 giờ đến, bão số 6 (có tên gọi Trà Mi) sẽ di chuyển theo hướng Tây, với tốc độ khoảng 25 - 30km/h.
Quảng Nam triển khai các biện pháp ứng phó khẩn cấp bão số 6 Môi trường

Quảng Nam triển khai các biện pháp ứng phó khẩn cấp bão số 6

TTTĐ - Trước diễn biến phức tạp của bão số 6, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam đã triển khai các biện pháp ứng phó khẩn cấp để bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân.
Sơ khảo cuộc thi tìm hiểu Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở Muôn mặt cuộc sống

Sơ khảo cuộc thi tìm hiểu Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

TTTĐ - Vòng sơ khảo cuộc thi “Tìm hiểu Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở” trên địa bàn TP Hà Nội gồm 5 cuộc thi tương ứng 5 Cụm thi đua của MTTQ TP Hà Nội để chọn ra các đội xuất sắc tham dự thi chung khảo.
Cô gái ngồi xe lăn đi theo ánh sáng của ước mơ Muôn mặt cuộc sống

Cô gái ngồi xe lăn đi theo ánh sáng của ước mơ

TTTĐ - Biến cố xảy ra khi Nguyễn Ánh Phượng (sinh năm 1991 tại Hà Nội) vừa nhận thông báo trúng tuyển Đại học. Từ một cô gái khỏe mạnh bình thường, Phượng phải gắn liền với chiếc xe lăn sau một cơn sốt ác tính. Mọi di chuyển đều phụ thuộc vào chiếc xe lăn nhưng Ánh Phượng vẫn khát khao được lan tỏa yêu thương và những điều tích cực đến cộng đồng.
Xem thêm