Thuốc lá điện tử "tấn công" trường học: Mối nguy hại đe dọa thế hệ trẻ
Cảnh báo tác hại khôn lường của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng với giới trẻ Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong giới trẻ ở mức cao |
Các loại thuốc lá điện tử chứa chất ma túy do Công an huyện Thạch Thất (Hà Nội) phát hiện, thu giữ |
Nhiều học sinh phải cấp cứu vì "làn khói thơm"
Đầu tháng 2/2023, Công an huyện Thạch Thất (Hà Nội) đã bắt giữ Nguyễn Văn Duy (xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất), là đối tượng phân phối, bán thuốc lá điện tử chứa chất ma túy cho các thanh niên trên địa bàn. Theo kết quả giám định, chất có trong thuốc lá điện tử mà Duy bán là chất ADB-Butinaca, thuộc nhóm chất cần sa tổng hợp trong danh mục cấm.
Mới đây, Công an quận Hà Đông (Hà Nội) thông tin về việc liên tiếp học sinh phải nhập viện cấp cứu vì liên quan đến thuốc lá điện tử khiến các phụ huynh và học sinh hoang mang, lo lắng. Công an quận Hà Đông đã vào cuộc xác minh, làm rõ vụ việc.
Cụ thể, ngày 4/4, tại một lớp 10 của Trường THPT trên địa bàn quận, 3 học sinh là N.C.Đ, N.T.H, N.H.T sau khi uống chai nước Fuzetea trà chanh sả của học sinh V.N.A thì có biểu hiện mệt, buồn nôn, khó chịu, nóng trong người. Ngay lập tức, các em được nhà trường đưa đi cấp cứu. Qua xác minh, học sinh N.C.Đ thừa nhận, đã nhỏ 2 giọt tinh dầu thuốc lá điện tử vào chai nước để trêu đùa bạn.
Cũng trong ngày 4/4, sau khi sử dụng hút thuốc lá điện tử của học sinh N.T.H, học sinh N.T.D (lớp 11 bên cạnh) đã có biểu hiện choáng, mệt và ngã ra sàn lớp học.
Cơ quan công an cho biết, sự việc trên gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng thuốc lá điện tử xâm nhập học đường. Đồng thời khuyến cáo, thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng có chứa nicotine có khoảng 15.500 loại hương liệu được sử dụng. Trong đó có rất nhiều loại hương liệu độc hại, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và có thể pha trộn các chất khác vào dung dịch như ma túy, cần sa, hay các chất kích thích khác.
Theo thông tin từ Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an), gần đây tội phạm ma túy đã chế tạo những chất ma túy mới chưa có trong danh mục cấm đựng trong dung dịch thuốc lá điện tử, dùng dụng cụ thuốc lá điện tử để sử dụng trái phép. Các chất ma túy mới khi sử dụng sẽ gây ảo giác, có thể gây co giật, hôn mê, thậm chí tử vong đối với người sử dụng và những người không may uống nhầm.
Loại hóa chất mà các đối tượng thường dùng để cho vào tinh dầu thuốc lá điện tử là ADB-Butinaca, thuộc nhóm chất cần sa tổng hợp, mới được đưa vào quản lý theo Nghị định 57/2022/NĐ-CP, ngày 25/8/2022 của Chính phủ quy định các danh mục chất ma túy và tiền chất. Chất này thường gây ra ảo giác, kích thích thần kinh trung ương. ADB - Butinaca được tổng hợp từ các hóa chất, có tác dụng tương tự như hoạt chất ma túy cần sa. Ngoài ra, đối tượng cũng sử dụng cả tinh dầu cần sa để trộn vào tinh dầu thuốc lá điện tử để tăng độ “phê”.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, thuốc lá điện tử và kể cả một số loại thuốc lá nung nóng mới phát sinh, có sử dụng nhiều hương liệu, hóa chất không phải là từ nguyên liệu lá thuốc lá điếu thông thường. Nguyên liệu phối trộn nhiều loại thành phần khác nhau nên có thể bị lợi dụng để sử dụng ma túy.
Thông qua việc phối trộn, người sử dụng có thể tự ý tăng tỷ lệ nicotine quá mức hoặc thêm ma túy và các chất gây nghiện khác vào để sử dụng mà khó bị phát hiện. "Việc sử dụng thuốc lá điện tử ở giới trẻ làm tăng nguy cơ dùng ma túy gấp 3,5 lần so với không hút thuốc lá điện tử, tăng nguy cơ uống rượu, dùng sai thuốc chữa bệnh", Tiến sỹ Nguyên cho hay.
Một số khảo sát trong cộng đồng sử dụng thuốc lá điện tử cho thấy rõ ràng về mối liên quan giữa sử dụng thuốc lá điện tử với các tệ nạn xã hội khác như ma túy, hút shisha và các chất gây nghiện khác.
Ở Việt Nam, nhiều trường hợp học sinh phải cấp cứu do ngộ độc chất ma túy phối trộn trong thuốc lá điện tử đã được ghi nhận tại Bệnh viện Bạch mai và Trung tâm giám định ma túy Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an. Những hệ lụy này ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, môi trường, lối sống, hành vi của giới trẻ.
Cần hành lang pháp lý chặt chẽ
Trao đổi bên hành lang Quốc hội, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho rằng, vấn đề thuốc lá điện tử xâm nhập vào trường học hiện nay đang được các cử tri đặc biệt quan tâm.
Cán bộ Công an TP Hà Nội tuyên truyền về tác hại của ma túy và thuốc lá điện tử cho học sinh |
Qua quá trình theo dõi, bà nhận định, thuốc lá điện tử khác thuốc lá truyền thống ở cả hình thức và cách thức sử dụng. Về hình thức, thuốc lá điện tử được thiết kế với mẫu mã đa dạng, nhỏ gọn, hình dáng, màu sắc bắt mắt. Thuốc lá điện tử mùi hương dễ chịu, thường có mùi hương hoa quả, kẹo caosu khiến người sử dụng thường lầm tưởng thuốc lá điện tử không có hại cho sức khoẻ. Nhưng thực chất, các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, thuốc lá điện tử nguy hại không kém gì thuốc lá truyền thống, thậm chí còn nguy hiểm hơn.
Dung dịch được sử dụng trong thuốc lá điện tử là chất phối trộn, không thể kiểm soát. Nhà sản xuất hay người dùng đều có thể tự ý đưa bất kỳ chất nào vào trong dung dịch, kể cả ma túy và đây là nguy hại lớn nhất. Mùi thơm của khói thuốc lá điện tử rất dễ chịu, khiến người dùng mất cảnh giác, mất kiểm soát khi hút quá nhiều. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ra nhiều bệnh lí răng miệng, ung thư vòm họng, bệnh phổi, bệnh đường hô hấp...
Bà Nga cho rằng, hiện nay, chúng ta chưa có hệ thống hành lang pháp lí quản lí thuốc lá điện tử. Do vậy, kiến nghị Quốc hội nghiên cứu và có hình thức phù hợp để sớm bổ sung thuốc lá điện tử, thuốc lá thế hệ mới vào đối tượng điều chỉnh của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP HCM) cho biết, khi Quốc hội ban hành Luật Phòng chống tác hại thuốc lá năm 2012, lúc này thuốc lá điện tử chưa xuất hiện. Vì vậy quy định pháp luật về sản phẩm thuốc lá này chưa có đầy đủ.
Hiện luật chưa điều chỉnh và theo quy định hiện hành các sản phẩm thuốc lá này chưa được phép sản xuất kinh doanh và nhập khẩu vào Việt Nam. Những sản phẩm này được xếp vào nhóm thuốc lá lậu, buôn lậu. Nếu các sản phẩm này bán trên thị trường là vi phạm các quy định về phòng, chống buôn lậu, nếu trộn thêm các loại ma túy là vi phạm Luật Phòng, chống ma túy.
Do vậy, chúng ta cần cấm ngay, cấm càng sớm càng tốt thuốc lá điện tử tại Việt Nam. Tôi mong Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan liên ngành có quy định để chấm dứt tình trạng sử dụng thuốc lá điện tử", bà Lan nói.