Thường xuyên kiểm tra, giám sát, khắc phục ngay những bất cập từ thực tiễn phòng cháy, chữa cháy
Nhân rộng mô hình “Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy” trước ngày 20/6
Ngày 27/2, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn chủ trì Hội nghị triển khai Kế hoạch số 53/KH-UBND ngày 16/2/2023 của UBND thành phố Hà Nội về tuyên truyền, phổ biến pháp luật và xây dựng mô hình phong trào toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho cộng đồng.
Hội nghị được tổ chức trực tiếp từ điểm cầu trụ sở UBND thành phố và trực tuyến đến 30 quận, huyện, thị xã và 579 xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố.
Quang cảnh hội nghị |
Tại hội nghị, Đại tá Dương Đức Hải, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội triển khai Kế hoạch số 53/KH-UBND. Kế hoạch yêu cầu duy trì, xây dựng, nhân rộng mô hình toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ. Trong đó, mô hình phải triển khai thực hiện và đưa vào hoạt động đồng bộ theo chỉ tiêu của Bộ Công an (hoàn thành trước ngày 20/6/2023) gồm: Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy và điểm chữa cháy công cộng. Còn mô hình triển khai thực hiện và đưa vào hoạt động căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương (hoàn thành trước ngày 15/12/2023) gồm: Khu chung cư, tập thể an toàn phòng cháy, chữa cháy; cụm liên kết làng nghề an toàn; cụm liên kết an toàn trong Khu/Cụm công nghiệp; cụm liên kết an toàn phòng cháy, chữa cháy rừng.
Đại tá Dương Đức Hải cho biết, kế hoạch đặt ra lộ trình thời gian thực hiện, trong đó trước ngày 30/3 phải hoàn thành công tác điều tra cơ bản, lập danh sách các mô hình và địa bàn triển khai thực hiện. Trước ngày 30/4, tổ chức tuyên truyền, tập huấn nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, vận động 100% hộ gia đình tự trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Trước ngày 20/6, hoàn thành việc triển khai thực hiện nhân rộng mô hình “Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy” và “Điểm chữa cháy công cộng” trên toàn địa bàn quản lý. Trước 15/12, lựa chọn, triển khai 4 mô hình còn lại cho phù hợp với đặc điểm, tính chất nguy hiểm cháy, nổ trên địa bàn.
Thành phố yêu cầu phải hoàn thành xong trước ngày 28/2 việc tổ chức khảo sát, thống kê, lập danh sách các hộ gia đình, hộ gia đình để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, chất dễ cháy, nổ liền kề; Các khu phố trong khu dân cư, làng nghề, ngõ, hẻm tập trung đông dân cư (hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, nhà trọ, tập thể cũ...); Các ngõ, ngách, hẻm sâu có chiều sâu từ 50m trở lên, xe chữa cháy không tiếp cận được; cơ sở trong khu, cụm công nghiệp; địa bàn có rừng.
Đại tá Dương Đức Hải, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội trình bày báo cáo tại hội nghị |
Trước ngày 30/3, các đơn vị phải bảo đảm 100% nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh hàng hóa dễ cháy, nổ và liền kề nhau phải tham gia Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy. Mỗi hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất kinh doanh có ít nhất 1 người đã tham gia lớp tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ; 100% ngõ, hẻm có chiều sâu từ 50m trở lên, xe chữa cháy không tiếp cận được thì phải bố trí “Điểm chữa cháy công cộng” theo đúng tiêu chí.
Huy động cả hệ thống chính trị tham gia vào công tác phòng cháy, chữa cháy
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các quận, huyện đã chia sẻ kinh nghiệm tuyên truyền, vận động các hộ gia đình trang bị phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ cũng như công tác tập huấn về phòng cháy, chữa cháy; Huy động các nguồn lực để thực hiện tốt công tác này trên địa bàn.
Chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, lãnh đạo quận Ba Đình cho biết, quận rất chú trọng công tác tuyên truyền về phòng cháy, chữa cháy trên hệ thống phát thanh và phát tờ rơi đến từng hộ gia đình để nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề này và đến nay, 40% hộ gia đình có bình phòng cháy, chữa cháy.
Đại diện quận Thanh Xuân cho rằng, cùng với tuyên truyền, vận động đến 100% hộ gia đình tham gia tập huấn về phòng cháy, chữa cháy thì việc xã hội hóa trong trang bị các phương tiện phòng cháy, chữa cháy sẽ giúp kế hoạch triển khai hiệu quả hơn.
Đại diện lãnh đạo quận Hoàn Kiếm chia sẻ kinh nghiệm lắp đặt các “Điểm chữa cháy công cộng”, xã hội hóa lắp bình chữa cháy trên địa bàn để phục vụ công tác này.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn phát biểu kết luận hội nghị |
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn biểu dương Công an thành phố đã tham mưu cách triển khai hiệu quả trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, trong đó có việc tổ chức thực hiện Kế hoạch số 53/KH-UBND.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố nhấn mạnh, tình hình cháy nổ trên địa bàn thành phố còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Vì thế, Công an thành phố cần phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về vấn này.
Đồng chí cũng yêu cầu các địa phương phải bám sát tiến độ của Kế hoạch để thực hiện hiệu quả, đặc biệt là trang bị các phương tiện phòng cháy, chữa cháy để triển khai phương án “4 tại chỗ” trong phòng cháy, chữa cháy. Những địa bàn có các ngõ hẹp cần có các “Điểm chữa cháy công cộng” để hỗ trợ công tác này.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm của hệ thống chính trị ở địa phương, trong đó người đứng đầu cần nêu gương trong triển khai thực hiện kế hoạch, thường xuyên kiểm tra, giám sát để khắc phục ngay những bất cập từ thực tiễn; Cùng với đó, cần huy động sự tham gia và ý thức trách nhiệm của mỗi người dân - đây là điều kiện tiên quyết để bảo đảm sự thành công của kế hoạch.
Đối với chính quyền địa phương, đồng chí Lê Hồng Sơn đề nghị làm rõ vai trò, trách nhiệm của bí thư chi bộ trong tuyên truyền, hướng dẫn người dân ở địa bàn dân cư thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy.
Đối với các cơ quan báo chí của thành phố, đồng chí Lê Hồng Sơn yêu cầu tăng cường thời lượng, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền về công tác phòng cháy, chữa cháy.
Công an thành phố phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tuyên truyền công tác phòng cháy, chữa cháy trong hệ thống giáo dục đào tạo của thành phố để các em học sinh cũng hiểu cách phòng cháy, chữa cháy và thoát nạn khi có xảy ra cháy nổ.