Thường xuyên tổ chức tự kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy
Tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng Đưa Hà Nội đi đầu trong công tác phòng cháy, chữa cháy Hình thành kỹ năng phòng cháy, chữa cháy từ trong nhà trường |
UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Công văn số 1516/UBND-NC về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) trên địa bàn trong mùa nắng nóng.
Ảnh minh họa |
Để hạn chế đến mức thấp nhất cháy, nổ xảy ra do nguyên nhân chủ quan, đặc biệt, trong thời tiết nắng nóng, đồng thời cảnh báo, khuyến cáo người dân các biện pháp phòng, chống đuối nước, nhất là trong dịp hè 2024, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các Sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương và thành phố Hà Nội về công tác PCCC và CNCH.
Cơ quan chức năng, địa phương tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo cơ sở, hộ gia đình, hộ gia đình kết hợp kinh doanh sản xuất... các biện pháp thoát nạn, phòng ngừa cháy, nổ; cảnh báo những nguy cơ gây cháy, nổ.
Cùng với đó, các đơn vị thường xuyên tổ chức tự kiểm tra an toàn PCCC và CNCH để chủ động phát hiện và loại trừ những nguy cơ dẫn đến cháy, nổ, sự cố, tai nạn; bảo đảm đến hết năm 2024, 100% hộ gia đình được trang bị bình chữa cháy, có ít nhất một người được tuyên truyền, tập huấn kiến thức, kỹ năng PCCC và CNCH…
Các địa phương, đơn vị tăng cường tuyên truyền, vận động 100% hộ gia đình kết hợp kinh doanh, sản xuất có từ 2 tầng trở lên, chưa có lối thoát nạn thứ 2 tự mở lối thoát nạn thứ 2, trang bị dụng cụ, phương tiện chữa cháy, cứu nạn cứu hộ, tham gia đội dân phòng bảo đảm thực chất, hiệu quả, đáp ứng phương châm “4 tại chỗ”; hướng dẫn, tuyên truyền nhằm nâng cao kiến thức, nhận thức và ý thức trách nhiệm của người dân về công tác PCCC, CNCH.
UBND thành phố Hà Nội cũng chỉ đạo xây dựng nội dung, hình thức tuyên truyền, tăng cường và duy trì việc phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước trẻ em, đặc biệt là trong trường học ở tất cả các cấp học để nâng cao ý thức của người dân, nhất là trẻ em về công tác phòng, chống đuối nước; chủ động các biện pháp cảnh báo, khuyến cáo người dân tại các địa điểm tiềm ẩn nguy cơ đuối nước (ao, hồ, sông, suối...) trên địa bàn.
Các Sở, ngành liên quan và các địa phương có rừng tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về PCCC rừng cho tổ chức, cá nhân, lực lượng bảo vệ rừng và cộng đồng dân cư sinh sống gần rừng.