Tiếp tục chủ động các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết có thể tăng nhanh thời gian tới
Theo báo cáo của CDC Hà Nội, năm 2022, toàn thành phố ghi nhận 19.779 ca mắc, dịch sốt xuất huyết có xu hướng tăng từ tuần 30; Vượt ngưỡng cảnh báo dịch ở tuần 35 và đạt đỉnh dịch vào tuần 44; Duy trì ở mức cao và giảm nhanh từ tuần 49.
Bệnh nhân ghi nhận tại 30/30 quận, huyện, thị xã; Số mắc khu vực ngoại thành chiếm 53,1%, nhiều hơn ca mắc ở khu vực nội thành chiếm 46,9%.
Các quận huyện trên địa bàn thành phố tích cực dọn dẹp vệ sinh môi trường, phòng, chống sốt xuất huyết |
Liên quan đến công tác điều trị, bệnh nhân phần lớn điều trị tại bệnh viện, cơ sở y tế tuyến quận, huyện chiếm tỷ lệ 45%; Tuyến tỉnh, thành phố chiếm 29% và tuyến Trung ương 21%; Chỉ 5% bệnh nhân điều trị tại trạm y tế và tại nhà.
Số ca mắc có xu hướng tăng dần từ 0 đến 40 tuổi sau đó có xu hướng giảm dần theo các nhóm tuổi, số mắc ghi nhận phần lớn ở nhóm tuổi học sinh và người lao động.
Từ năm 2009 - 2022, ghi nhận tuýp Dengue 1 và Dengue 2 là chủ yếu, trong đó tuýp Dengue 2 có xu hướng tăng, trong khi tuýp Dengue 1 có xu hướng giảm dần.
Trong năm 2023, tính đến ngày 15/5, toàn thành phố ghi nhận 250 ca mắc sốt xuất huyết, số mắc tăng so với cùng kỳ năm 2022 (25/0).
Số ca mắc ghi nhận tại 27/30 quận, huyện, thị xã; 143/579 xã, phường, thị trấn. Toàn thành phố ghi nhận 14 ổ dịch tại 9 quận, huyện gồm: Đống Đa, Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Thạch Thất, Hà Đông, Thanh Oai, Hoài Đức, Tây Hồ.
Trong thời gian qua, CDC Hà Nội đã chủ động phối hợp với các đơn vị trong việc xây dựng, triển khai kế hoạch phòng, chống dịch các cấp; Triển khai kế hoạch vệ sinh môi trường - diệt bọ gậy, diệt muỗi chủ động phòng, chống sốt xuất huyết; Xây dựng kế hoạch phát động hưởng ứng Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết (15/6/2023).
CDC Hà Nội tiếp tục duy trì các hoạt động giám sát dịch tễ, véc tơ truyền bệnh, phát hiện sớm, khoanh vùng xử lý ổ dịch, ca bệnh tại cộng đồng; triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường, phun hóa chất diệt muỗi phòng, chống sốt xuất huyết.
Ngoài ra, đơn vị cũng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hỗ trợ các đơn vị triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết tại cơ sở; các đơn vị cũng đã chủ động, kịp thời tổng hợp, báo cáo tình hình dịch sốt xuất huyết trên phần mềm theo Thông tư 54 theo quy định.
Theo nhận định của CDC Hà Nội, tình hình dịch sốt xuất huyết có thể gia tăng nhanh trong thời gian tới, do điều kiện thời tiết hiện nay thuận lợi cho lăng quăng, muỗi truyền bệnh phát triển.
Hiện nay, số ca mắc đang tăng theo tuần, có thể ghi nhận bệnh nhân nặng và tử vong so với năm 2022. Vì vậy, ngoài sự vào cuộc một cách quyết liệt của các cấp, ngành, chính quyền địa phương và ngành Y tế thì người dân cũng cần nâng cao nhận thức, ý thức, thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch.
Tiếp tục triển khai các hoạt động vệ sinh môi trường - diệt bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi
Giám đốc CDC Hà Nội Bùi Văn Hào cho rằng, các đơn vị cần tranh thủ sự ủng hộ của các cấp chính quyền địa phương trong công tác phòng, chống dịch bệnh là hết sức quan trọng; Chủ động tham mưu, đề xuất với chính quyền các cấp tiếp tục triển khai các hoạt động vệ sinh môi trường - diệt bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi tại hộ gia đình, khu dân cư, khu vực công cộng để phòng, chống sốt xuất huyết.
Một số đơn vị TTYT quận, huyện, thị xã cũng đã có những ý kiến về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn; Những khó khăn, tồn tại cần tháo gỡ, trong đó có việc mua sắm vật tư, hoá chất phòng, chống dịch.
Phun hóa chất tiêu diệt bọ gậy, loăng quăng. |
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương ghi nhận những cố gắng, nỗ lực của CDC Hà Nội và các quận, huyện, thị xã trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn thành phố, trong đó có công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết.
Để chủ động công tác phòng, chống dịch bệnh, trong thời gian tới, các đơn vị tiếp tục tham mưu cho chính quyền địa phương về triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh tại cơ sở; Rà soát, đề xuất tháo gỡ khó khăn về định mức chi cho hệ y tế dự phòng làm sao cho phù hợp; đảm bảo đầy đủ vật tư hoá chất, máy phun sử dụng trong phòng, chống dịch.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương kiểm tra công tác phòng, chống sốt xuất huyết tại huyện Gia Lâm |
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cũng yêu cầu CDC Hà Nội tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hỗ trợ các đơn vị triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh.
Phó Giám đốc Sở Y tế Vũ Cao Cương lưu ý, CDC Hà Nội cần có thông báo chỉ số nguy cơ đối với từng quận, huyện, thị xã, khu vực nguy cơ cao về sốt xuất huyết, để có những cảnh báo cho người dân; Rà soát lại công tác xét nghiệm mẫu, thống nhất với các đơn vị về việc gửi mẫu xét nghiệm làm sao hiệu quả, đáp ứng kịp thời công tác phòng, chống dịch.
Cùng với đó, các đơn vị tăng cường tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết để người dân tự giác thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho cá nhân và cộng đồng, chủ động tham gia thu dọn vật dụng phế thải gây đọng nước, nơi bọ gậy, muỗi phát triển, đậy kín các dụng cụ chứa nước sinh hoạt để phòng bệnh sốt xuất huyết.