Tiếp tục giám sát COVID-19 cùng các bệnh đường hô hấp khác
Đại diện Bộ Y tế cho biết từ đầu năm đến nay, số ca mắc trung bình tháng giảm 68 lần so với năm 2022 (khoảng 816.000 ca/tháng). Tỷ lệ tử vong do COVID-19 giảm từ 1,86% năm 2021 xuống 0,1% năm 2022 và hiện còn 0,02% trong năm 2023 (tính đến hết tháng 8/2023), tương đương hoặc thấp hơn tỷ lệ tử vong của một số bệnh truyền nhiễm nhóm B ghi nhận phổ biến tại Việt Nam trong 5 năm gần đây như: sốt xuất huyết (0,022%), sốt rét (0,017%), bạch hầu (0,102%), ho gà (0,417%).
Nước ta đã tiêm hơn 266,5 triệu liều vắc xin COVID-19 và là một trong những quốc gia có tỉ lệ bao phủ vắc xin COVID-19 cao nhất thế giới.
GS.TS Phan Trọng Lân cùng các lãnh đạo Vụ/Cục trực thuộc Bộ Y tế trả lời tại buổi gặp mặt báo chí về việc điều chỉnh bệnh COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sang bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B |
Tại buổi gặp mặt báo chí vào chiều 20/10, ông Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: “Khi COVID-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm B, sẽ tiến hành lồng ghép giám sát COVID-19 vào hệ thống giám sát tác nhân gây bệnh đường hô hấp, bao gồm giám sát trọng điểm hội chứng Cúm (ILI), giám sát viêm phổi nặng do virus (SVP), giám sát đặc điểm di truyền của vi rút SARS-CoV-2 để theo dõi các biến thể của virus; Thực hiện đánh giá nguy cơ định kỳ và đột xuất, triển khai ngay các đáp ứng trong phòng, chống dịch tương ứng với các mức nguy cơ.
Liên quan đến việc thông tin ca bệnh COVID-19, GS.TS Phan Trọng Lân cho biết thông tin về ca bệnh tiếp tục được báo cáo trong hệ thống y tế hàng ngày để cung cấp, thu thập thông tin, xử lý thông tin. Từ đó, bộ phận chuyên môn sẽ tổng hợp báo cáo tuần, tháng và phục vụ công tác phòng chống dịch. Ngoài ra, Bộ Y tế sẽ tiếp tục duy trì việc thông tin COVID-19 phù hợp.
Về việc đeo khẩu trang, Bộ Y tế vẫn khuyến cáo người dân tuân thủ nguyên tắc 2K (khẩu trang và khử khuẩn) khi đến cơ sở khám chữa bệnh và ở nơi công cộng, đông người. “Việc đeo khẩu trang không chỉ phòng chống COVID-19 mà còn giúp phòng chống nhiều bệnh truyền nhiễm khác”, ông Phan Trọng Lân nhấn mạnh.
Cũng theo chuyên gia này, khi phát hiện mắc COVID-19, người bệnh cần thực hiện đeo khẩu trang trong 10 ngày. Ngoài ra, với những người chăm sóc người bệnh cũng cần đeo khẩu trang.
Về việc tiêm vắc xin phòng COVID-19, theo ông Phan Trọng Lân, năm 2023, Bộ Y tế đã ban hành kế hoạch tiêm vắc xin, trong đó khuyến cáo những đối tượng nên tiếp tục tiêm vắc xin, gồm: Những người chưa tiêm đủ các mũi vắc xin COVID-19, ưu tiên với người có nguy cơ cao mắc bệnh, người cao tuổi, người có bệnh nền chưa tiêm đủ 4 mũi…
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện còn phải tiếp tục đánh giá về vắc xin COVID-19 trong bối cảnh các biến chủng vẫn có thể thay đổi.
Tới nay, WHO chưa có khuyến cáo tiêm nhắc lại COVID-19 hằng năm. Thế nhưng thời gian tới, cách tiếp cận với vắc xin có thể thay đổi dựa vào tình hình biến chủng của vi rút SARS-CoV-2.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về chi phí khám chữa bệnh cho bệnh nhân sẽ ra sao khi COVID-19 chuyển sang bệnh truyền nhiễm nhóm B từ ngày 20/10, ông Phan Văn Toàn, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) cho biết: “Những bệnh nhân mắc COVID-19 vào viện từ ngày 19/10 trở về trước sẽ được ngân sách nhà nước chi trả.
Từ ngày 20/10 trở đi, bệnh nhân mắc COVID-19 khi đi khám, chữa bệnh sẽ được quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) thanh toán theo quy định. Tức là bệnh nhân tham gia BHYT được đồng chi trả, bệnh nhân không tham gia sẽ không được chi trả.
Bệnh nhân trái tuyến sẽ được mức chi trả thấp hơn. Thậm chí, quỹ BHYT không chi trả, khác với quy định trước đây là được chi trả toàn bộ trong cả các trường hợp trái tuyến”.
Liên quan đến vấn đề điều trị bệnh nhân COVID-19, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho hay, dù chuyển sang nhóm B nhưng không có nghĩa là bệnh nhẹ đi mà vẫn có các ca bệnh nặng. Chính vì vậy, phác đồ điều trị COVID-19 vẫn tiếp tục được tuân thủ theo như hướng dẫn của Bộ Y tế.
Liên quan đến việc tiêm vắc xin COVID-19, đại diện Bộ Y tế cho biết việc tiêm vắc xin COVID-19 cần tiếp tục được theo dõi.
Theo WHO hiện chưa có khuyến cáo tiêm vắc xin COVID-19 hàng năm, tuy nhiên dựa trên những yếu tổ thực tiễn như biến chủng mới của COVID-19 thì có thể có khuyến cáo mới tiếp theo.
Bộ Y tế đã có kế hoạch sử dụng vắc xin COVID-19 của năm 2023, hiện việc tiêm vắc xin COVID-19 vẫn miễn phí.