Tiết kiệm hơn 2.000 tỷ đồng nhờ đàm phán thành công giá 64 thuốc biệt dược
Theo thông tin của Trung tâm mua sắm tập trung thuốc quốc gia (Bộ Y tế), thời gian qua, Bộ Y tế đã tiến hành đàm phán giá với 69 thuốc biệt dược, thuốc gốc có giá trị sử dụng lớn. Trong đó, Bộ đã đàm phán thành công 61 thuốc, giảm được khoảng 14,8% (tương đương với tổng gói thầu giảm được là hơn 1.995 tỷ đồng).
Ngoài ra, ngày 22/2, có thêm 3 thuốc biệt dược thường sử dụng trong điều trị ung thư được đàm phán thành công, giảm 5%, tiết kiệm 40 tỷ đồng. Còn lại 4 thuốc thiếu điều kiện (hồ sơ, số đăng ký…) và 1 thuốc đàm phán không thành công.
Ảnh minh họa |
Ước tính giá của tổng 61 thuốc này giảm được khoảng 14,8%, tương đương với tổng gói thầu giảm được khoảng gần 2.000 tỷ đồng.
Danh mục đàm phán giá chia thành các nhóm: biệt dược gốc điều trị ung thư và điều hòa miễn dịch, biệt dược gốc chống nhiễm khuẩn, biệt dược gốc điều trị tim mạch, biệt dược gốc chứa Insulin và điều trị tiểu đường, biệt dược gốc tác dụng trên đường hô hấp, biệt dược gốc tác dụng đối với máu.
Đây là những thuốc có nhu cầu lớn tại các cơ sở y tế công lập và có giá trị sử dụng trên 100 tỷ đồng/năm.
Thời gian qua, trước tình trạng nhiều cơ sở y tế công lập thiếu thuốc, trang thiết bị y tế, Bộ Y tế cho biết, đã đẩy mạnh một số giải pháp như đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận đăng ký thuốc, giải quyết các hồ sơ tồn đọng theo đúng quy định.
Ngoài ra, Bộ cũng cấp phép nhanh nhất khi có đề nghị của các cơ sở nhập khẩu, cơ sở khám chữa bệnh đối với các thuốc hiếm về nguồn cung, sử dụng cho bệnh hiếm, nhu cầu điều trị của bệnh viện...
Vào đầu tháng 2/2023, Cục quản lý dược (Bộ Y tế) cũng đã công bố danh mục thuốc, nguyên liệu làm thuốc có giấy đăng ký lưu hành được tiếp tục sử dụng theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 80/2023/QH15. Theo đó, gần 8.900 thuốc, nguyên liệu làm thuốc, vắc xin và sinh phẩm y tế đã được gia hạn đăng ký.