Tìm "lời giải đột phá" cho đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí
Tọa đàm là một trong những hoạt động có ý nghĩa thiết thực nâng cao công tác đào tạo và bỗi dưỡng báo chí cho các hội viên, nhà báo trong thời đại chuyển đổi số.
Phát biểu tại tọa đàm, Nhà báo Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: Công tác bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí để nâng cao chất lượng đội ngũ người làm báo luôn được Hội Nhà báo Việt Năm chú trọng nhằm hướng tới nền báo chí hiện đại, chuyên nghiệp và nhân văn. Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí là một đơn vị của Hội trực tiếp làm nhiệm vụ này. Từ khi thành lập trung tâm đã luôn không ngừng nỗ lực vươn lên trong các hoạt động, thực hiện ngày càng tốt hơn những nhiệm vụ lãnh Hội Nhà báo Việt Nam giao phó.
Nhà báo Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại tọa đàm |
Trong gần 3 năm qua, mặc dù đại dịch COVID-19 đã đặt ra nhiều thách thức cho việc tổ chức lớp học so với những năm trước đó nhưng trung tâm đã cố gắng khắc phục khó khăn và đổi mới các phương thức tổ chức lớp học, nên về cơ bản vẫn đáp ứng được nhu cầu học tập của các hội viên, nhà báo trên toàn quốc. Cụ thể trong 3 năm (2020 – 2022), trung tâm đã tổ chức được 333 hoạt động cho hơn 10.000 lượt hội viên Hội Nhà báo trong cả nước…
“Chúng ta vẫn phải thừa nhận một thực tế là công tác đào tạo bồi dưỡng báo chí hiện nay vẫn chưa đáp ứng được hết mọi nhu cầu của các cơ quan báo chí trước sự thay đổi mạnh mẽ của công nghệ thông tin. Hơn nữa, trong bối cảnh phát triển, quy hoạch, quản lý báo chí toàn quốc, những người làm báo cần phải đổi mới cách thức thông tin nhằm đáp ứng sự phát triển đất nước và thế giới trong tình hình mới, cũng như đòi hỏi ngày càng cao của công chúng. Chính vì vậy, công tác bồi dưỡng nghiệp vụ cho các nhà báo cũng cần được thực hiện một cách có tổ chức, có kế hoạch và luôn đổi mới, phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Các đồng chí chủ trì tọa đàm |
Thêm vào đó, trong xu thế chuyển đổi số như hiện nay, các toà soạn đã dần chuyển đổi toàn bộ hoạt động từ môi trường thực lên môi trường số thông qua những ứng dụng phần mềm, nền tảng số. Để thay đổi thói quen cũ cần phải đào tạo được đội ngũ nhân lực có khả năng sử dụng thành thạo các công cụ số và phát triển sáng tạo, thực hiện đúng chiến lược mà cơ quan mong muốn.
Do vậy, các chương trình đào tạo phải đổi mới nội dung để đáp ứng với môi trường công nghệ liên tục thay đổi và phát triển. Những khoá học cần phải đa dạng hơn với những chủ đề khác nhau, từ kỹ năng cho đến thực hành dành cho nhiều đối tượng khác nhau, không chỉ phóng viên trẻ mà cả lãnh đạo, quản lý các cơ quan báo chí, thậm chí cần phải đào tạo nhiều lần chứ không chỉ một, hai lần”, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh.
Đại diện Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí chia sẻ tại chương trình |
Trong chương trình, đại diện Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí đã chia sẻ về hoạt động đào tạo, bồi dưỡng của đơn vị năm 2020- 2022; Phương hướng năm 2023 và đưa ra những vấn đề trao đổi trong tọa đàm.
Các vị đại biểu tham gia tọa đàm là lãnh đạo Hội, đại diện các cơ quan báo chí, giảng viên, chuyên gia bàn thảo các nội dung: Đánh giá, nhận xét về các khóa bồi dưỡng của trong thời gian qua, những mặt hạn chế, tồn tại cần khắc phục; Đề xuất những kỹ năng cần thiết hiện tại mà các cấp Hội Nhà báo, các cơ quan báo chí mong muốn bồi dưỡng cho phóng viên, biên tập viên trong bối cảnh báo chí hiện nay.
Toàn cảnh tọa đàm |
Cùng với đó, các đại biểu đề xuất hình thức và phương thức tổ chức các khóa bồi dưỡng như nào cho hợp lý đối với các cấp Hội địa phương, cơ quan báo chí, đối với các cấp Hội Nhà báo thì nên tổ chức đào tạo theo nhiều chủ đề theo từng khu vực, đối với các cơ quan báo chí nên đào tạo tập trung hay đào tạo tại chỗ…
Nhiều ý kiến thiết thực được chia sẻ tại tọa đàm là lời giải đột phá cho các vấn đề về đào tạo bồi dưỡng mà các cơ quan báo chí và các Hội địa phương đang gặp phải; Đồng thời là những gợi mở giúp Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí thực hiện tốt nhất nhiệm vụ của mình.