Tìm về thanh xuân với “Tháng 5 để dành”
Những hình ảnh nên thơ trong "Tháng 5 để dành" như đánh thức cả một trời hoa mộng của mỗi người
Bài liên quan
Xuất bản những câu chuyện đẹp mùa chia tay
Ra mắt bộ tiểu thuyết Fantasy dành cho độc giả tuổi trưởng thành
Hoàng Thùy Linh "giải mã chính mình" với MV Lyric "Mê Cung"
Nguyễn Hồng Nhung bắt đầu những trang sách cuộc đời mới với album "Mộc"
Cho mọi thanh xuân
Không phải ngẫu nhiên mà thành phần đến rạp xem “Tháng 5 để dành” có ở mọi độ tuổi khác nhau. Chủ đề thanh xuân chưa bao giờ cạn, nhất là khi cuộc sống ngày càng gấp gáp, vội vã, ai nấy đều níu giữ gọi là chút gì đó thong thả và trong veo xưa cũ.
“Tháng 5 để dành” đáp ứng được điều đó. Mạch phim đủng đỉnh, y như trước sự giục giã mắng mỏ của mẹ, thì sáng nào Hiếu (nam chính của phim) cũng vẫn cứ “ngủ trương xác”. Ừ thì thanh xuân có gì phải vội. Khi thời gian cả ngày chỉ có những việc hết sức chủ động như đến trường, học bài, để ý tán tỉnh trêu chọc nhau, kiểm tra, đá bóng, ăn chè, nghe nhạc, đọc báo Hoa học trò…
Từ trái qua phải: Đức Ngụy (vai Sơn), Xuân Hùng vai Hiếu), Minh Trang (vai Mai Ngọc) |
Quên hết đi việc tắc đường, muộn họp, deadline với kiếm tiền, đối phó với sếp, các kế hoạch dự định điên đầu, ai nấy đều ước muốn và thậm chí đôi phút đã thực sự được hòa vào những vòng quay bánh xe đạp cà tàng đi dọc đường làng ngõ xóm, dưới bóng hàng cây xà cừ cao vút, giữa đồng lúa lao xao lá.
Thế hệ 8X chắc hẳn nhiều người “phát điên” lên khi bắt gặp căn phòng hao hao của mình ngày xưa, với những bức tường treo tràn ngập ảnh thần tượng Cẩm Ly, Đan Trường, với những tờ báo Hoa học trò, với các cuốn băng, đĩa mà “Tình thôi xót xa” hay “Tình thơ” đã thuộc đến độ bao nhiêu năm không hát giờ nhắm mắt từng câu từng chữ vẫn cứ từ vô thức ùa về.
Có khán giả còn suýt đứng bật dậy khi nhìn thấy bối cảnh lớp học lát gạch hoa “đúng màu” ngày xưa. Trường học không còn vẻ xập xệ của thời bao cấp, tuy không hiện đại như bây giờ nhưng cũng đã khang trang hơn rất nhiều. Cuộc sống của các cô cậu học trò không còn thiếu thốn quẩn quanh chuyện tiền bạc nữa mà có thể tương đối dễ thở khi cá cược đá bóng thua tiền, chơi điện tử bốn nút, bắt đầu mon men dùng Yahoo để trao đổi thông tin…
Những buổi làm bích báo để lấy cớ hẹn hò hay những buổi kiểm tra ngạt thở, cả những trò đùa rất đỗi hồn nhiên mà chỉ tuổi học trò mới có. Ngoài chuyện học hành thì thần tượng, để ý nhau hay tò mò giới tính cũng quan trọng chả kém gì nhau… Một cuộc tập hợp đông đủ những chuỗi sự kiện mà chẳng có gì to tát nhưng ngày nào cũng đầy háo hức hiện cả ra trên màn ảnh khiến khán giả “hận” không thể chui ngay vào màn ảnh mà “sống” cùng những đứa học trò-như mình ngày xưa.
Dù tập trung vào lứa 8X với thời điểm cụ thể là năm 2001 nhưng “Tháng 5 để dành” vẫn quy về “mẫu số chung”, đó là hầu hết những gì mà thanh xuân mỗi người phải trải qua. Đặc biệt là chuyện tình cảm.
Tình cảm ở đây hiểu theo hai nghĩa, một là nhu cầu để ý, thích, cảm mến nhau và hai là sự tò mò về giới tính với tâm sinh lý đã bắt đầu thay đổi.
“Tháng 5 để dành” vào phim rất táo bạo với chi tiết Hiếu tỉnh dậy vã mồ hôi vì “giấc mơ ẩm ướt”. Không chỉ mang đến sự lạ lẫm, khó hiểu mà còn khiến cậu cảm thấy xấu hổ khi đối diện với mẹ bằng chiếc quần đã bị vấy bẩn. Tò mò hỏi bạn xong Hiếu vẫn còn nguyên mặc cảm và cả sự ngây ngô về những thay đổi bắt đầu đến với cơ thể của mình.
Trong khi đó, nhu cầu thích một bạn gái xinh đẹp, học giỏi vẫn khiến chàng ta lãng đãng đến mức ngây ngô, trở thành trò đùa cho lũ bạn oái oăm. Vì thế, mối tình ấy đi qua hết những bồng bột, dại khờ, lỗi lầm rồi tỉnh ngộ và cuối cùng kết thúc bằng sự day dứt, giận hờn, tiếc nuối nhưng vẫn có sức sống mãnh liệt đến mức chiếm trọn nơi sâu thẳm nhất trong trái tim, không bao giờ có thể phai mờ.
Những sự dữ dội ngọt ngào
Có lẽ, rất nhiều người khó tính và ngay cả giới chuyên môn cũng cho rằng phim ít giống với những tác phẩm điện ảnh khác theo những quy chuẩn bắt buộc với các cao trào, thắt nút, mở nút theo đúng trình tự xuất hiện trong từng phân đoạn. Trong khi đó, “Tháng 5 để dành” lại như một bài thơ tình, mượt mà đằm thắm, như một dòng suối khá êm đềm ngân nga.
Ừ, thì đúng. Nhưng thử hỏi, có thanh xuân nào mà lại dữ dội, đớn đau như trưởng thành hay không?
Chính vì thế, “Tháng 5 để dành” không giống những phim mà chúng ta đã từng xem.
Nó dành cho mọi thanh xuân, để ai cũng thấy mình đâu đó trong Hiếu, trong Sơn, trong Ngọc.
Những trúc trắc, khúc khuỷu của thơ phá cách, của ghềnh thác hãy để cho những năm tháng về sau của cuộc đời. Còn “Tháng 5 để dành” có sự dữ dội hết sức ngọt ngào của nó.
Từ sự hối thúc về nhu cầu sinh lý, Hiếu đã nhầm tưởng giữa yêu và sự gần gũi thể xác. Cậu vừa run vừa khóc khi tỏ tình và ôm ghì xiết, đụng chạm xác thịt với Mai Ngọc. Nhưng khi bị cự tuyệt quyết liệt, cậu mạnh mẽ bẻ gãy và thẳng tay vứt bỏ chiếc đĩa phim người lớn mà Sơn gọi là “bí kíp của quý ông”.
Khán giả có thể bị hẫng vì sau đó, nhận ra tình yêu đích thực không thể chỉ mang màu sắc tình dục, Hiếu yêu Mai Ngọc một cách trong sáng và được đáp trả một cách rất thiết tha. Sự đồng nghĩa tình yêu với tình dục hay sự nhất thiết tình yêu phải bao gồm cả tình dục sẽ là ở quãng đời phía sau, còn thanh xuân, chắc chắn đó là một vấn đề không thể né tránh nhưng nó sẽ được giải quyết dễ dàng.
Thế mới là thanh xuân. Thế mới là những mối tình cứ nhẹ như hơi thở mà theo ta đến cuối cuộc đời, để mỗi khi ta chợt nhớ đến luôn kèm theo một nụ cười chứ không phải cái nhếch mép hay thậm chí sự oán hờn, thù hận.
Sự dữ dội của thanh xuân cũng là những thang bậc đầu tiên trong cuộc sống. “Tháng 5 để dành” đã gọi đúng sự dữ dội của lứa tuổi mình. Không có bố cũng là một dữ dội. Bố mẹ mâu thuẫn cãi vã nhau cũng là một dữ dội.
Bỏ nhà ra đi rồi lạc vào rừng với nhau qua đêm cũng là một sự dữ dội. Bị mẹ tát nảy lửa trước mặt bạn gái cũng là dữ dội. Chứng kiến cảnh mẹ Hiếu quỳ xuống xin lỗi bố mẹ mình với Mai Ngọc cũng là một sự dữ dội. Và hứa mãi mãi yêu nhau rồi Mai Ngọc đột ngột rời bỏ đi với Hiếu cũng là sự dữ dội không thể chấp nhận được.
Ngần ấy sự dữ dội dồn đến với những học sinh đang ngồi ở lớp 11, 12 có phải là dữ dội không thì chính những ai từng trải qua lứa tuổi ấy sẽ trả lời rõ nhất. Trải qua những thử thách dữ dội đầu đời, Ngọc và Hiếu yêu nhau thực sự chứ không phải là cảm mến, thinh thích nhau nữa.
Vì thế, hỏi “Tháng 5 để dành” có thể không lớp lang, dày dặn như những tác phẩm điện ảnh khác nhưng nó đã chạm đến điều quan trọng nhất của người xem. Đó là kí ức và cảm xúc.
Cảm xúc đến trọn vẹn và kí ức đến sâu thẳm.