Tín hiệu vui từ việc dạy và học Lịch sử ở trường phổ thông
Lịch sử là môn học bắt buộc ở trường phổ thông với thời lượng 52 tiết/năm học Bộ GD&ĐT thông tin chi tiết về kế hoạch điều chỉnh môn Lịch sử |
Thầy - trò đều phấn khởi
Kết quả phân tích phổ điểm thi tốt nghiệp THPT môn Lịch sử của cả nước năm 2022 cho thấy, 659.667 thí sinh tham gia thi môn này, trong đó điểm trung bình là 6,34 điểm, điểm trung vị là 6,5 điểm; Điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 7,0 điểm. Số thí sinh có điểm <= 1 là 83 (năm 2021 - 504 thí sinh).
Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 |
So sánh với các năm trước có thể thấy, sự thay đổi phổ điểm môn Lịch sử trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 là tín hiệu đáng mừng. Năm 2018, hơn 83% thí sinh đạt điểm dưới trung bình, tương đương 468.628 em. Trong khi năm nay, số thí sinh đạt điểm dưới trung bình là 127.557 em, chỉ chiếm tỷ lệ 19,34%.
Đặc biệt trong năm 2022, số thí sinh bị điểm liệt môn Lịch sử chỉ có 83 em, trong khi đó, số học sinh đạt điểm 10 là 1.779. Những năm trước, học sinh bị điểm liệt nhiều, số học sinh đạt điểm tuyệt đối chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ, điển hình năm 2018 chỉ có 11 em được 10 điểm, năm 2019 là 80 em.
Đây cũng là năm môn Lịch sử ghi nhận điểm trung bình cao nhất trong suốt 7 năm kể từ năm 2016 và là năm thứ 2 con số này vượt mức 5. Ngoài ra, Lịch sử cũng không "đội sổ" trong số 9 môn thi. Môn này có điểm trung bình chung cao hơn Sinh học (5,02) và Tiếng Anh (5,15).
Cô Lê Thị Bích, giáo viên Lịch sử trường THPT Bắc Thăng Long, huyện Đông Anh (Hà Nội) phấn khởi chia sẻ: “Điểm thi môn Lịch sử cao vì đề thi chính thức bám sát đề minh họa do Bộ GD&ĐT đưa ra. Các năm trước, điểm môn thi này luôn ở tốp thấp, thậm chí “đội sổ” khiến nhiều người có cái nhìn tiêu cực về môn học. Vì vậy, việc điểm thi Lịch sử tăng lên là tín hiệu đáng mừng cho thấy sự thay đổi tích cực từ việc dạy và học”.
Với các giáo viên giảng dạy Lịch sử, điều này có ý nghĩa lớn khi môn Lịch sử vừa chính thức được chọn làm môn bắt buộc, học sinh và phụ huynh sẽ an tâm hơn khi học tập. Kết quả khả quan của môn học này giúp xã hội có cái nhìn tích cực hơn, không còn đánh giá học sinh học kém hay bỏ bê môn Lịch sử.
Trong khi nhiều bạn bè học Khoa học Tự nhiên tỏ ra lo lắng với Lịch sử thì với Nguyễn Huy Linh (Thanh Xuân, Hà Nội), bộ môn này lại khiến em cảm thấy vô cùng hứng thú. Cậu học trò có thể say sưa đọc hết cuốn nọ đến cuốn kia về lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam, các trận đánh tiêu biểu của cuộc kháng chiến chống Mỹ hay mải miết tìm hiểu về chế độ quân chủ lập hiến ở các nước phương Tây. Trong kỳ thi tốt nghiệp vừa rồi, cậu cũng xuất sắc giành được điểm 10 ở môn thi này.
Linh chia sẻ: “Em rất thích học Sử. Với em đó không phải là những sự kiện khô khan, cứng nhắc hay những con số vô hồn mà nó còn là những bài học giá trị. Chỉ là cách tiếp cận lịch sử của chúng ta đã đúng hay chưa. Thay vì học thuộc lòng các sự kiện, con số một cách máy móc, em thường tìm hiểu các sự kiện lịch sử lớp lang, liên kết nó lại với nhau và học theo sơ đồ tư duy”.
Chuyên gia nói gì?
Nhận xét về phổ điểm thi tốt nghiệp môn Lịch sử năm nay, GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nhận định kết quả thi tốt nghiệp năm nay, với phổ điểm như vậy tôi thấy nhiều điểm tích cực, đáng ghi nhận. Phổ điểm đều và khá đẹp nằm ở tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hóa). Điều thấy rõ sự thay đổi nhất ở kết quả năm nay nằm ở phổ điểm 2 môn Lịch Sử và Tiếng Anh.
Về môn Lịch sử, đã có nhiều luồng ý kiến khác nhau về môn học này. Vì vậy, việc thay đổi cách ra đề để đánh giá học sinh về môn Lịch sử đã có những chuyển biến tích cực. Phổ điểm môn thi này năm nay khá đẹp và đây là điều đáng ghi nhận.
Còn GS, TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, môn Lịch sử đã có sự điều chỉnh tốt hơn. Môn Lịch sử có sự cải thiện rõ rệt. “Thứ nhất, có lẽ cách đây vài năm đã gióng lên hồi chuông cần đổi mới phương pháp dạy môn Lịch sử và trên thực tế đã triển khai tại các trường THPT. Thứ hai là đề thi năm nay có sự cải biến. Theo tôi, hai điểm đổi mới đó gặp nhau nên kết quả kỳ thi năm nay có sự cải thiện rõ rệt trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy cũng như đề thi đánh giá được năng lực học sinh”, GS,TSKH Nguyễn Đình Đức cho biết. Cũng theo ông, trong việc xét tuyển đại học, tổ hợp nào có môn Lịch sử thì điểm sẽ nhỉnh lên một chút.
TS Lê Thống Nhất đánh giá, phổ điểm thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm nay về cơ bản tương tự với phổ điểm năm ngoái. Tuy nhiên, phổ điểm một số môn thi đã có thay đổi đáng kể. Tiêu biểu là phổ điểm môn Lịch sử. TS Lê Thống Nhất cho biết: “Điều này chứng tỏ chúng ta đã thay đổi được phương pháp dạy - học môn Lịch sử cũng như cách ra đề thi. Những đổi mới tích cực này cho thấy Bộ GD&ĐT đã hết sức lắng nghe dư luận. Đối với tôi, đây thực sự là một tín hiệu đáng mừng”.