Tin tức trong ngày 15/3: Tăng cường kiểm tra, cắt tỉa cây trước mùa mưa bão
Tăng cường kiểm tra, cắt tỉa cây trước mùa mưa bão
Sở Xây dựng Hà Nội vừa có văn bản 1727/SXD-HT ngày 10/3/2021 đề nghị các đơn vị duy tu, duy trì hệ thống cây xanh trên địa bàn thành phố bố trí nhân lực, lực lượng, phương tiện, máy móc, tổ chức ứng trực và cung cấp đường dây nóng tiếp nhận thông tin để xử lý kịp thời các trường hợp cây đổ, cành gãy (nếu có) khi gặp mưa bão theo phân cấp quản lý.
Các đơn vị phối hợp để khắc phục cây gãy, đổ mùa mưa bão đối; Thực hiện cắt tỉa, chặt hạ và trồng thay thế cây xanh gãy, đổ.
Sở Xây dựng yêu cầu Kiểm tra, thực hiện cắt tỉa cây xanh nặng tán phòng gãy đổ mùa mưa bão |
UBND các quận, huyện, thị xã đôn đốc, kiểm tra, giám sát và yêu cầu đơn vị duy tu, duy trì hệ thống cây xanh trên địa bàn chủ động phối hợp cùng các phòng, ban chức năng, UBND các phường, xã, thị trấn xây dựng phương án ứng phó với một số tình huống thiên tai trong mùa mưa bão, huy động lực lượng, hỗ trợ để giải tỏa ngay cây gãy, đổ, tránh gây ùn tắc giao thông khi có bão xảy ra.
Sở Xây dựng giao Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị (thuộc Sở Xây dựng) tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các đơn vị duy tu, duy trì hệ thống cây xanh để rà soát khối lượng cây bóng mát gây nguy hiểm; Thực hiện cắt tỉa, gia cố cọc chống để cây không bị nghiêng, gãy, đổ đối với cây trồng ven các trục đường quốc lộ, tỉnh lộ, nút đảo giao thông; Xử lý kịp thời cây bóng mát có nguy cơ gây mất an toàn mùa mưa bão...
Việt Nam nhân bản thành công lợn ỉ từ tế bào soma mô tai
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, lần đầu tiên tại Việt Nam, các nhà khoa học của Viện Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) đã nghiên cứu thành công và làm chủ công nghệ nhân bản lợn ỉ từ tế bào soma mô tai (trưởng thành).
Theo đó, từ tháng 7/2020, Viện Chăn nuôi đã tổ chức triển khai Đề tài “Nghiên cứu tạo lợn ỉ bằng kỹ thuật chuyển nhân tế bào soma” thuộc “Chương trình trọng điểm nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2020”. Ưu điểm của phương pháp này là dễ thao tác khi cấy chuyển nhân “tế bào cho”, tạo được nhiều phôi trong thời gian ngắn; Việc cấy chuyển phôi lợn 5-6 ngày tuổi nâng cao tỷ lệ thụ thai từ 24% (mức trung bình trên thế giới) lên 61%.
Những con lợn ỉ nhân bản đầu tiên ở Việt Nam ra đời khỏe mạnh |
Đến ngày 10/3/2021, có 4 con “lợn ỉ nhân bản” đã ra đời, khỏe mạnh và phát triển tốt. Đây là bước tiến vượt bậc về khoa học, công nghệ của Việt Nam trong lĩnh vực nhân bản động vật; Khẳng định và nâng cao vai trò, vị thế nền khoa học, công nghệ Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Thành tựu nổi bật này đã mở ra hướng nghiên cứu mới về ứng dụng công nghệ nhân bản động vật trong chọn giống; Kết hợp công nghệ nhân bản động vật với công nghệ chỉnh sửa gen, tạo giống vật nuôi có năng suất cao, có khả năng kháng bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu; Đồng thời, tạo vật nuôi nhân bản phục vụ cấy ghép nội tạng trong tương lai.
Người từ 15 -18 tuổi có thể làm thêm giờ với nhiều công việc
Từ ngày 15/3/2021, Thông tư số 09/2020/TT-BLĐ-TB&XH ngày 12/11/2020 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội “Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động chưa thành niên” sẽ có hiệu lực thi hành.
Theo đó, người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi có thể làm thêm giờ với nhiều công việc, như: Biểu diễn nghệ thuật, vận động viên thể thao, viết văn, viết báo, lập trình phần mềm, các nghề truyền thống (chấm men gốm, dệt chiếu, dệt thổ cẩm, dệt tơ tằm…); Các nghề thủ công mỹ nghệ (thêu ren, mộc mỹ nghệ, làm tranh dân gian, nặn tò he…).
Ngoài ra, những người trong độ tuổi này có thể làm thêm công việc đưa bưu phẩm, bưu kiện, đóng gói bưu phẩm, bán hàng qua điện thoại, bán hàng trực tuyến, gia sư, giúp việc trong các gia đình; đánh máy, trực điện thoại…