Tin tức trong ngày 24/7: Hà Nội thí điểm “Xe buýt siêu thị 0 đồng” hỗ trợ người lao động
Hà Nội: Quyết định chi tiết hỗ trợ an sinh xã hội cho người lao động, người sử dụng lao động Người lao động từ Quảng Nam ra Đà Nẵng phải quay về trước 12h trưa ngày 22/7 |
Hà Nội thí điểm “Xe buýt siêu thị 0 đồng”
Ngày 23/7, Liên đoàn Lao động TP Hà Nội yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai, thực hiện thí điểm mô hình “Xe buýt siêu thị 0 đồng" nhằm kịp thời hỗ trợ đoàn viên, người lao động trên địa bàn thành phố bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.
Dự kiến, trước mắt sẽ triển khai từ một đến hai "Xe buýt siêu thị 0 đồng”, thí điểm trong 10 ngày, trước ngày 28/7.
Trước 28/7 sẽ có “Xe buýt siêu thị 0 đồng” hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 (Ảnh minh họa) |
Đối tượng hỗ trợ là đoàn viên, người lao động theo Kế hoạch số 39/KH-LĐLĐ; Người lao động bị ngừng việc, mất việc do ảnh hưởng dịch Covid-19 ở các doanh nghiệp, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu nhà trọ công nhân; Ưu tiên hỗ trợ nữ công nhân lao động đang mang thai, đang nuôi con nhỏ dưới 6 tháng tuổi.
Hoạt động này được tổ chức căn cứ tình hình thực tế và nhu cầu hỗ trợ các hàng hóa thiết yếu phục vụ công nhân lao động ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu nhà trọ công nhân trên địa bàn thành phố bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19; Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động truyền thông công tác chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, người lao động của tổ chức Công đoàn Thủ đô.
TP Hồ Chí Minh kéo dài thời gian thực hiện Chỉ thị 16 tới ngày 1/8
Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, thực hiện Chỉ thị 12 của Thành ủy TP Hồ Chí Minh ngày 22/7, TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 16 đến ngày 1/8 với các giải pháp mạnh hơn nữa. Mục tiêu là nhằm kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh theo hướng phong tỏa, kiềm chế tốc độ lây lan của dịch, đồng thời giữ vững, mở rộng vùng an toàn và kiểm soát sự lây lan vùng nguy cơ cao với mục tiêu hạ thấp số ca nhiễm mới, tập trung điều trị các bệnh nhân nặng, giảm tỷ lệ tử vong.
Theo Phó Chủ tịch Dương Anh Đức, đối với các biện pháp tăng cường tổng thể, TP Hồ Chí Minh sẽ thu hẹp diện các nhóm đối tượng hoạt động trong thời gian thực hiện cách ly toàn thành phố. Trong đó, tạm dừng các hoạt động sản xuất kinh doanh và hoạt động của các công trường, công trình xây dựng, giao thông chưa thật sự cấp bách. Đối với các ngân hàng, chứng khoán bảo đảm hoạt động mức độ duy trì công suất để cung ứng kịp thời dịch vụ cần thiết, riêng đối với các chi nhánh hoặc phòng giao dịch, có thể hoạt động luân phiên, bố trí nhân sự làm việc trực tiếp theo ca kíp, thực hiện nghiêm giãn cách.
TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 16 đến ngày 1/8 với các giải pháp mạnh hơn nữa |
Đối với các doanh nghiệp, chỉ những doanh nghiệp dịch vụ thiết yếu về y tế, dược phẩm, lương thực, thực phẩm, cung cấp suất ăn cho các bệnh viện, khu cách ly, khu thu dung điều trị; Cung cấp điện, nước, gas, bưu chính, viễn thông, vệ sinh công cộng, vận chuyển hàng hóa thiết yếu; Kho bạc nhà nước, dịch vụ tang lễ và một số dịch vụ thiết yếu khác do cấp có thẩm quyền quy định được hoạt động theo yêu cầu phục vụ và bảo đảm an toàn.
Các doanh nghiệp sản xuất khác chỉ được phép hoạt động với điều kiện phải bảo đảm an toàn; Kiên quyết dừng ngay lập tức và xử phạt nghiêm đối với các trường hợp hoạt động không bảo đảm các yêu cầu công tác phòng, chống dịch.
Đối với các cơ quan Nhà nước tổ chức làm việc luân phiên cách ngày hoặc một buổi trong ngày tại cơ quan.
Đây là lần thứ 5 kể từ đợt bùng phát dịch lần thứ tư đến nay (từ ngày 27/5), TP Hồ Chí Minh thay đổi các biện pháp giãn cách xã hội về phòng chống dịch Covid-19. Nguyên nhân khiến TP Hồ Chí Minh kéo dài thực hiện Chỉ thị 16 là vì tình hình dịch tại TP Hồ Chí Minh vẫn còn diễn biến rất phức tạp. Trong đó, số ca nhiễm hàng ngày ở mức rất cao, nhất là trong các khu phong tỏa, khu cách ly; Số đang điều trị, số ca nặng, tử vong ngày càng tăng; Nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, vật tư thiết bị phục vụ phòng, chống dịch đã quá tải...
Nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, ngập úng tại Thanh Hóa, Nghệ An và Bắc bộ
Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn Quốc gia vừa phát tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ tại Thanh Hóa, Nghệ An và khu vực Bắc bộ.Theo đó, từ 7h đến 13h ngày 23/7, khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa đã có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to, như: Cẩm Thủy (Thanh Hóa) 106,4mm, Đông Cửu (Thanh Sơn, Phú Thọ) 92mm, Km46 (Sơn La) 81mm, Mai Châu (Hòa Bình) 70mm, Liễu Đề (Nam Định) 83mm…
Dự báo trong 6 giờ tiếp theo, khu vực Bắc Bộ tiếp tục có mưa, lượng mưa tích lũy phổ biến từ 20 - 40mm, có nơi mưa trên 100mm. Đặc biệt là khu vực Thanh Hóa tiếp tục có mưa, cục bộ một số nơi có mưa vừa, mưa to, lượng mưa tích lũy phổ biến từ 40 - 80mm, có nơi mưa trên 170mm.
Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập úng tại Thanh Hóa, Nghệ An và Bắc bộ |
Do ảnh hưởng của hoàn lưu phía Tây áp thấp nhiệt đới nên từ nay đến ngày 25-7, khu vực Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh có mưa rất to từ 150 - 300mm/đợt, có nơi trên 300mm/đợt; khu vực từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế có mưa vừa, mưa to từ 50 - 150mm/đợt, có nơi trên 150mm/đợt. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ tại các tỉnh miền núi.
Theo bản đồ phân tích nguy cơ lũ quét, sạt lở đất kèm tin cảnh báo, thì Thanh Hóa có 2 huyện: Quan Sơn và Quan Hóa trong vùng nguy cơ rất cao; Các huyện Mường Lát, Bá Thước, Cẩm Thủy nguy cơ cao. Các huyện: Lang Chánh, Thạch Thành, Thường Xuân, Ngọc Lặc, Yên Định, Như Thanh, Như Xuân có nguy cơ trung bình.