Tin tức trong ngày 29/11: Người dân được bắn pháo hoa dịp lễ, tết
Tin tức trong ngày 28/11: Chốt lịch nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu và Quốc khánh 2/9 Tin tức trong ngày 27/11: Nhiều mức phạt trong hoạt động báo chí tăng mạnh từ tháng 12 |
Ảnh minh họa |
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo. Theo đó, Nghị định mới bổ sung thêm nhiều điểm về các trường hợp được phép sử dụng pháo cũng như các hành vi bị nghiêm cấm về pháo nổ.
Cụ thể, tại Điều 17, nghị định cho phép cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân chỉ cần có năng lực hành vi dân sự đầy đủ sẽ được sử dụng pháo hoa trong trường hợp: lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa nghệ thuật. Quy định này có hiệu lực kể từ ngày 11/1/2021. Tuy nhiên, quy định này lưu ý các cơ quan, tổ chức, cá nhân, khi sử dụng pháo hoa chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa.
Ngoài ra, trong nghị định này cũng quy định về các trường hợp được tổ chức bắn pháo hoa nổ gồm: Tết Nguyên đán, Giỗ Tổ Hùng Vương, ngày Quốc khánh, ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày Chiến thắng giải phóng hoàn toàn miền Nam; Nhân dịp kỷ niệm ngày giải phóng, thành lập các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Ngày hội văn hóa, du lịch, thể thao mang tính quốc gia, quốc tế; trường hợp khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Bên cạnh đó, tại Điều 5 Nghị định 137/2020/NĐ-CP cũng bổ sung nhiều hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng pháo so với quy định trước đây.
Cụ thể, nghiêm cấm các hành vi nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc chiếm đoạt pháo nổ (trừ trường hợp tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, cung cấp, vận chuyển, sử dụng pháo hoa nổ theo quy định); Cấm nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép hoặc chiếm đoạt pháo hoa, thuốc pháo; mang pháo, thuốc pháo trái phép vào, ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc vào nơi cấm, khu vực cấm, khu vực bảo vệ và mục tiêu bảo vệ; Cấm trao đổi, tặng, cho, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố pháo hoa nổ hoặc thuốc pháo để sản xuất pháo trái phép; Vận chuyển, bảo quản, tiêu hủy pháo không bảo đảm an toàn hoặc làm ảnh hưởng đến môi trường; hướng dẫn, huấn luyện, tổ chức huấn luyện cách thức chế tạo, sản xuất, sử dụng trái phép pháo dưới mọi hình thức...
Trao 50.000 lá cờ Tổ quốc cho ngư dân miền Trung
Tại Diễn đàn Liên kết phát triển du lịch giữa TP Hà Nội, TP HCM và Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung diễn ra ở tỉnh Quảng Nam, Báo Người Lao Động đã trao tặng 50.000 lá cờ Tổ quốc trong chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển" cho 5 tỉnh, thành gồm Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế và Bình Định. Hoạt động ý nghĩa này đã được Ban Tổ chức ưu tiên thực hiện ở ngay phần mở đầu của diễn đàn.
Ông Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Độn trao bảng tượng trưng mỗi địa phương 10.000 lá cờ Tổ quốc |
Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam; Ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi; Ông Lê Trung Chinh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng; Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế; Ông Nguyễn Phi Long - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - đã nhận từ ông Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, bảng tượng trưng mỗi địa phương 10.000 lá cờ Tổ quốc và biểu trưng chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển". Đây là 5 địa phương có số lượng tàu thuyền lớn nhất nước, trong đó có nhiều đội tàu công suất lớn, đánh bắt xa bờ ở các ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa, vừa phát triển kinh tế vừa góp công bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, Chủ tịch Hội đồng Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung - gửi lời cảm ơn đến Báo Người Lao Động đã trao tặng 50.000 lá cờ Tổ quốc cho 5 tỉnh, thành miền Trung. Đây là chương trình vô cùng ý nghĩa, thể hiện sự quan tâm, đồng hành của Đảng, nhà nước và Nhân dân đối với ngư dân…
1/3 người bị đột quỵ ở Việt Nam trẻ tuổi
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy tại Việt Nam có khoảng 200.000 người mắc bệnh đột quỵ hàng năm. Điều đáng lo ngại là bên cạnh bệnh không lây nhiễm, những người mắc bệnh đột quỵ đang gia tăng lên một cách nhanh chóng, trong đó 1/3 số trường hợp mắc bệnh đột quỵ là ở những người trẻ tuổi (từ 40-45 tuổi)
Theo GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, mô hình bệnh tật của Việt Nam hiện có sự thay đổi từ các bệnh truyền nhiễm, bệnh nhiệt đới sang mô hình mới chủ yếu là các bệnh liên quan chuyển hóa như cao huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid…. Một trong những hậu quả là bệnh lý mạch máu não, đột quỵ ngày càng tăng lên, ngày càng trẻ hóa.
Những người bệnh mắc đột quỵ khi điều trị không kịp thời, không tốt sẽ để lại những hậu quả vô cùng nặng nề. Nhiều trường hợp qua được cơn đột quỵ nhưng để lại di chứng vô cùng nặng nề và trở thành gánh nặng lớn cho gia đình và trong xã hội, bởi họ bị liệt không đi lại, không lao động được, vì vậy việc điều trị bệnh đột quỵ sớm rất quan trọng.
“Những người trẻ uống rượu bia, thuốc lá, ăn nhiều thức ăn giàu lipit, đồ chiên, rán, đồ ăn nhanh, những chất kích thích, thể dục thể thao ít làm cho tình trạng xơ vữa mạch máu tăng và tiến triển rất nhanh. Nhiều người mắc bệnh rối loạn chuyển hóa đường, rối loạn chuyển hóa lipit, men gan… vì vậy tình trạng xơ vữa mạch máu xảy ra sớm. Khi người trẻ bị xơ vữa mạch máu như vậy là nguyên nhân quan trọng của việc tổn thương mạch máu não trong bệnh đột quỵ ở những người trẻ tuổi”- GS.TS Trần Bình Giang phân tích.
"Tỷ lệ đột quỵ tăng lên ở người trẻ ngoài do dị dạng mạch máu bẩm sinh thì còn do thay đổi lối sống không rốt. Giới trẻ hiện nay uống rượu bia, hút thuốc lá, ăn nhiều thực phẩm chiên rán, sinh hoạt không lành mạnh… Lối sống đó khiến tỷ lệ xơ vữa mạch máu tăng rất nhanh, sớm, là nguyên nhân quan trọng tổn thương mạch máu não"- GS.TS Trần Bình Giang phân tích.
Vì thế, chuyên gia khuyên người dân cần giữ chế độ sinh hoạt điều độ, ăn uống khoa học, rèn luyện cơ thể đều đặn.