Tin tức trong ngày 27/11: Nhiều mức phạt trong hoạt động báo chí tăng mạnh từ tháng 12
Nhiều mức phạt trong hoạt động báo chí tăng mạnh
Ảnh minh họa |
Đó là một trong những chính sách mới sẽ có hiệu lực từ tháng 12/2020. Cụ thể, Từ 1/12/2020, nhiều mức phạt trong hoạt động báo chí tăng mạnh, theo Nghị định 119/2020/NĐ-CP. Trong đó, có mức phạt đối với hành vi đăng tải thông tin sai sự thật trên báo chí.
Cụ thể: Nếu gây ảnh hưởng ít nghiêm trọng, phạt từ 5 - 10 triệu đồng (trước đây chỉ phạt 1 đến 3 triệu đồng). Nếu gây ảnh hưởng nghiêm trọng, phạt từ 50 - 70 triệu đồng (trước đây chỉ phạt 5 - 10 triệu đồng). Nếu gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng, phạt từ 70 - 100 triệu đồng (trước đây chỉ phạt 20 - 30 triệu đồng).
Trong cả 3 trường hợp nêu trên, báo chí đều buộc phải gỡ bỏ thông tin sai sự thật đã đăng tải. Đồng thời, riêng trường hợp đăng thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng, báo chí còn có thể bị đình chỉ hoạt động từ 1 - 12 tháng (trước đây chỉ bị đình chỉ hoạt động từ 1 – 3 tháng).
Phạt 500 triệu đồng thuỷ điện Thượng Nhật tích ‘bom nước’ giữa bão lũ
Ngày 26/11, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước đối với Công ty Cổ phần Đầu tư Thủy điện miền Trung Việt Nam - chủ đầu tư thủy điện Thượng Nhật, với mức phạt 500 triệu đồng.
Theo quyết định xử phạt, chủ đầu tư dự án Nhà máy thuỷ điện Thượng Nhật đã không tuân thủ theo lệnh điều hành vận hành hồ chứa, đập dâng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp lũ, lụt, hạn hán, thiếu nước và các trường hợp khẩn cấp khác.
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước đối với Công ty Cổ phần Đầu tư Thủy điện miền Trung Việt Nam - chủ đầu tư thủy điện Thượng Nhật |
Chủ đầu tư thủy điện Thượng Nhật còn bị xử phạt với tình tiết tăng nặng, do trốn tránh, che giấu vi phạm hành chính sau khi vi phạm.
Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ đã ký 2 văn bản gửi Bộ Công thương và Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị thu hồi giấy phép điện lực, xử lý vi phạm hành chính; thu hồi giấy phép khai thác, sử dụng mặt nước của thủy điện Thượng Nhật.
Ngoài ra, trong những đợt mưa lũ vừa qua, thủy điện Thượng Nhật không tuân thủ lệnh vận hành của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế về thực hiện mở tất cả cửa van để đảm bảo quy trình vận hành hồ đập. Thời điểm xảy ra cơn bão số 13, thủy điện Thượng Nhật có 2 lần mở cửa van nhưng không hoàn toàn, thiếu tuân thủ lệnh vận hành hồ đập.
Trong tháng 11/2020, thủy điện Thượng Nhật còn vi phạm về tích nước mà không được sự cho phép của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế. Hành vi này đã vi phạm khoản a, điều 16 của Nghị định 134 Chính phủ về quy trình vận hành hồ chứa thủy điện được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt...
Chặn hơn 52.000 cuộc gọi rác trong 4 tháng
Các doanh nghiệp viễn thông tại Việt Nam đã ngăn chặn 52.124 cuộc gọi rác quấy rối người tiêu dùng |
Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, từ tháng 7 đến tháng 10/2020, các doanh nghiệp viễn thông tại Việt Nam đã ngăn chặn 52.124 cuộc gọi rác quấy rối người tiêu dùng. Chỉ riêng trong tháng 10/2020, tổng số thuê bao phát tán cuộc gọi rác đã bị ngăn chặn lên tới 17.507.
Theo Cục Viễn thông, Viettel là doanh nghiệp viễn thông thực hiện ngăn nhiều cuộc gọi rác nhất khi có tới 9.810 thuê bao. Theo sau đó là VNPT với 6.197 thuê bao, MobiFone là 833 thuê bao, I Telecom là 667 thuê bao.
Từ 1/7/2020, Cục Viễn thông phối hợp cùng các nhà mạng Viettel, VNPT và MobiFone triển khai giải pháp công nghệ để lọc và cắt liên lạc các thuê bao phát tán cuộc gọi rác, nhằm ngăn chặn triệt để tình trạng này. Tuy nhiên đến nay, nhiều người tiêu dùng phản ánh vẫn nhận được các cuộc gọi rác giới thiệu dịch vụ bảo hiểm, tài chính, bất động sản, nghỉ dưỡng, gia sư...