Tin tức trong ngày 3/10: Bộ Giáo dục Đào tạo nói về đề xuất bỏ Ban phụ huynh
Ban phụ huynh trong nhà trường: "Phương tiện" hợp thức hóa lạm thu? |
Không thể vì một vài trường hợp làm sai quy định mà bỏ Ban phụ huynh
Trước phản ánh về về vấn đề lạm thu, thu những khoản “không tên”, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo ho biết: Tại Điều 10, Thông tư 55 của Bộ ghi rõ: Kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp có được từ sự ủng hộ tự nguyện của cha mẹ học sinh và nguồn tài trợ hợp pháp khác cho Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp.
Ảnh minh họa |
Ngoài ra, tại khoản 4 điều này cũng ghi ban đại diện cha mẹ học sinh không được thu các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện, không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh.
“Như vậy, trường nào, lớp nào thu bổ đầu người, thậm chí, thu tiền để mua một bó hoa tặng cô cũng là không đúng. Trong thông tư 55 đã ban hành không có khái niệm nào gọi là “quỹ lớp” hay “quỹ trường”. Do đó, nơi nào thu, nơi đó đã làm sai quy định”, ông Thành khẳng định.
Theo đó, việc tồn tại ban đại diện cha mẹ học sinh là thực hiện theo quy định luật pháp. “Chúng ta phải thực hiện nguyên lý giáo dục là phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Trong đó, trách nhiệm giáo dục con cái của cha mẹ là rất quan trọng.
Bên cạnh việc giáo dục tại nhà, cha mẹ phải có trách nhiệm phối hợp với nhà trường và tham gia hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh. Do đó, không thể vì một vài trường hợp làm trái quy định mà nói cần bỏ hội cha mẹ học sinh”, ông Thành nhấn mạnh.
Đà Nẵng giải thể Bệnh viện dã chiến Hòa Vang
Ngày 2/10, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Đà Nẵng đã có quyết định giải thể Bệnh viện dã chiến Hòa Vang.
Bệnh viện dã chiến Hòa Vang được thành lập theo quyết định số 139 ngày 31/7/2020 của Ban chỉ đạo phòng chống dịch TP Đà Nẵng để thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19.
Sau khi giải thể, Giám đốc Sở Y tế chỉ đạo Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang tiếp tục điều hành hoạt động của trung tâm theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị.
Đồng thời, đảm bảo thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 3478 và tiếp tục giải quyết các vấn đề tồn đọng liên quan đến bệnh viện dã chiến.
Trước đó, ngày 23/9, bệnh nhân Covid-19 cuối cùng tại Đà Nẵng đã xuất viện sau thời gian điều trị tại Bệnh viện dã chiến Hòa Vang.
Tính đến nay, Đà Nẵng đang ở ngày thứ 33 không ghi nhận ca mắc Covid-19 do lây lan trong cộng đồng (tính từ ca bệnh 1037); Đang ở ngày thứ 31 không ghi nhận trường hợp mắc Covid-19 mới (tính từ ca bệnh 1040).
Bộ Xây dựng là đơn vị phụ trách vấn đề chất lượng các cột điện
Hàng trăm cột điện bị gãy đổ do ảnh hưởng của bão |
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, cho biết theo số lượng mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) báo cáo thì có hơn 300 cột điện trung thế và hạ thế thuộc quản lý và vận hành của Tổng công ty điện lực miền Trung bị đổ, gãy do ảnh hưởng của bão. Hậu quả gây mất điện trên diện rộng, đặc biệt ở tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam và Quảng Trị.
Sau khi xảy ra sự cố trên thì ngay khi bão chưa kết thúc, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị liên quan, trong đó có EVN vào cuộc giải quyết, khắc phục nhanh chóng. Nhờ vậy, chỉ trong ba ngày đã khắc phục xong sự cố, cấp điện trở lại cho 100% khách hàng, đảm bảo cho sản xuất và tiêu dùng.
Về chất lượng cột điện, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết cột điện là một phần của công trình lưới điện, được các đơn vị điện lực xây dựng trên cơ sở tuân thủ quy định của Luật Xây dựng cũng như Nghị định 46 năm 2015 của Chính phủ, quy định rõ trách nhiệm của chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, giám sát, thi công, tư vấn, kể cả cung cấp vật liệu sản phẩm, kết cấu thiết bị sử dụng cho công trình xây dựng.
Về quản lý Nhà nước, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết Bộ Xây dựng là đơn vị phụ trách, đã kịp thời ban hành công văn số 4777 ngày 2/10 về tăng cường công tác quản lý chất lượng cột điện bê tông cốt thép ly tâm, sử dụng trong các công trình đường dây truyền tải điện trên không để yêu cầu tất cả công trình có liên quan phải lưu ý và có biện pháp kiểm tra, khắc phục tốt nhất thiệt hại do bão gây ra.
Còn trách nhiệm của Bộ Công thương là đơn vị quản lý Nhà nước trong lĩnh vực về điện, cùng với chủ sở hữu của EVN là Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Bộ đã yêu cầu ngành điện và EVN trực tiếp rà soát, phân tích, đánh giá và đề xuất giải pháp tổng thể trong công tác thiết kế, quản lý xây dựng công trình, mua sắm hàng hóa và quản lý vận hành các công trình này. Bên cạnh đó, phối hợp với chính quyền địa phương bảo đảm an toàn hành lang lưới điện và tăng cường kiểm tra công tác quản lý vận hành, kịp thời xử lý các điểm xung yếu. Từ đó hạn chế tác động của các cơn bão.