Tình cảm đặc biệt của Bác Hồ với người dân Thủ đô
Tính từ cuối tháng 8/1945 đến 2/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có hơn 17 năm sống và làm việc ở Thủ đô. Nơi đầu tiên đón Bác tại Hà Nội sau khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công là ngôi nhà của gia đình cụ Nguyễn Thị An tại thôn Phú Gia, xã Phú Thượng, huyện Từ Liêm (nay là phường Phú Thượng, quận Tây Hồ).
Về sự kiện ngày 23/8/1945, Hà Nội lần đầu tiên đón Bác, trong cuốn sách “Những lần đón Bác” của Ban Thông tin văn hóa huyện Từ Liêm (cũ) ghi lại khá chi tiết: “Khoảng 4 giờ chiều ngày 23/8/1945, một chiếc thuyền đinh to có mui cập bến Phú Xá... Anh Khánh (đồng chí Hoàng Tùng) đã tìm được chỗ nghỉ cho đoàn cán bộ. Lúc này, trời đã rất tối, anh mời cụ cùng đoàn cán bộ lên làng Phú Gia tạm nghỉ trong nhà cụ Nguyễn Thị An, một gia đình cơ sở của anh Khánh từ trước ngày khởi nghĩa”.
Gia đình cụ Nguyễn Thị An - vợ cụ Chánh tổng Công Ngọc Lâm, là một cơ sở cách mạng tin cậy nằm trong An toàn khu của Trung ương Đảng suốt giai đoạn 1941 - 1945. Bác lưu lại đây từ ngày 23 đến 25/8/1945 để chuẩn bị cho việc ra mắt quốc dân đồng bào và đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2/9/1945. Đến 25/8, các đồng chí Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp đến đón Người về ở số nhà 48 Hàng Ngang của đại thương gia yêu nước Trịnh Văn Bô. Đây chính là nơi Bác dự thảo bản Tuyên ngôn Độc lập. Sự kiện ấy gắn với Hà Nội, Nhân dân và từng gia đình Hà Nội.
Là người nghiên cứu lâu năm về Chủ tịch Hồ Chí Minh, PGS. TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng chia sẻ: Một sự kiện đặc biệt khác thể hiện sự gắn kết giữa Bác và Hà Nội là kỳ bầu cử Quốc hội đầu tiên năm 1946, tại Hà Nội có đến 74 người ứng cử mà chỉ lấy có 6 người ưu tú nhất. Khi biết tin Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng ứng cử ở Hà Nội, đông đảo người dân ngoại thành đã viết thư đề nghị Bác không phải ứng cử mà đương nhiên trúng cử. Bác đã cảm ơn sự tín nhiệm của đồng bào nhưng nói rằng mình cũng là công dân, cũng phải có trách nhiệm như bao công dân khác nên không thể có ngoại lệ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trúng cử với số phiếu rất cao, trên 98%. Điều này cho thấy tình yêu lớn lao và niềm tin của Nhân dân Hà Nội dành cho Bác.
Điều đặc biệt, là dù bận trăm công, nghìn việc nhưng Bác cũng luôn quan tâm đến đời sống Nhân dân. Khi chào từ biệt gia đình cụ Nguyễn Thị An để vào nội thành chuẩn bị cho Lễ Tuyên ngôn Độc lập, Bác Hồ có hẹn ngày quay lại. Hơn một năm sau đó, ngày 24/11/1946, Bác lại về Phú Thượng, dành nhiều thời gian ân cần hỏi thăm và ăn cơm trưa với gia đình.
Bác Hồ trồng cây ở xã Vật Lại (huyện Ba Vì, Hà Nội). Ảnh tư liệu |
Ông Công Ngọc Dũng, cháu nội cụ Nguyễn Thị An xúc động chia sẻ: “Đây là vinh dự quá lớn với gia đình tôi. Một lãnh tụ của cả dân tộc lại quan tâm đến từng việc nhỏ như thế”. Đó là lý do gia đình ông Dũng đã hiến ngôi nhà năm xưa Bác dừng chân để làm di tích. Ngôi nhà đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp TP. Với 14 di vật, hiện vật cùng nhiều tài liệu, hình ảnh liên quan, ngôi nhà hiện vẫn giữ được nguyên trạng như những ngày Bác Hồ lưu lại ở đây.
Ba chữ “Thủ đô ta” được Bác Hồ nhiều lần nhắc đến khi nói về Hà Nội. Điều đó chứa đựng biết bao tình cảm sâu nặng, gần gũi và sát sao của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Hà Nội. Trong những lời phát biểu, những bài nói chuyện tại các kỳ Hội nghị Đảng bộ Hà Nội, các đại hội đại biểu Nhân dân Hà Nội... Người rất chú ý tới vấn đề xây dựng và phát triển Thủ đô vững mạnh toàn diện. Người khẳng định: "Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta" nên “Thủ đô ta” phải phấn đấu để “thành một Thủ đô bình yên tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần”. Bác cũng luôn yêu cầu Hà Nội xác định và bảo đảm hoàn thành trách nhiệm vị trí "đầu tàu", vai trò "gương mẫu" với cả nước.
Với những tình cảm Bác dành cho người dân tại nhiều địa phương trên địa bàn Thủ đô trong suốt cuộc đời mình, mọi người dân Hà Nội đều dành cho Bác tình cảm đặc biệt. Câu chuyện của ông Trần Văn Cao ở thôn Đại Phẩm, xã Đại Yên (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) là một điển hình về tình cảm Nhân dân Thủ đô với Bác. Hồi còn công tác, do phấn đấu không ngừng nghỉ, ông Cao được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua” của ngành thủy lợi, kèm theo phần thưởng là 21 tấm ảnh Bác Hồ. Đó chính là “vốn liếng” đầu tiên cho bộ sưu tập ông xây dựng sau này. Từ khi về hưu năm 1990, ông Cao tập trung sưu tầm ảnh, tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thấy ai có tư liệu quý, ông đến tận nơi xin sao chụp lại.
Ông cũng tự sáng tác một trường ca gồm 1.456 câu thơ, tóm tắt cuộc đời hoạt động của Bác từ khi rời bến cảng Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước năm 1911 đến những năm tháng cuối đời của Người. Đến năm 2019, ông Cao chính thức ra mắt phòng trưng bày về Bác Hồ tại tầng 3 trong căn nhà mình. Phòng trưng bày không chỉ là tấm lòng của ông Cao, bây giờ, đã trở thành niềm tự hào của chính quyền, nhân dân xã Đại Yên.
Nhiều địa danh nơi Bác Hồ từng sống, làm việc hay đến thăm nay tại Hà Nội giờ đã thành di tích, được giữ nguyên hiện trạng và chỉnh trang thành Nhà lưu niệm Bác Hồ hoặc được gắn biển di tích cách mạng và được người dân Hà Nội đặc biệt gìn giữ, chăm sóc bằng cả tấm lòng. Phường Xuân La (quận Tây Hồ) từng hai lần đón Bác về thăm. Nhân dân đã dựng tượng kỷ niệm sự kiện này. Không gian này luôn được giữ gìn sạch, đẹp.
Cùng với Nhân dân địa phương, có một người phụ nữ đã nhiều năm tận tụy với công việc quét dọn khu Đài tưởng niệm - đó là bà Đỗ Thị Xuân, thuộc Đội tự quản vệ sinh môi trường Tổ dân phố số 5. Gần chục năm nay, mỗi buổi sáng, bà dậy sớm trước mọi người, dọn vệ sinh sạch sẽ rồi mới tập thể dục, vừa gìn giữ môi trường, vừa thể hiện tấm lòng với Bác. Những câu chuyện như thế, có thể thấy ở bất cứ nơi đâu. Đó là Tượng đài Bác Hồ ở phường Việt Hưng (quận Long Biên), là cây đa Bác Hồ ở xã Vật Lại (huyện Ba Vì), cây đa Bác trồng ở xã Đông Hội, xã Tiên Dương (huyện Đông Anh)...
Những câu chuyện ấy giúp cho lớp trẻ hiện nay có dịp ghi nhớ và biết ơn những gì mà Bác Hồ đã làm cho đất nước, là động lực thúc giục giới trẻ nơi đây học tập, lao động, nêu gương Bác để cống hiến nhiều hơn nữa sức trẻ, trí tuệ của mình làm giàu cho đất nước.
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh: Nơi hội tụ tình cảm, niềm tin TTTĐ - Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là công trình văn hóa có ý nghĩa chính trị sâu sắc đối với sự nghiệp cách ... |
Vang mãi hào khí Tuyên ngôn Độc lập TTTĐ - 75 năm đã qua nhưng bản Tuyên ngôn Độc lập vẫn mang tính thời sự sâu sắc, thấm sâu vào trái tim người ... |
Nhớ Người những ngày thu ấy Lãnh tụ luôn có vai trò nổi bật, đặc biệt là trong những thời điểm quan trọng, mang tính bước ngoặt của mọi cuộc cách ... |
Đại biểu Đảng bộ cơ quan Thành đoàn Hà Nội vào Lăng viếng Bác TTTĐ - Sáng 27/5, các đồng chí Thường trực Thành đoàn cùng đoàn đại biểu tham dự Đại hội Đảng bộ cơ quan Thành đoàn ... |