Tinh giản chương trình, giảm nhẹ kiến thức là cần thiết
Mới đây, tại buổi chia sẻ về Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở trường Tiểu học, THCS và THPT Nguyễn Siêu (Hà Nội), Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đã chia sẻ sơ bộ dự thảo phương án thi tốt nghiệp từ năm 2025.
Tinh giản chương trình, giảm nhẹ kiến thức là cần thiết nếu Lịch sử là môn thi tốt nghiệp THPT bắt buộc |
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, hiện học sinh lớp 10 đang học 6 môn học bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và An ninh, Lịch sử. Căn cứ vào đó, dự kiến kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ có 4 môn thi bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Lịch sử, Ngoại ngữ.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ lưu ý, đây là phương án Bộ GD&ĐT đang nghiên cứu và dự kiến, chưa phải phương án chính thức.
Trong khi khá nhiều bạn bè đồng trang lứa sợ phải học Lịch sử, khó nhớ các mốc thời gian và sự kiện Lịch sử thì Nguyễn Văn Mạnh (học sinh lớp 10, trường THPT Quang Trung, Hà Đông) lại vô cùng yêu thích môn học này.
Bày tỏ sự vui mừng khi tiếp nhận thông tin, Mạnh cho rằng, phương án này là phù hợp khi môn Lịch sử đã được quy định là môn học bắt buộc ở chương trình giáo dục phổ thông mới với lứa học sinh lớp 10 năm nay.
“Không chỉ giúp học sinh có ý thức, trách nhiệm hơn với môn học mà việc học Lịch sử còn khiến chúng em thêm yêu và tự hào hơn với truyền thống đấu tranh của dân tộc. Nhiều người nghĩ học khó vì chưa tìm được phương pháp học tập phù hợp.
Em thấy học Lịch sử không phải là học thuộc mà còn cần rất nhiều kỹ năng khác như phân tích, đánh giá, bình luận sự kiện, giúp học sinh trau dồi tư duy, vốn hiểu biết của mình”, Mạnh chia sẻ.
Cô Lê Thị Bích và học sinh trường THCS - THPT Chu Văn An sau giờ học Lịch sử |
Cô giáo Lê Thị Bích, giáo viên Lịch sử trường THCS - THPT Chu Văn An (Hà Nội) cho rằng, với tinh thần “dân ta phải biết sử ta" thì phương án này sẽ được phụ huynh, học sinh, thầy cô giáo ủng hộ.
"Có thể nói, Bộ GD&ĐT đã đánh giá đúng vai trò và tầm quan trọng của lịch sử. Đã có thời gian dài, Lịch sử bị xem nhẹ, coi là môn phụ nên học sinh học đối phá, qua loa dẫn đến nhiều em tưởng Quang Trung với Nguyễn Huệ là hai người khác nhau, không biết Hà Nội giải phóng năm nào, không biết nước ta có bao nhiêu triều đại phong kiến...", cô Bích chia sẻ.
Để học sinh tiếp nhận và yêu thích môn Lịch sử, thầy cô phải nâng cao kiến thức chuyên môn, tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng; tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy để đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới.
Không chỉ phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới, theo cô Bích, hiện nay, môn Lịch sử được nhiều thí sinh lựa chọn để xét tuyển vào các ngành đào tạo như: Truyền thông, Báo chí, Chính trị học, Luật, Quan hệ công chúng, Sư phạm… Vì vậy, phương án đổi mới rất phù hợp, thuận lợi cho các trường đại học xét tuyển đầu vào.
Cùng bày tỏ sự đồng tình, phấn khởi khi Lịch sử có thể thành môn thi tốt nghiệp THPT bắt buộc nhưng cô Nguyễn Thị Mai - giáo viên một trường THPT ở Hà Nội, đề xuất, Bộ GD&ĐT, các chuyên gia nên tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh nội dung môn Lịch sử, lược bỏ những kiến thức nâng cao trong từng bài học, tiết học hay các kiến thức trùng lặp, đã được lồng ghép ở trong phần đại trà bắt buộc; không bỏ kiến thức theo kiểu cơ học - cắt bỏ cả bài, cả chương nội dung.
“Muốn học sinh không còn sợ môn học này thì việc tinh giản chương trình, giảm nhẹ kiến thức là cần thiết. Theo chương trình phổ thông mới mỗi năm, học sinh THPT có 52 tiết học bắt buộc, tức là trung bình khoảng 1,5 tiết Lịch sử/tuần. Với học sinh có nguyện vọng học nâng cao, sẽ được học thêm 35 tiết chuyên đề.
Về sắp xếp nội dung, kiến thức lịch sử trong chương trình bắt buộc 52 tiết không nên nặng nội dung mà chỉ cần cho các em hiểu những kiến thức căn bản về lịch sử hào hùng của dân tộc. Những kiến thức căn bản trong chương trình đủ để thí sinh dự thi tốt nghiệp đạt từ 5 điểm trở lên.
Với thí sinh lựa chọn Lịch sử trở thành môn xét tuyển vào đại học thì nên đầu tư học tự chọn thêm 35 tiết chuyên đề. Với lượng kiến thức nâng cao đủ để các em đạt 8 -10 điểm môn thi này”, cô Mai phân tích.