Tính toán khả năng cân đối ngân sách khi giảm 2% thuế VAT
Chính phủ trình Quốc hội giảm 2% thuế VAT đến hết năm 2026 Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 3 năm đầu dễ trục lợi chính sách |
Thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng (VAT), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, đây là một chính sách góp phần tạo động lực thúc đẩy, phát triển cho nền kinh tế, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, du lịch, tiêu dùng trong nước trong năm 2025 và năm 2026, tương tự như các biện pháp đã được áp dụng trong thời kỳ đại dịch COVID-19.
Theo báo cáo của Chính phủ, việc giảm thuế sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách, do đó Chính phủ cần tính toán lại các khoản thu, chi để đảm bảo cân đối ngân sách.
Về tác động của chính sách thuế, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, đối với người dân và doanh nghiệp, việc giảm 2% mức thuế VAT sẽ góp phần giảm trực tiếp chi phí của người dân trong việc tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ. Đồng thời, giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, giúp sản phẩm của doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh.
![]() |
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu |
Khi việc giảm thuế VAT làm giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, sẽ thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng cuối năm 2025 và cả năm 2026.
“Điều này có thể dẫn đến sự tăng trưởng của các nguồn thu khác, bù đắp một phần cho khoản giảm thu từ thuế VAT. Chính phủ cần tính toán kỹ lưỡng các tác động này để đưa ra quyết định phù hợp”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhận định.
Liên quan tới kỹ thuật văn bản, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết nếu chính sách giảm thuế không có gì thay đổi so với trước đây thì nên đưa vào Nghị quyết chung của Quốc hội. Nếu mở rộng đối tượng được giảm 2% thuế suất thuế VAT đối với hàng hóa, dịch vụ phục vụ cho sản xuất kinh doanh, du lịch, tiêu dùng (trong nhóm hàng hoá, dịch vụ chịu thuế suất thuế VAT 10%), thì nên thiết kế Nghị quyết riêng.
“Nghị quyết riêng này cũng nên được viết ngắn gọc, súc tích, rõ ràng về việc điều chỉnh, những ngành, lĩnh vực nào được giảm thuế, để khi công bố, người dân và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận. Điều này cũng sẽ giúp cho việc hành thu của các cơ quan thực thi có thể triển khai nhanh chóng và hiệu quả hơn, thay vì phải tham chiếu một văn bản dài”, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết.
![]() |
Đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) |
Cũng quan tâm đến tác động các mặt của chính sách, đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) cho biết, Chính phủ dự kiến số giảm thu ngân sách Nhà nước trong 6 tháng cuối năm 2025 và cả năm 2026 khoảng 121,74 nghìn tỷ đồng khi thực hiện giảm thuế VAT (trong đó 6 tháng cuối năm 2025 giảm khoảng 39,54 nghìn tỷ đồng, năm 2026 giảm khoảng 82,2 nghìn tỷ đồng).
Đại biểu Nguyễn Quang Huân nhận định việc giảm thuế sẽ mang lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp, nhưng cũng khiến ngân sách nhà nước thiếu hụt nguồn thu, từ đó có thể ảnh hưởng đến một số khoản chi về an sinh như y tế, giáo dục…
Chính phủ trình phương án giảm thuế từ ngày 1/7/2025 đến hết 31/12/2026, khoảng một năm rưỡi; phạm vi áp dụng gồm: Giảm 2% thuế suất thuế VAT, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ.
Do đó, cần thể hiện rõ cơ sở khoa học, trong đó đánh giá kỹ tác động của chính sách giảm thuế có thể làm tăng bao nhiêu phần trăm GDP hay tác động tăng trưởng như thế nào đến một số ngành, lĩnh vực trong phạm vi được giảm thuế… thì sẽ thuyết phục hơn.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng kiến nghị cần xem xét hỗ trợ trọng tâm cho các nhóm dễ bị tổn thương, ảnh hưởng thay vì giảm đều.
Cho ý kiến về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thành Trung (đoàn Yên Bái) cho rằng, dù Chính phủ kiến nghị cho thời gian áp dụng dài hơn (18 tháng) và với phạm vi mở rộng hơn so với những lần giảm thuế được ban hành trước đây, nhưng đối tượng áp dụng nhìn chung vẫn gọn.
Do đó, đại biểu cho rằng nên quyết nghị nội dung này trong Nghị quyết chung của kỳ họp, tương tự như các nghị quyết đã được ban hành; đồng thời, cần làm rõ bảo đảm cân đối ngân sách Nhà nước trong năm 2025, thực hiện các nhiệm vụ theo đúng dự toán đã được Quốc hội thông qua.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Quảng Nam: Giá nước sạch điều chỉnh tăng gần 19 ngàn đồng/m3

Phát triển 1 trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam nhưng hoạt động ở 2 thành phố

Ngân hàng Nhà nước được quyết cho vay đặc biệt, không tài sản đảm bảo

Đề nghị lập tòa án chuyên biệt tại trung tâm tài chính quốc tế

Thúc đẩy hành động hướng tới tăng trưởng bền vững và mục tiêu Net-Zero

Xây dựng BIDV trở thành một Ngân hàng thương mại nhà nước trụ cột

Gỡ nút thắt để cà phê, trà Việt Nam vươn tầm quốc tế

Long An - Liêu Ninh (Trung Quốc): Kỳ vọng hợp tác hướng tới mối quan hệ lâu dài và bền vững

Chính phủ trình Quốc hội dự án 1 luật sửa 7 luật
