Tình trạng dông, lốc tại các khu vực đô thị ngày càng phổ biến
Vĩnh Phúc: Mưa dông, lốc xoáy làm sập xưởng gỗ khiến 21 người thương vong Cảnh báo dông, lốc và mưa lớn diện rộng trong hai ngày tới |
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro
Những năm gần đây, diễn biến của thiên tai ngày càng khốc liệt, khó lường. Tại các đô thị - do đặc điểm riêng về kiến trúc, môi trường... cũng phải đối mặt với các rủi ro thiên tai hết sức phức tạp.
Chắc hẳn, nhiều người chưa quên trận cuồng phong chiều 13/6/2015 tại Hà Nội. Tuy gió lốc chỉ thực sự dữ dội trong khoảng 15 phút nhưng đã gây nên nỗi bàng hoàng cho người dân. Gần 1.400 cây xanh bị đổ, 142 trạm điện xảy ra sự cố, cơn dông lốc cũng gây gãy đổ nhiều cột bê tông và cột thép. Có lẽ chưa bao giờ người dân Hà Nội lại phải chứng kiến một cơn dông đáng sợ như vậy.
Nói về hiện tượng trên, ông Trần Thanh Mẫn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố cho biết: Khi xảy ra dông, lốc mạnh… khu vực nội thành có nguy cơ thiệt hại rất nặng do có mật độ người và phương tiện tham gia giao thông đông… Chỉ cần một vật từ trên cao (vật liệu phục vụ thi công xây dựng công trình, tôn lợp mái nhà, biển quảng cáo, bồn chứa nước, tấm pin mặt trời…) bất ngờ rơi xuống mặt đất hoặc cây xanh gãy đổ… đều có thể gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, ùn tắc giao thông…
Những năm gần đây, diễn biến của thiên tai ngày càng khốc liệt, khó lường |
Lý giải nguyên dân xảy ra tình trạng dông lốc tại các khu đô thị, ông Lê Thanh Hải, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn cho hay: Dông lốc là hiện tượng thời tiết nguy hiểm thường xảy ra vào thời điểm giao mùa (từ lạnh sang nóng, mùa khô sang mùa mưa) và sau những đợt nắng nóng. Về nguyên nhân gây ra dông, lốc là do mặt đất hấp thu nhiều bức xạ của mặt trời làm các luồng không khí nóng ẩm bốc lên cao, giao với luồng không khí có nhiệt độ thấp hơn tràn xuống phía dưới tạo thành đối lưu trong khí quyển. Đối lưu này tạo ra mưa, sấm, chớp và gió giật mạnh…
Ông Lê Thanh Hải cho rằng, do khu vực đô thị có nhiều công trình xây dựng bằng bê tông, mặt đường trải bê tông, nhựa, ít cây xanh ngăn chặn ánh nắng trực tiếp… nên hấp thu mạnh bức xạ mặt trời khiến đối lưu khí quyển mạnh hơn, cường độ dông thường lớn hơn so với khu vực nông thôn… Hơn nữa, do khu vực đô thị có nhiều nhà cao tầng nên thường xảy ra hiện tượng hút gió, khiến sức gió thường tăng khoảng 2-3 cấp so với khu vực nông thôn.
Để giảm thiệt hại do dông, lốc gây ra, việc chủ động phòng ngừa được coi là giải pháp đặc biệt quan trọng, trong đó, cốt yếu là chất lượng các bản tin dự báo, cảnh báo. Về vấn đề này, ông Lê Thanh Hải cho rằng, để dự báo sớm thời gian xảy ra dông, lốc là thách thức đối với ngành Khí tượng thế giới. Ngay như Hoa Kỳ, quốc gia có nền khoa học khí tượng phát triển nhất thế giới, cũng chỉ đưa ra các bản tin dự báo, cảnh báo dông, lốc trước thời điểm xảy ra khoảng 3-4 giờ. Còn tại Việt Nam, dù đã rất nỗ lực cũng chỉ có thể đưa ra các bản tin dự báo, cảnh báo dông lốc trước khoảng 30 phút đến 2 giờ.
Theo ông Lê Thanh Hải, hạn chế lớn nhất của người dân là thiếu kỹ năng ứng phó với dông, lốc. Do dông, lốc thường xảy ra vào chiều tối nên nhiều người dân cố bất chấp nguy hiểm để về nhà. Vì vậy, để giảm đến mức thấp nhất thiệt hại, người dân không nên tham gia giao thông khi xuất hiện cơn dông. Trường hợp đang đi trên đường thì nên tìm cách trú ẩn, nhưng không trú dưới gốc cây để tránh bị thương do cây hoặc các tấm biển quảng cáo, vật dụng khác bay đến.
Ngoài ra, các đô thị cần có giải pháp nâng cao hiệu quả truyền tin cảnh báo thiên tai… Về lâu dài, các đô thị cần thực hiện các giải pháp hạn chế hiệu ứng “đảo nhiệt” bằng cách trồng nhiều cây xanh, tăng diện tích thảm cỏ, bề mặt thấm nước, mặt nước…
Về vấn đề truyền tin cảnh báo thiên tai, đại diện lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho biết: Sở đã vận động các doanh nghiệp viễn thông truyền tin cảnh báo các loại hình thiên tai nguy hiểm đến người dân thông qua hệ thống tin nhắn trên điện thoại di động. Bên cạnh đó, Sở cũng phối hợp với các cơ quan báo chí truyền tin trên các phương tiện thông tin đại chúng… Thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục nghiên cứu, đề xuất thành phố đa dạng các hình thức truyền tin, bảo đảm mục tiêu kịp thời, nhiều người cùng tiếp cận…
Chủ động ứng phó với thời tiết cực đoan tại các khu đô thị
Hà Nội chắc chắn sẽ đối mặt với nhiều nguy cơ dông lốc. Vì thế, việc chủ động các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả phòng ngừa, giảm thiệt hại thiên tai luôn là ưu tiên trong ứng phó tại các khu vực đô thị, nhất là khi hệ thống đô thị luôn gắn liền với những biến đổi kinh tế - xã hội và môi trường tự nhiên. Chúng ta sẽ không chỉ phải áp dụng khoa học công nghệ để nâng cao tính dự báo, khả năng quản lý, ứng phó với những tác hại trực tiếp từ thiên nhiên, mà còn cần có sự chủ động ngăn ngừa ngay từ những tác động trong hoạt động của con người.
Với những yếu tố đặc thù đô thị, dông lốc xảy ra tại khu vực này cũng có những hình thái khó lường, bất ngờ |
Ở tầm vĩ mô, để phòng ngừa và giảm tối đa rủi ro, thì những nguyên tắc phát triển bền vững cần được áp dụng triệt để và kiên quyết, đặc biệt là trong quy hoạch và thực hiện quy hoạch. Tăng trưởng đô thị phải đi đôi với bảo vệ môi trường, tạo nền tảng phát triển lâu dài, ổn định. Các chính sách quy hoạch, phát triển đô thị đều phải theo hướng thân thiện với môi trường, thực hiện đô thị hóa theo chiều sâu.
Việc thành phố Hà Nội trong thời gian qua triển khai trồng mới hàng triệu cây xanh, thay thế các loại cây xanh trồng từ nhiều chục năm trước, phù hợp và an toàn hơn với môi trường đô thị chính là một trong những biện pháp khắc phục ảnh hưởng của hiệu ứng đô thị, tạo tính bền vững và lâu dài.
Cùng với đó, Hà Nội cũng hướng phát triển đô thị ra vùng ven, tăng không gian đô thị, phát triển hạ tầng như: Hệ thống giao thông, thoát nước, hình thành các không gian xanh, hồ điều hòa... theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện đại.
Trong khi đó, ở góc độ đời sống, việc xây dựng nếp sống đô thị, bảo vệ và cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng sống, xây dựng đô thị văn minh là mục tiêu quan trọng. Một mặt, cơ quan chức năng tăng cường quản lý các hoạt động phát triển có nguy cơ gây thiệt hại như xây dựng, xả thải, sản xuất nông nghiệp...; thường xuyên kiểm tra, khơi thông các dòng chảy, quản lý hệ thống cây xanh đô thị, chặt tỉa cây sâu mục... nhằm hạn chế tối đa nguy cơ gãy đổ, đặc biệt trong mùa mưa bão.
Ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, với những bất thường của thời tiết trong bối cảnh hiện nay sẽ quyết định đến sự phát triển bền vững của Thủ đô, đất nước. Hy vọng rằng mỗi công dân chúng ta sẽ có những đóng góp tích cực và hiệu quả, từ những phần việc nhỏ nhất nhưng mang lại ý nghĩa thiết thực với môi trường sống.