TP HCM lấy ý kiến phản biện thành lập các tuyến phố đi bộ
Phố đi bộ Nguyễn Huệ (Ảnh: TTXVN) |
Theo đề án thì 5 tuyến đường khu vực trung tâm sẽ được quy hoạch trở thành tuyến phố đi bộ. Đây là sự thay đổi cần thiết khi tại khu vực nhà ga Metro tại Nhà hát thành phố - chợ Bến Thành và khu vực đại lộ Hàm Nghi hoàn thành, ước tính sẽ đón từ 1 đến 1,5 triệu lượt người mỗi ngày chủ yếu là đi bộ.
Đề án được bắt đầu từ năm 2019 và cho đến nay sơ bộ hoàn thành sau khi khảo sát hiện trạng, lấy ý kiến người dân, đánh giá tác động về giao thông, môi trường cũng như tham khảo kinh nghiệm quốc tế. Các chuyên gia đã đóng góp cho đề án nhiều ý kiến quan trọng về tính pháp lý trong mô hình quản lý, vấn đề quy hoạch cũng như các phương án tổ chức các tuyến phố đi bộ. Đặc biệt là 5 yếu tố để tuyến phố đi bộ phát huy hiệu quả là khả năng tiếp cận, sự thoải mái, thiết kế, hiệu quả sử dụng đất cũng như sự thân thiện và đáng sống.
Theo chuyên gia cao cấp Hà Ngọc Trường - Phó Chủ tịch thường trực Hội Cầu đường cảng TP HCM cho rằng, đây là khu vực đặc biệt có liên quan rất lớn đến các công trình ngầm của các tuyến Metro và khu trung tâm thương mại. “Vậy thì chúng ta cần phải có quy hoạch giữa công trình ngầm với quy hoạch công trình ở trên mặt đất. Hiện nay chúng ta đang sử dụng tuyến đi bộ Nguyễn Huệ và Bùi Viện, vậy thì cần rút ra bài học của 2 tuyến này. Ví dụ bãi giữ xe của những người đi các phương tiện cơ giới sẽ để xe ở đâu? Hiện nay ở khu vực trung tâm không có. Rồi khu vực nào để buôn bán, giải trí? Như vậy phải phân bố cho rõ chứ nếu không nó sẽ phát triển một cách tự phát, lộn xộn”, ông Trường nói.
Còn Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP HCM cho biết, việc có nhiều tuyến đi bộ để phục vụ nhu cầu giải trí cũng như sinh hoạt cho người dân, nhằm góp phần phát triển ngành du lịch, song theo ông vẫn còn nhiều bất cập như: Chưa có bãi đậu xe; Các quán ăn, nước uống, khu mua sắm tại các tuyến phố mọc lên như nấm tiềm tàng việc hét giá, chặt chém khách du lịch; Các gian hàng rong chiếm diện tích lớn trên phố đi bộ; Các hoạt động giải trí, ca múa mở nhạc quá lớn gây ô nhiễm tiếng ồn; Nhà vệ sinh công cộng quá tải và mất vệ sinh...
Theo Thiếu tướng Phan Anh Minh - nguyên Phó Giám đốc Công an TP HCM cho rằng, việc thành lập thêm các tuyến phố đi bộ và cấm các loại xe lưu thông trong khu vực này không chỉ ảnh hưởng đến các trường học, người dân và cả các bệnh viện ở đây. Khi cấm xe cơ giới thì người ta phải có chỗ gửi xe thì mới tiếp cận được vào khu vực này. Không thể xây bãi đậu xe bên trong mà phải xây dựng ở khu vực ngoài trung tâm nhưng đây là một bài toán rất lớn. Bên cạnh đó, việc để chủ đầu tư vận hành theo ông cũng không hợp lý vì có rất nhiều Sở, ngành tham gia vào sẽ không hiệu quả vì thực tế để quản lý được thì cần nhân sự có kinh nghiệm, kiến thức chuyên ngành.
Theo đề án sẽ mở rộng một số tuyến phố đi bộ khu vực trung tâm TP HCM trong giai đoạn 2021- 2025 tại khu trung tâm hiện hữu 930 ha, gồm các phường Bến Nghé, Bến Thành và Phạm Ngũ Lão với diện tích khoảng 300 ha. Có 3 phương án tổ chức các tuyến phố đi bộ mà đơn vị nghiên cứu đề xuất, trong đó phương án 2 được đa số các chuyên gia, địa phương và người dân khi lấy ý kiến đánh giá cao về tính khả thi. Cụ thể sẽ tổ chức phố đi bộ trên các tuyến đường Đồng Khởi, Lê Lợi, Hàm Nghi, Thái Văn Lung và Thi Sách với mạng lưới đường phố ưu tiên cho người đi bộ nhưng vẫn cho phép một số phương tiện cơ giới đi lại vào các ngày trong tuần và cấm tất cả các phương tiện lưu thông trên các tuyến này vào các ngày cuối tuần.