TP HCM: “Xẻ thịt” đất công viên cây xanh cho thuê thu tiền tỷ
Công an TP HCM phá nhiều vụ án trong đợt ra quân cao điểm Nhìn lại 10 năm cải tiến chất lượng của ngành Y tế TP HCM |
Tại các khu công nghiệp (KCN), tiếng ồn, không khí cũng như nguồn nước… đều có nguy cơ cao ảnh hưởng đến sức khỏe người dân và môi trường. Do vậy, việc quy hoạch công viên cây xanh trong KCN là rất cần thiết và có quy định cụ thể.
Đơn cử như Thông tư 01/2021/TT-BXD ngày 19/5/2021 của Bộ Xây dựng ban hành QCVN 01:2021/BXD về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng, theo đó tỷ lệ tối thiểu đất cây xanh trong khu công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao là 10% diện tích toàn khu (chưa bao gồm cây xanh trong khuôn viên lô đất các cơ sở sản xuất).
Công viên cây xanh sẽ có tác dụng giảm đi tiếng ồn, cũng như lọc được các chất độc hại, bụi bẩn trong không khí, ngăn chặn ô nhiễm nguồn nước, môi trường xung quanh. Đồng thời, công viên xanh trong khu công nghiệp còn giúp công nhân viên làm việc trong môi trường này giảm sự oi bức của thời tiết, có không gian thoáng mát làm nơi thư giãn, nghỉ ngơi, giải trí để gần gũi với thiên nhiên.
Tác dụng của công viên cây xanh và quy định là như vậy, tuy nhiên, tại KCN Tân Bình (quận Tân Bình và Bình Tân, TP HCM) chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Dịch vụ và Đầu tư Tân Bình (Tanimex) đã không sử dụng đúng mục đích nhiều khu đất này.
Nhiều khu đất công viên cây xanh bị Tanimex "xẻ thịt" cho thuê |
Từ đơn thư bạn đọc…
Theo phản ánh của ông Nguyễn Chí Nam, Giám đốc Công ty TNHH Nam Sài Gòn City (Công ty Nam Sài Gòn City) và bà Nguyễn Thị Mai Lan, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ - Đầu tư phát triển Ngọc Lan Anh (Công ty Ngọc Lan Anh), hai đơn vị này bị Công ty CP Dịch vụ Vận chuyển Thịnh Phát (Công ty Thịnh Phát) đơn phương chấm dứt hợp đồng cho thuê mặt bằng, gây thiệt hại hàng tỷ đồng.
Cụ thể theo phản ánh, vào tháng 4 và 10/2018, hai công ty Ngọc Lan Anh và Nam Sài Gòn City ký hợp đồng thuê khu đất 4.600m2 tại Cụm 2, đường M14, KCN Tân Bình, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân từ Công ty Thịnh Phát, do ông Trần Ngọc Đức, Giám đốc đại diện ký (Công ty Thịnh Phát là đơn vị do Tanimex giao quản lý khu đất) để khai thác, kinh doanh trong thời gian 2 năm. Trong đó, Công ty Ngọc Lan Anh thuê 3.000m2, Công ty Nam Sài Gòn City thuê 1.600 m2 (bao gồm đất, đường nội bộ và căng tin).
Các kho bãi, nhà xưởng tiền chế được xây dựng trên đất công viên cây xanh |
Sau khi ký hợp đồng và nhận mặt bằng từ Công ty Thịnh Phát, ông Nam và bà Lan san lấp mặt bằng, rào dựng, cải tạo cơ sở hạ tầng, xây dựng nhà kho để phục vụ công việc kinh doanh, cho thuê kho bãi. Hàng tháng, cả 2 công ty đều trả tiền thuê mặt bằng và được Công ty Thịnh Phát gửi phiếu thu và xuất hóa đơn VAT.
Đến tháng 4/2020, sau khi hết hạn hợp đồng, 2 công ty của ông Nam và bà Lan được tái ký lần 2 cũng với thời hạn 2 năm; đến tháng 8/2022, tái ký lần 3 với thời gian là 37 tháng, tức hợp đồng có hiệu lực đến tháng 9/2025. Trong 5 năm, từ năm 2018 đến 2023, giá thuê lần lượt thay đổi theo thời gian từ 35 triệu đến 66,5 triệu đồng/tháng (chưa bao gồm thuế VAT).
“Do thời gian thuê dài hạn và liên tiếp nhiều năm nên chúng tôi đã san lấp hết diện tích đất và liên tục cải tạo hạ tầng, xây thêm kho bãi, các công trình phụ cho phù hợp với việc kinh doanh. Khi chúng tôi đang kinh doanh yên ổn thì bất ngờ ngày 20/9/2023, Công ty Thịnh Phát gửi văn bản thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng với lý do: “Do một số nguyên nhân từ các đơn vị quản lý Nhà nước”.
Tiếp theo, Công ty Thịnh Phát gửi biên bản thanh lý hợp đồng trước thời hạn mà không nêu rõ lý do chính đáng, không bồi thường phần đầu tư san lấp, cải tạo cơ sở hạ tầng, xây dựng nhà tạm, kho bãi… và phần thiệt hại của chúng tôi do việc thu lại mặt bằng trước thời hạn 2 năm”.
Băng rôn được Công ty Ngọc Lan Anh căng tại mặt bằng thuê của Công ty Thịnh Phát |
Theo ông Nam và bà Lan, qua tìm hiểu nguyên nhân được biết khu đất mà Công ty Thịnh Phát cho thuê là đất công viên cây xanh. Khu đất này được Tanimex giao Công ty Thịnh Phát cho thuê để trục lợi. Đến khi bị cơ quan chức năng phát hiện, yêu cầu trả lại hiện trạng của công viên nên Công ty Thịnh Phát phải thu hồi mặt bằng trước hạn.
Liên quan vụ việc, ngày 28/12/2023, ông Trần Ngọc Đức, Giám đốc Công ty Thịnh Phát cho biết, do khu đất nói trên chưa được chủ đầu tư xây dựng công viên cây xanh nên Tanimex (chủ đầu tư) giao cho công ty quản lý để tận dụng khai thác cho thuê kiếm thêm doanh thu. “Hàng tháng, chúng tôi đều công khai nguồn thu và nộp 1 phần tiền từ việc cho thuê khu đất trên cho Tanimex”, ông Đức cho biết.
Cũng theo ông Đức, vừa qua, Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP HCM (Hepza) kiểm tra và yêu cầu tháo dỡ cơ sở vật chất trên đất, trả lại hiện trạng để làm công viên cây xanh nên Công ty Thịnh Phát buộc phải cắt hợp đồng, thu hồi mặt bằng trước thời hạn. “Nếu ông Nam và bà Lan không đồng ý, đòi bồi thường thiệt hại thì có thể kiện ra tòa án để xử lý”, ông Đức nói.
Về việc yêu cầu đền bù thiệt hại, ông Đức cho rằng ông Nam và bà Lan đã tự san lấp, dựng kho, xưởng và phân ra nhiều khu cho thuê lại với giá cao hơn trong nhiều năm nên họ đã có lợi nhuận. Vì thế có thể nói, hai ông bà không bị thiệt hại khi chấm dứt hợp đồng trước hạn.
Bên cạnh đó, theo ông Đức, hợp đồng có quy định trong trường hợp cơ quan chức năng yêu cầu lấy lại mặt bằng thì công ty không phải chịu đền bù bất cứ khoản nào khi chấm dứt trước hạn.
Trao đổi về các khu đất công viên cây xanh khác, ông Đức cũng thẳng thắn cho biết, ngoài khu đất cho ông Nam và bà Lan thuê thì trong KCN Tân Bình còn có nhiều khu đất công viên cây xanh được cho thuê làm sân tennis, sân bóng đá mini, hồ bơi... Vừa qua, do cơ quan chức năng kiểm tra nên Tanimex buộc phải thanh lý hợp đồng, trả lại đất cho xây dựng công viên cây xanh.
Một mặt bằng công viên cây xanh được tận dụng cho thuê làm sân bóng đá mini |
Bên trong khu đất hiện chỉ còn căn tin, sân bóng đã được trồng một số cây nhỏ thưa thớt |
… thực tế và “đối phó”
Nhằm làm rõ hơn thông tin, chúng tôi đã đi khảo sát thực tế và nhận thấy đúng như những gì người dân và ông Đức cung cấp. Cụ thể, tại một khu đất công viên cây xanh trước đây cho thuê làm sân tennis nay đã được “xanh hóa” “ứng phó” bằng cách đổ đất lên một vài chỗ, đặt một số chậu cây xanh lên nền bê tông. Trong khi đó, khán đài bằng bê tông vẫn còn nguyên.
Một số khu khác thì sân tennis vẫn còn hoạt động bình thường, có cả khu vực xây hẳn nhà hàng, hồ bơi hoạt động nhiều năm, mới vừa ngưng hoạt động.
Khán đài sân tennis vẫn còn và được đặt một số chậu cây xanh "ứng phó" |
Công viên cây xanh nhưng lưa thưa các chậu cây đặt trên nền bê tông |
Dấu tích cỏ trồng chưa lâu trên sân |
Nhà hàng, hồ bơi xây dựng trên đất công viên cây xanh để kinh doanh nhiều năm qua |
Như vậy, có thể thấy, thông tin việc Tanimex và Công ty Thịnh Phát “xẻ thịt” đất công viên cây xanh cho thuê để thu lợi, bất chấp quy định pháp luật là có cơ sở.
Trong khi đó, tại khu đất ông Nam và bà Lan thuê, hiện các nhà xưởng, kho bãi đã được tháo dỡ một số hạng mục, một số vẫn còn nguyên. Ông Nam, bà Lan còn căng băng rôn tố cáo Tanimex bán điện thu giá cao hơn quy định, đồng thời đề nghị các công ty bồi thường thiệt hại.
Ngày 29/12/2023, chúng tôi đến trụ sở Tanimex để xác minh một số thông tin liên quan sự việc nêu trên nhưng không gặp được lãnh đạo. Chúng tôi đã để lại một số câu hỏi nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi từ đơn vị này.