TP Hồ Chí Minh kiên quyết dập dịch sốt xuất huyết hiệu quả
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi với các bác sĩ về tình hình dịch sốt xuất huyết |
Theo báo cáo của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, tính đến ngày 29/6, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố tích lũy là 20.952 ca, tăng 172,5% với cùng kỳ năm 2021 (7.688 ca); Tăng 71,7% so với số mắc tích luỹ cùng kỳ giai đoạn 2016 - 2020 (12.197 ca).
Tính đến ngày 29/6, thành phố có 10 ca tử vong do sốt xuất huyết, trong đó Củ Chi (3 ca), Bình Chánh (2 ca), Bình Tân (2 ca), Hóc Môn (1 ca), Quận 11 (1 ca), Thủ Đức (1 ca); Tăng 7 ca so với cùng kỳ năm 2021 (3 ca) và tăng 8 ca so với trung bình giai đoạn 2016 - 2020.
Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, các quận, huyện có số ca mắc sốt xuất huyết cao trên địa bàn thành phố là Bình Tân, Bình Chánh, Quận 12, Hóc Môn, Thủ Đức, Củ Chi, Tân Phú. “Nếu không quyết liệt triển khai các giải pháp chống dịch ngay từ bây giờ, các quận, huyện này có nguy cơ bùng phát dữ dội dịch sốt xuất huyết”- bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho hay.
Cũng theo bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, để chủ động ứng phó với dịch sốt xuất huyết, Sở đã tham mưu cho UBND Thành phố ban hành các văn bản chỉ đạo công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết và việc phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2022; Kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh ngành Y tế và triển khai quyết liệt công tác phòng, chống sốt xuất huyết.
Thành phố cũng đã thành lập đoàn kiểm tra giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết tại các quận, huyện định kỳ hàng tuần, ưu tiên hỗ trợ giám sát tại các quận, huyện có ca sốt xuất huyết tăng ca và có trường hợp tử vong. Đồng thời, thành phố đã phát động chiến dịch tổng vệ sinh nơi sinh sản của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn.
Trao đổi tại buổi làm việc với UBND TP Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, việc điều trị bệnh sốt xuất huyết cần phải được phân bổ điều trị đúng hướng dẫn của Bộ Y tế theo từng cấp độ của bệnh, hạn chế việc bệnh ở cấp độ 1, độ 2 vẫn chuyển về các bệnh viện tuyến cuối, bệnh viện Trung ương.
Song song đó, TP Hồ Chí Minh, các tỉnh phải ứng dụng công nghệ thông tin trong việc hội chẩn các bệnh nặng để xác định rõ ca nào cần chuyển lên tuyến trên điều trị, ca nào điều trị ở địa phương, tránh gây quá tải ở các bệnh viện tuyến cuối.
Đối với công tác tiêm vaccine phòng COVID-19, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết thêm, thành phố cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền theo tinh thần “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để người dân được tiêm vaccine đầy đủ nhằm bảo đảm công tác phòng, chống dịch, tránh để xảy ra tình trạng dịch chồng dịch.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kiểm tra thực tế tại một số địa phương |
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng thời gian gần đây việc tiêm vaccine phòng COVID-19 chưa thực hiện tốt, chưa đạt như mong muốn. Nếu tiêm chủng phòng COVID-19 chững lại thì nguy cơ vẫn còn lơ lửng dù bệnh có thể nhẹ đi. Thành phố cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tiếp tục củng cố toàn bộ hệ thống giám sát dịch COVID-19 vì chưa biết diễn biến của những biến chủng mới sắp tới như thế nào.
Theo Phó Thủ tướng, thành phố tiếp tục vận động người dân tiêm vaccine, đi vào sát dân để biết người dân đang băn khoăn điều gì, từ đó phải giải thích cho dân hiểu một cách cụ thể, khoa học.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng yêu cầu TP Hồ Chí Minh, các tỉnh, thành phải nhìn thẳng vào sự thật, tìm hiểu kỹ lý do vì sao bệnh viện các tỉnh chuyển các ca sốt xuất huyết lên thành phố, phải chăng tuyến dưới cũng thiếu thuốc và vật tư. Nếu có phải xử lý câu chuyện này theo hai hướng dài hơi và trước mắt.
Đặc biệt, thành phố phải khẩn trương có giải pháp cấp bách về việc thiếu thuốc, vật tư y tế, phải có cơ chế san sẻ giữa các bệnh viện, không phân biệt bệnh viện thành phố, bệnh viện Trung ương nhằm bảo đảm sức khỏe cho người dân.