TP Hồ Chí Minh: Kỳ vọng đột phá trong năm mới
TP Hồ Chí Minh kỳ vọng đột phá trong năm mới |
Tăng trưởng trong thế khó
Theo báo cáo của UBND TP Hồ Chí Minh, năm 2023, tổng sản phẩm GRDP của TP tăng 5,8%, thấp hơn mục tiêu đặt ra từ đầu năm là từ 7,5 - 8%. Trong khi đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của TP năm 2023 tăng 11% so với năm 2022. Tổng doanh thu du lịch trên 160 nghìn tỷ đồng (tăng 22% so với cùng kỳ), trong đó khách quốc tế đến TP ước đạt 5 triệu lượt (tăng 44%).
Ông Nguyễn Khắc Hoàng, Cục trưởng Cục Thống kê TP Hồ Chí Minh, cho biết, mặc dù kinh tế khởi sắc nhưng đến nay TP vẫn khó đạt được kế hoạch của năm 2023. Nguyên nhân do TP đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, một số thị trường chậm cải thiện, tác động trực tiếp làm sản xuất công nghiệp trong nước nói chung và của TP nói riêng bị ảnh hưởng.
Chưa kể, các đơn hàng sản xuất giảm, hàng hóa tồn kho tăng, kim ngạch xuất nhập khẩu vì thế cũng giảm (xuất khẩu giảm 1,2%; nhập khẩu giảm 13%). Cũng vì thế, thu ngân sách TP chưa đạt dự toán đề ra (chỉ 93,53% dự toán). Đặc biệt, thu hút vốn FDI giảm đến 24%…
Tiêu dùng nội địa là động lực tăng trưởng chính của TP Hồ Chí Minh trong năm qua |
Cũng theo ông Nguyễn Khắc Hoàng, từ đầu năm đến nay, tiêu dùng nội địa là động lực tăng trưởng chính của TP Hồ Chí Minh. Vì vậy, TP cần tiếp tục đẩy mạnh tiêu dùng nội địa thông qua các chương trình kích cầu mua sắm, khuyến mãi tập trung…
Trong khi đó, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, cho biết, để kích cầu tiêu dùng nội địa, lượng hàng bình ổn thị trường phục vụ Tết năm nay chiếm từ 25 - 43% nhu cầu thị trường. Ước tính, mãi lực Tết Giáp Thìn 2024 tăng từ 11 - 13% so với cùng kỳ năm trước.
Nhìn thẳng và tận dụng thời cơ
Nhận định về nền kinh tế TP Hồ Chí Minh năm 2023, ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho biết, tuy kết quả tăng trưởng năm qua chưa đạt kế hoạch đề ra nhưng vẫn rất đáng mừng trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực phức tạp, khó lường, trong khi kinh tế TP vẫn có nhiều khởi sắc.
TP Hồ Chí Minh đã tổ chức nhiều sự kiện kinh tế - xã hội có quy mô và tầm cỡ quốc tế để mở ra thương mại lớn, giao lưu hội nhập sâu rộng với nhiều nước; đời sống người dân cũng được nâng cao, doanh nghiệp cũng đã tiếp cận được các nguồn vốn để hồi phục sản xuất…
Mặt khác, điểm sáng của kinh tế TP là ngành Thương mại - Dịch vụ nội địa tăng trưởng khá. Vì vậy, để ngành này phát triển, sắp tới TP cần tiếp tục kích cầu tiêu dùng nội địa, kích cầu du lịch; hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp khơi thông dòng vốn; giải quyết vướng mắc về đất đai cho doanh nghiệp bất động sản… để kinh tế TP khôi phục toàn diện trong năm 2024…
Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, để có được kết quả tốt thì HĐND, UBND TP đã chủ động, nghiêm túc, kịp thời triển khai các chủ trương nghị quyết, chỉ đạo với tinh thần năng động, sáng tạo, thích ứng linh hoạt trong chỉ đạo điều hành, đảm bảo các yêu cầu nhiệm vụ đã đặt ra.
Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên |
Cũng theo người đứng đầu Thành ủy TP Hồ Chí Minh, những hạn chế, tồn tại, nguyên nhân, phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp năm 2024, Thành ủy đã nghiêm túc và thẳng thắn nhìn nhận, chỉ ra những mặt hạn chế rất cụ thể; cũng thẳng thắn nhìn nhận còn nhiều việc chưa làm được, nhiều vấn đề giải quyết chưa dứt điểm và nơi này nơi khác, lúc này lúc khác thì sự hài lòng của người dân chưa được mạnh.
Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Văn Nên đề nghị từng cán bộ, từng cơ quan, đơn vị phải nhìn thấy rõ từng vấn đề, từng địa phương, cơ sở chưa làm được để mỗi người, mỗi ngành, nhất là các đồng chí đứng đầu nghiêm túc nhận thấy và có kế hoạch khắc phục, giải quyết trong thời gian tới.
Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã thống nhất chọn chủ đề năm 2024 là “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tập trung thực hiện hiệu quả chuyển đổi số và Nghị quyết 98 của Quốc hội”.
Ông nhận định năm 2024 là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ TP Hồ Chí Minh; dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, từ những yếu tố bất lợi từ bên ngoài cũng như những hạn chế, bất cập bên trong.
"TP Hồ Chí Minh phải tận dụng tối đa thời cơ, thích ứng linh hoạt, khắc phục những hạn chế, bất cập và dự báo những rủi ro có thể xảy ra để từ đó mới có thể vượt chướng ngại vật, tăng tốc về đích hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra", ông Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.
Tập trung giải ngân đầu tư công, phát triển đô thị đa trung tâm
Đang tất bật sửa sang lại nhà mới, chị Lê Thị Thảo, ngụ Phường 7, quận Gò Vấp cho biết, nhà chị nằm trên mặt tiền đường Dương Quảng Hàm và bị giải tỏa 1/3 căn để mở rộng đường. Nay chị tranh thủ sửa sang nhà mới để kịp đón Tết.
Theo chị Thảo, trước đó, khi địa phương thông báo về việc giải tỏa mở rộng đường, chị cùng nhiều hộ dân đã nhanh chóng đồng thuận khi xác định dự án giúp giảm thiểu tình trạng kẹt xe, khói bụi... “Chúng tôi cũng mong muốn, sau khi người dân bàn giao mặt bằng, dự án mau chóng được hoàn thành và không để xảy ra tình trạng xây dựng dở dang hay chậm trễ, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt, đi lại của người dân”, chị Thảo cho biết thêm.
Là quận vừa nhận được thư khen của lãnh đạo TP Hồ Chí Minh vì kết quả giải ngân đầu tư công cao nhất TP, đại diện UBND quận Gò Vấp cho biết, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tại dự án mở rộng, nâng cấp đường Dương Quảng Hàm đã góp phần quan trọng giúp quận có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong năm đạt 99%, trở thành địa phương có tỷ lệ giải ngân cao nhất TP Hồ Chí Minh hiện nay.
Tương tự, tính đến cuối tháng 11/2023, Quận 8 đạt tỷ lệ giải ngân đầu tư công hơn 86%. Đến nay, quận đã hoàn thành và đưa vào sử dụng nhiều công trình trọng điểm. Năm 2023, Quận 8 được UBND TP giao tổng vốn đầu tư công hơn 677 tỷ đồng, gồm 55 dự án. Trong đó, vốn thực hiện công tác bồi thường hơn 337 tỷ đồng, vốn xây lắp hơn 339 tỷ đồng.
Theo báo cáo của UBND TP Hồ Chí Minh, năm 2023, TP được giao giải ngân hơn 68.000 tỷ đồng. Tính đến nay đã có 18/22 địa phương cam kết giải ngân từ 95% trở lên. Bốn địa phương còn lại gồm Hóc Môn, Gò Vấp, Tân Bình, TP Thủ Đức cam kết giải ngân 80 - 95%.
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi phát biểu về tình hình kinh tế - xã hội TP trong năm qua |
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, với những tiền đề đã được tạo ra từ đầu nhiệm kỳ, các nghị quyết của Đảng, cơ chế chính sách từ Trung ương và nỗ lực của TP, dự báo kinh tế TP Hồ Chí Minh sẽ phục hồi và phát triển mạnh mẽ, tái lập đỉnh tăng trưởng vào khoảng năm 2025 - 2026. Ngoài ra, với các xu hướng mới của kinh tế thế giới như: Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đổi mới sáng tạo sẽ tác động tích cực và là điều kiện để TP chuyển mình, phát triển mạnh mẽ trong năm 2024.
Theo đó, TP Hồ Chí Minh đã đưa ra các nhóm giải pháp về kinh tế - xã hội trọng tâm như: Tập trung rà soát điều chỉnh quy hoạch chung, tạo không gian phát triển mới, bao gồm không gian ngầm, sông, biển; tiếp tục xác định phát triển đô thị đa trung tâm với Thủ Đức là đô thị sáng tạo - tương tác cao ở phía Đông, Cần Giờ là đô thị sinh thái biển, đô thị khu Nam với Phú Mỹ Hưng là trung tâm, đô thị Tây Nam với Bình Chánh là cửa ngõ với Đồng bằng sông Cửu Long và đô thị Tây Bắc gồm Củ Chi - Hóc Môn.
Theo ông Phan Văn Mãi, TP cũng tiếp tục tập trung nguồn lực cả đầu tư công và đầu tư xã hội để chỉnh trang, phát triển đô thị, y tế, giáo dục và an sinh xã hội…
Tính đến nay, HĐND TP Hồ Chí Minh đã ban hành nhiều quyết sách để hiện thực hóa các cơ chế, chính sách đặc thù từ Nghị quyết 98 của Quốc hội để nền kinh tế được tái cấu trúc với định vị trở thành trung tâm tài chính, thương mại quốc tế, hội chợ triển lãm quốc tế, khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực...