TP Thủ Đức chi hàng trăm tỷ đồng chống ngập nhưng “quên” rạch thoát nước
Mỏi mòn với dự án thoát nước
Cơn mưa không lớn nhưng chỉ sau khoảng 5 phút, lượng nước từ đường Võ Văn Ngân bắt đầu hình thành dòng chảy khá mạnh. Nước dâng lên, trong thời gian ngắn đã che lấp nhiều đoạn mặt đường. Mưa càng lâu, dòng nước càng chảy xiết, các phương tiện xe máy lưu thông trên đường buộc phải giảm tốc độ, mò mẫm trong mưa.
Tuyến đường Kha Vạn Cân, nước cũng đổ như trút xuống khu vực vòng xoay chợ Thủ Đức khiến nhiều phương tiện di chuyển ngược dòng chảy phải loạng choạng tay lái.
Trên thì nước ngập, chảy xiết, dưới thì gồ ghề lồi lõm, muốn di chuyển an toàn người đi xe máy phải dùng hai chân giữ thăng bằng |
Tình cảnh nguy hiểm khi di chuyển lúc trời mưa tại khu vực chợ Thủ Đức, dốc Võ Văn Ngân, Kha Vạn Cân không phải là mới đối với người dân sở tại nhưng đáng lo ngại đối với người chưa quen đường. Do địa thế khu vực có độ dốc lớn nên mỗi khi trời mưa, nhiều đoạn đường biến thành “thác nước” với dòng chảy mạnh đổ về khu vực chợ Thủ Đức. Cứ mỗi lần trời mưa, khu vực rộng quanh chợ Thủ Đức trở thành hồ chứa nước lớn.
Nguy hiểm do địa hình tự nhiên đã đành nhưng hơn một năm nay, người dân tiếp tục phải gánh thêm bất tiện do công trình thoát nước đường Võ Văn Ngân đang được triển khai. “Nay ngập như vậy là ít còn mưa lớn nước ngập nửa xe máy. Nước ngập thêm mặt đường lồi lõm, ổ gà, mấy phụ nữ đi lại té hoài. Dân ở đây gặp mưa lớn thì ít ai dám chạy lắm”, anh Tuấn bán hàng tại khu chợ Thủ Đức, ngao ngán cho biết.
Mặt đường lồi lõm mà anh Tuấn nói xuất hiện từ khi công trình thoát nước đường Võ Văn Ngân khởi công từ tháng 5/2021.
Đường Võ Văn Ngân sau một cơn mưa không lớn |
Hiện trạng công trường dự án thoát nước này sau hơn một năm thi công vẫn ì ạch. Đoạn đường thực hiện dự án có chiều dài khoảng 2,5km và có tới 4 lô cốt to giữa đường. Trước siêu thị điện máy Nguyễn Kim kéo dài tới giao lộ Võ Văn Ngân và đường số 6, một lô cốt lớn nằm hiên ngang ở giữa; Đoạn dài mặt đường chưa được tái lập nên chỉ rải đá dăm. Do phần đào xới chiếm phân nửa mặt đường hiện hữu nên vào giờ cao điểm có rất nhiều phương tiện phải di chuyển vào phần công trường, bất chấp khó khăn, nguy hiểm.
Hầu hết những lô cốt đang tồn tại đều nằm sát các giao lộ nên thường xuyên gây ùn tắc. Việc di chuyển ngang qua những lô cốt này thật sự là một thách thức. Phần đường còn lại xung quanh các lô cốt nhỏ, phương tiện lớn nhỏ phải chen chúc, lấn từng mét đường để đi; Va quẹt, cự cãi xảy ra như cơm bữa.
“Từ khi triển khai dự án thoát nước này, hơn một năm nay chỉ thấy tuyến đường trở nên nguy hiểm, nhếch nhác hơn. Ngập nước thì vẫn vậy”, anh Minh kinh doanh đồng hồ gần vòng xoay chợ Thủ Đức, than thở.
Các phương tiện chen chúc nhau vượt qua lô cốt trước siêu thị điện máy Nguyễn Kim |
Trước đó, ngày 24/7, hàng rào chắn bằng tôn của công trình này đã đổ sập khiến hai người dân lưu thông trên đường Võ Văn Ngân bị thương.
Cách công trình thoát nước đường Võ Văn Ngân khoảng 500m, công trình chống ngập ven đường ray trên đường Phạm Văn Đồng cũng khiến người dân ngao ngán. Tại giao lộ Tô Ngọc Vân - Phạm Văn Đồng, tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra.
Đào đường, đặt cống nhưng “quên” rạch thoát nước
Do địa thế tự nhiên nên khu vực chợ Thủ Đức như lòng chảo chứa nước từ nhiều hướng đổ về. Theo thiết kế đô thị từ khi mới hình thành khu chợ Thủ Đức, toàn bộ lưu lượng nước bề mặt sẽ được thoát xuống rạch Cầu Ngang, nằm cách chợ khoảng 500m.
“Độ chênh về địa thế khu vực rất lớn, có nơi lên đến 28m. Do vậy khi trời mưa, lượng nước bề mặt rất lớn và tạo dòng chảy xiết. Việc thực hiện dự án này nhằm hạn chế tình trạng ngập và điều tiết lượng nước thoát đối với tuyến đường Võ Văn Ngân và khu vực chợ Thủ Đức”, ông Trần Nhân, đại diện Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng Công trình TP Thủ Đức, cho biết.
Mục tiêu là vậy nhưng thực tế thì lại khác. “Đường Lê Văn Ninh từ lâu nay rất ít khi bị ngập, mưa lớn lắm thì nước mới từ Kha Vạn Cân tràn qua. Từ khi thi công dự án thoát nước, tuyến đường này thường xuyên bị ngập. Chưa kể, nước từ dưới cống trào ngược lên nên mỗi khi mưa, nồng nặc mùi sình cống, hôi không chịu được”, một người dân kinh doanh mặt hàng điện trên đường Lê Văn Ninh, cho biết.
Cũng theo người này, khi thi công, hệ thống cống hiện hữu bị lún, thậm chí bị tắc nghẽn nên cứ mưa là nước trào ngược dẫn đến tình cảnh trên.
Từ khi thi công dự án thoát nước đường Võ Văn Ngân, đường Lê Văn Ninh không chỉ ngập mà còn ô nhiễm |
Đây không phải lần đầu khu vực này được đầu tư dự án thoát nước. Từ năm 2016, khi còn là quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh đã lập dự án cải tạo nạo vét rạch Cầu Ngang nhằm khơi thông dòng chảy thoát nước cho khu vực này. UBND quận Thủ Đức lúc bấy giờ được giao làm chủ đầu tư. Dự án được lập với kinh phí xây lắp hơn 30 tỷ đồng. Suốt từ đó đến nay, không hiểu sao dự án này vẫn chưa được nghiệm thu.
Đến tháng 5/2021, sau khi lên TP Thủ Đức, khu vực này lại tiếp tục nhận thêm dự án thoát nước đường Võ Văn Ngân và dự án thoát nước ven đường ray xe lửa trên đường Phạm Văn Đồng. Cả 2 dự án triển khai thi công kéo dài chưa biết thời điểm nào hoàn thành. Số vốn xây lắp cho 2 dự án này vào khoảng 150 tỷ đồng. Ngoài ra, khu vực này còn một dự án thoát nước riêng cho chợ Thủ Đức đã được thông qua chủ trương từ năm 2018 nhưng chưa triển khai.
Ông Trần Nhân, đại diện Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng Công trình TP Thủ Đức cho biết, dự án cải tạo rạch Cầu Ngang chưa được nghiệm thu là do trong quá trình thi công có sự điều chỉnh. Theo đó, dự án có thêm hạng mục đấu nối thoát nước từ cống N5 trên đường Phạm Văn Đồng về rạch Cầu Ngang dài khoảng 43m. Do tăng thêm hạng mục này nên công trình trở thành công trình cấp 1. Do vậy, việc nghiệm thu phải do Cục Quản lý Chất lượng công trình - Bộ Xây dựng, thực hiện nên việc nghiệm thu đang chờ.
“Hiện con rạch này còn hơn 2,2km phía hạ lưu chưa được cải tạo nên việc thoát nước không thông suốt. Giờ phải chờ lập dự án riêng cho đoạn này”, ông Nhân nói.
Lý giải về việc dự án thoát nước đường Võ Văn Ngân hiện chưa đẩy nhanh được tiến độ, ông Nhân cho biết, do đang vướng mặt bằng căn nhà ngay tại vị trí xây dựng miệng cống xả nên ảnh hưởng đến tiến độ thi công.
“Trong lúc chờ đợi mặt bằng, chúng tôi tiến hành xây dựng những hạng mục khác. Việc tái lập mặt bằng hiện nay chỉ làm tạm. Sau khi thi công hoàn tất các hạng mục chúng tôi sẽ tái lập trả lại mặt đường như trước đây”, ông Nhân khẳng định.
Cơn mưa không lớn nhưng nước từ dưới cống trào ngược lên mặt đường gây ngập và ô nhiễm. Phía xa là lô cốt án ngữ khu vực giao lộ Võ Văn Ngân - Đặng Văn Bi |
Tính đến thời điểm này, đã có 3 trong số 4 dự án thoát nước, cải tạo hạ tầng thoát nước tại khu vực chợ Thủ Đức được triển khai. Số tiền đầu tư lên đến hàng trăm tỷ đồng nhưng kết quả hiện đi ngược lại với kỳ vọng của người dân. Chưa kể, toàn bộ lượng nước thoát bề mặt hiện nay tại khu vực chợ Thủ Đức và các vùng kế cận đều trông chờ vào rạch Cầu Ngang nhưng thực tế dòng chảy tại con rạch này đang bị nghẽn lại do hơn 2,2km chưa được lập dự án cải tạo.
Trước những vấn đề hiện hữu trên, dư luận không khỏi thắc mắc, công tác triển khai các dự án đang có nhiều bất cập, thiếu đồng bộ và kém hiệu quả? Hiệu quả của các dự án đến đâu khi con rạch chính để thoát nước chưa thông, không có đường thoát nước thì việc đổ hàng trăm tỷ đồng vào việc đào đường, đặt cống liệu có đạt được mục tiêu, kết quả trong việc chống ngập tại khu vực?