TP Thủ Đức “loạn” nhà không phép, sai phép
Long An: Công ty Nhà Phố Thông Minh ngang nhiên xây dựng hàng trăm căn chung cư khi chưa có giấy phép Dự án chung cư Tân Đức Long An: Quảng cáo chung cư trăm triệu, giấy phép nhà trọ một tầng |
LTS: Có thể nói, tại nhiều khu phố, con đường, con hẻm trên địa bàn TP Thủ Đức, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những căn nhà dựng bằng tole - loại công trình không nằm trong quy trình cấp giấy phép xây dựng. Nhà cũ có, mới có, cải tạo có, rải rác có, tập trung có, nằm sâu hun hút trong những khu dân cư có, mặt tiền phố chính cũng có... Vào trang web thông tin quy hoạch xây dựng TP Thủ Đức để tìm hiểu thực hư chuyện xây dựng tại các công trình này cho thấy, vị trí công trình xây dựng không thể hiện được cấp phép xây dựng hoặc được cấp phép nhưng xây dựng sai phép.
Có một thực tế, việc xử lý một số công trình vi phạm thực sự là "không dễ". Nói theo một cựu cán bộ từng chuyên trách lĩnh vực cấp phép xây dựng thì "dân cũng khó mà chính quyền cũng đau đầu". Bởi có trường hợp nếu nằm trong quy hoạch thì không thể xây nhà (thậm chí nhiều quy hoạch treo khiến dân cũng "treo" theo đó); Có trường hợp được phép xây thì không đủ tiền làm theo tiêu chuẩn, thế nên tìm mọi cách "lách" để làm; Có trường hợp vi phạm tồn tại trước đây nhưng qua các nhiệm kỳ không xử lý nên mặc định tồn tại...
Cứ thế, công trình không phép, sai phép cứ đan xen, chồng chéo nhau khiến việc xử lý rất nan giải. Thế nên, nhiều lúc cán bộ cứ vin vào các lý do đó để "du di" cho qua.
Bài 1: Phía sau những mái nhà tole
Nghe người dân “kháo” nhau về nhà xây dựng không phép, sai phép tại TP Thủ Đức rất nhiều nhưng chỉ đến khi đi tìm hiểu thì thật sự mới "choáng" trước thực tế.
Thực trạng dai dẳng
Tại phường Hiệp Bình Chánh, cuối đường số 6, bên hông chợ Bình Triệu có khu đất khá rộng. Trên khu đất đang tồn tại công trình nhà tole. Cách căn nhà tole vài chục mét là một khu xóm nhỏ với khoảng chục căn nhà, được xây tường có, vừa tole vừa tường có.
Biết chúng tôi có ý định mua đất giá rẻ để cất nhà ở cho tiện đi làm, một người dân địa phương cho biết, đó là đất nông nghiệp. “Nhà trong khu đó toàn cất “lụi”, muốn mua đất cất nhà tole cho rẻ thì cứ mua, có người bao cho làm nhà”, người này nói.
Nghe nói là vậy nhưng không biết thực hư câu chuyện “bao” làm nhà là như thế nào, chỉ biết trên đất nông nghiệp tại Thủ Đức đang thật sự có rất nhiều nhà.
Khu xóm nhỏ nhà tole bên hông chợ Bình Triệu |
“Nhà tole hả? Muốn dựng được mà, cứ có tiền liên hệ… là làm thôi. Nếu khó thì làm sao khu này có nhiều nhà tole vậy. Cứ mua đất đi, rồi thế nào cũng dựng được, yên tâm!…”, một người đàn ông trong quán cà phê trên đường 38, phường Hiệp Bình Chánh trấn an khi biết chúng tôi có nhu cầu tìm đất giá rẻ và có thể dựng được nhà để ở.
Theo hướng dẫn của người đàn ông này, chúng tôi tìm sâu vào bên trong đường số 38. Nhìn thực trạng xây dựng, chúng tôi đã được “khai sáng” vì sao người dân sở tại lại có thể nói đến chuyện xây dựng nhà tole đơn giản và nhẹ nhàng như thế.
Ngay mặt tiền con đường này, nhiều công trình nhà xưởng, nhà kho được dựng bằng tole to “vật vã”, diện tích tính cả ngàn mét vuông mọc hiên ngang. Càng vào sâu bên trong, số lượng nhà tole xuất hiện ngày càng nhiều. Sát bên căn nhà số 111A, đường số 38, tồn tại một căn nhà nửa tường nửa tole mới dựng lên.
Nhà tole cạnh nhà số 111A, đường số 38, khu phố 8, phường Hiệp Bình Chánh mới dựng lên |
Trong khi đó, chỉ riêng những công trình nhà hoàn toàn bằng cột sắt với tole trong tuyến hẻm 107 (nhánh hẻm đường số 38), thuộc khu phố 8, chúng tôi thống kê có đến hơn 30 căn. Con số này chưa tính các công trình che chắn bằng tole khác được dựng lên trong các khu xóm. Tại hẻm số 66, đường số 38 có khoảng 10 căn nhà tole nằm trên rạch. Còn trên mặt tiền đường Tam Bình cũng thuộc phường này có hơn 20 căn nhà làm toàn bằng tole và cột sắt. Thậm chí tại số 30 Tam Bình, công trình cao nhiều tầng được dựng lên bằng khung sắt, vách tole trông rất hoành tráng.
Cũng trên tuyến đường số 38, tiếp giáp với con đường đất ven rạch Gò Dưa, một công trình khác cũng được xây dựng với phần trệt là tường, còn bên trên được dựng bằng vách tole khá mới. Đi theo con đường đất ven rạch, hàng loạt công trình nhà tole cũ có, mới có kéo dài theo suốt tuyến đường.
Tại số nhà 107/6/47 đường 38, mặt dựng hai tầng được xây bằng tường, có cột bê tông, cửa pano 4 cánh hoành tráng nhưng vách nhà là tole. Một phần nhà dưới trệt cũng dựng bằng tole lấn hẳn ra con hẻm. Cũng ngay trong con hẻm này, hàng loạt những ngôi nhà tole được dựng lên san sát nhau.
Nhà 107/6/47 đường 38, phường Hiệp Bình Chánh |
Có lẽ thuộc dạng “đỉnh” tại đây là khu nhà xây dựng ngay trên đất nông nghiệp ở cuối đường thuộc quy hoạch đất cây xanh công viên. Ngay sau tấm bảng thông báo ghi rõ “Khu vực thuộc quy hoạch đất cây xanh công viên… nghiêm cấm mọi hành vi mua bán, sử dụng đất, xây dựng trái quy định pháp luật” là căn nhà tole khá mới.
Không chỉ một căn, tiếp ngay sau căn nhà tole này là vài chục căn nhà xây san sát nhau tạo thành một khu xóm. Phía bên ngoài khu nhà là khu đất còn trống, ai đó đang tập kết xà bần thành từng đống lớn.
Biển thông báo của UBND phường Hiệp Bình Chánh |
Mặc dù có bảng cấm nhưng vẫn có cả khu nhà tole trên đất tại khu vực cuối đường 38, phường Hiệp Bình Chánh |
Tìm đến đường số 35, con rạch thoát nước ven đường giờ nhiều đoạn đã biến mất. Phần còn lại được khoảng 10 hộ dân đổ các tấm đan xây dựng lối vào nhà, hình thành nhiều sân để cây kiểng ngay trên mặt rạch.
Ngay trong những ngày đi thực tế, chúng tôi đã ghi nhận được tại cửa hàng Euro Car, bên trong dự án nhà Phú Nhuận, phường Hiệp Bình Chánh, đang thi công chuyển từ máy bạt kéo sang mái tole cố định. Ngay giữa thanh thiên bạch nhật, ai cũng thấy làm nhưng không thấy cán bộ đến xử lý.
Thi công chuyển từ mái bạt sang mái tole bên trong khu dự án nhà Phú Nhuận thuộc phường Hiệp Bình Chánh |
Vòng qua đường Đinh Thị Thi tiếp giáp Khu đô thị Vạn Phúc, phường Hiệp Bình Phước, chỉ đếm sơ sơ, đoạn đường khoảng 250m có đến 15 công trình nhà tole lớn nhỏ đang được khai thác kinh doanh hàng quán. Công trình lớn thì vài trăm m2, nhỏ thì vài chục m2.
Trong ba tuyến hẻm 36, 72, 90 đường số 4, thuộc khu phố 6, phường Hiệp Bình Phước, có gần 30 căn nhà dựng lên bằng vách tole, còn những dạng nhà tole khác chưa tính. Cá biệt có những công trình nhà gửi xe bằng vật liệu cột sắt, mái tôn, lưới lan bao phủ, như công trình nhà số 52/45 đường số 4 có diện tích vài trăm mét vuông không biết cách nào mà hình thành lên được.
Còn tại nhà số 36/31A/8/4, hẻm 36 đường số 4, thuộc khu phố 6, công trình đã cơi nới tầng trên cùng bằng tole để tăng diện tích sàn sử dụng. Chúng ta rất dễ quan sát để nhìn thấy những công trình không thuộc dạng được cấp phép này nhưng không hiểu sao cán bộ địa chính lại không nhìn ra?
Xóm nhà tole hẻm 90, khu phố 6, phường Hiệp Bình Phước |
Con hẻm kế bên số nhà 90/15/8 đường số 4, tiếp sau hàng loạt căn nhà tole đã được dựng lên là một công trình đang được triển khai xây dựng. “Nhà có xin được phép không anh?”, chúng tôi hỏi. Người thợ đang làm chỉ nhìn, rồi tiếp tục cắm cúi vào công việc.
Trong khi đó, trên đường Hiệp Bình, tại số nhà 18, cũng thuộc khu phố 6, phường Hiệp Bình Phước, có 2 nhà xưởng lớn hàng ngàn m2 được dựng hoàn toàn bằng tole. Theo người dân, 2 công trình này vừa mới hoàn thiện và đưa vào sử dụng.
Hai công trình nhà xưởng ở số 18 đường Hiệp Bình, phường Hiệp Bình Phước |
Nếu nói về nhà tole những nơi chúng tôi đi qua gom chung lại có lẽ số lượng phải tương đương một khu phố. Nhiều khu nhà cho đến nay theo người dân đang cư ngụ thì vẫn chưa được cấp số nhà, như khu dân cư hẻm 52/25/16 đường 4, khu phố 6, phường Hiệp Bình Phước.
Thực tế, trong những công trình mà chúng tôi khảo sát trong nhiều ngày, có rất nhiều nhà và khu nhà tole đã tồn tại dai dẳng nhiều năm nên việc xử lý phải thừa nhận là... khó.
Không đếm xuể
Có thể nói, chưa lúc nào nhà tole lại được dựng nhiều như hiện nay. Làm thử phép đếm với những công trình dựng bằng tole trên tuyến đường Lã Xuân Oai, thuộc phường Long Trường, có khoảng 50 căn nhà tole đang kinh doanh quán ăn, kho, nhà xưởng…
Vòng qua đường Trường Lưu cũng có đến hơn 20 căn dựng bằng tole. Trên tuyến đường Tam Đa, đoạn từ đầu đường đến số nhà 200, tổ 3, khu phố Tam Đa, cũng hơn 20 công trình như vậy.
Nhà xưởng tole trên đường Tam Đa, phường Long Trường |
Nhà tole mới toanh trong một dự án nhà ở trên đường Trường Lưu, phường Long Trường |
Theo tuyến Nguyễn Duy Trinh, từ ngã 3 đường Tam Đa đến ngã 3 Lã Xuân Oai, thuộc 2 phường Long Trường và Trường Thạnh có khoảng gần 30 căn nhà tole. Từ UBND phường Long Trường đến Khu biệt thự 816, thuộc phường Phú Hữu có khoảng 80 căn. Trên địa bàn phường Bình Trưng Đông, đoạn ngã 3 Nguyễn Duy Trinh - Đỗ Xuân Hợp có khoảng 25 căn nhà tole. Nếu đếm hết những công trình có liên quan đến nhà tole có lẽ… không thể.
Dãy nhà xưởng trên đường Trường Lưu, phường Long Trường |
Ngay mặt tiền đường Lương Định Của, cách UBND phường An Phú khoảng 100m, là dãy nhà kết cấu tole với hàng chục công trình đang được dùng làm xưởng, kho kết hợp nhà ở. Trong số đó, có căn đang tiến hành dựng với kết cấu cột sắt mái tole có diện tích hơn trăm mét vuông. Hầu hết những căn nhà tole tại đây vật liệu còn mới, chưa có dấu hiệu gỉ sét. “Tui nhớ không lầm thì những căn nhà này xuất hiện vào thời điểm trong và sau thời gian dịch bệnh...”, một người dân bán nước gần đó bảo vậy.
Một công trình đang xây dựng trên đường Lương Định Của, phường An Phú |
Nhà tole khá mới trên đường Lương Định Của, phường An Phú |
Mặt tiền còn dựng được, huống chi các con đường nhỏ bên trong nhà tole thi nhau mọc là chuyện bình thường. Ngay trên mặt tiền đường Nguyễn Hoàng, phường An Phú, ngoài những tiệm cây kiểng với nhà tạm để ở, còn có căn nhà kiếng bán hoa dựng lên hoành tráng.
Nhà kính bán hoa trên đường Nguyễn Hoàng, phường An Phú |
Có một thực tế, đó là câu chuyện nhiều công trình xây dựng nhà tole được mọc lên nhan nhản khắp nơi và nhiều người biết nhưng lạ thay, chính quyền địa phương không hiểu vì sao không biết hoặc không xử lý?
Người dân có quyền đặt câu hỏi: Chuyện gì đã và đang diễn ra phía sau những mái nhà tole ấy? Phải chăng có những khó khăn riêng?
Theo quy định về điều kiện cấp giấy phép xây dựng đối với công trình, nhà ở riêng lẻ trong đô thị phải phù hợp Điều 91, 92, 93, và 94 Luật Xây dựng năm 2014. Các khu vực đã có quy hoạch công trình công cộng như khu vực cuối đường số 6 (bên hông chợ Bình Triệu), phường Hiệp Bình Chánh, được quy hoạch là quỹ đất nhà ga dự trữ; Khu dân cư cuối đường 38, phường Hiệp Bình Chánh nằm trong quy hoạch đất cây xanh công viên… với các thửa đất nằm trong quy hoạch phân khu 1/2000 như trên thì chỉ được cấp Giấy phép xây dựng (GPXD) có thời hạn và bắt buộc phải thỏa các điều kiện theo Luật Xây dựng năm 2014 (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, mục đích sử dụng là đất ở…). Quy mô, chỉ tiêu xây dựng phải đảm bảo theo quy định hiện hành tối đa không quá 3 tầng. Nếu thửa đất chưa có giấy chứng nhận mục đích sử dụng đất ở, thì không được cấp GPXD. |
(Còn nữa)