Bài 4: Tránh báo chí hay né sự thật?
Bài 3: Những “chiêu thức” cải tạo, sửa chữa công trình |
Bài 2: Muôn kiểu xây dựng công khai |
TP Thủ Đức “loạn” nhà không phép, sai phép |
Tiếp nhận nhưng không phản hồi
Sau những ngày rong ruổi tìm hiểu thực tế về thực trạng xây dựng không phép, sai phép trên địa bàn TP Thủ Đức, chúng tôi đã đến liên hệ, trao đổi thông tin nhằm rộng đường dư luận với UBND các phường. Từ đó, chúng tôi hiểu rõ hơn về pháp lý và mô hình dựng nhà tole đang nở rộ khắp nơi nhưng tiếc là không thể trao đổi trực tiếp với lãnh đạo các phường.
Trưa 18/4/2023, tìm đến quầy "Một cửa" của UBND phường Bình Trưng Tây, sau khi trình giấy giới thiệu do cơ quan cấp, chúng tôi được hẹn lịch làm việc với lãnh đạo phường vào lúc 15 giờ cùng ngày.
Công trình nhà tole tại số 33, đường 39, thuộc phường Bình Trưng Tây |
Đúng lịch hẹn, tiếp chúng tôi là ông Vũ Trung Hiếu, Chủ tịch UBND phường. Sau câu hỏi đầu tiên về thực trạng nhà xây trên lộ giới, ông Hiếu cho biết, tuyến đường đang chờ giải tỏa nên linh động, tạo điều kiện giải quyết cho người dân kinh doanh, buôn bán.
Khi chúng tôi hỏi về thực trạng nhà tole có thuộc diện được cấp phép xây dựng, ông Hiếu yêu cầu cho biết địa chỉ cụ thể. Tuy nhiên, khi được cung cấp địa chỉ số 222 đường Nguyễn Duy Trinh thì ông Hiếu đứng dậy bỏ ra ngoài và yêu cầu viết nội dung gửi lại rồi phường sẽ trả lời. Ngạc nhiên trước thái độ của ông Hiếu, phóng viên định trao đổi thêm nhưng vị Chủ tịch UBND phường dứt khoát từ chối.
Lẩu cua đồng Đất Cảng, tại số 222 Nguyễn Duy Trinh, phường Bình Trưng Tây |
Trong khi đó, tại UBND phường Hiệp Bình Phước, sau khi cầm giấy giới thiệu của chúng tôi đến gặp lãnh đạo phường, bộ phận tiếp công dân cho biết lãnh đạo yêu cầu gửi lại nội dung làm việc.
Tìm đến quầy một cửa của UBND phường An Phú, sau khi điền vào mẫu Phiếu yêu cầu tiếp công dân, trình giấy giới thiệu, chúng tôi được một cán bộ cho biết lãnh đạo phường chỉ tiếp dân vào sáng thứ tư hàng tuần, có gì đầu tuần sẽ liên lạc lại. Tuy nhiên, đến nay, chúng tôi vẫn chưa nhận được cuộc hẹn làm việc như đã hứa.
Công trình nhà tole đang xây trên đường Lương Định Của, phường An Phú |
Một công trình bằng tole quy mô khác tại số 36 đường Lương Định Của, gần UBND phường An Phú |
Có thể nói, chỉ một lần duy nhất được hẹn làm việc như đại diện một cơ quan với một cơ quan là vào chiều ngày 28/4/2023 với lãnh đạo UBND phường Bình Trưng Đông. Buổi làm việc thẳng thắn, rõ ràng về các nội dung. Phó Chủ tịch UBND phường này đã ghi nhận và hẹn sẽ trả lời bằng văn bản.
Tuy nhiên, sau hơn hai tuần gửi nội dung làm việc theo đường “tiếp công dân” đúng như UBND các phường yêu cầu, chúng tôi vẫn không nhận được hồi đáp như: An Phú, Bình Trưng Tây, Bình Trưng Đông, Phú Hữu, Long Trường, Trường Thạnh, Linh Chiểu, Hiệp Bình Phước, Hiệp Bình Chánh, Bình Chiểu, Linh Tây…
Nhiều công trình nhà tole "khủng" trên đường Nguyễn Duy Trinh, phường Phú Hữu |
Gian nan liên hệ chính quyền
Trong quá trình đi thực tế và liên hệ với chính quyền địa phương, chúng tôi thật sự ngỡ ngàng khi cơ quan báo chí đến liên hệ công tác bị buộc phải thực hiện đủ theo quy định “tiếp công dân”.
Đến liên hệ công tác, mang theo đầy đủ giấy giới thiệu của cơ quan về nội dung làm việc, cung cấp giấy chứng nhận phóng viên đang công tác tại cơ quan theo quy định nhưng phóng viên phải đến quầy "Một cửa", đăng ký vào “Phiếu yêu cầu tiếp công dân”, nhiều nơi còn có mẫu phiếu đề nghị gặp lãnh đạo phường…
Thậm chí, sau khi gửi nội dung thông tin tại quầy Tiếp công dân, vài ngày sau, phóng viên nhận được điện thoại của cán bộ Tư pháp phường Long Trường, với nội dung là hôm phóng viên đến gửi nội dung làm việc, giấy tờ còn thiếu bản photo Căn cước công dân nên mời phóng viên lên làm việc lại…
Dãy nhà xưởng bằng tole trên đường Trường Lưu, phường Long Trường |
Mặc dù trong nội dung gửi lại UBND phường, chúng tôi đều có ghi rõ số điện thoại và địa chỉ email để thuận lợi trao đổi với các cơ quan nhưng đến nay vẫn không nhận được phản hồi nào của UBND các phường đã để lại nội dung trao đổi thông tin.
Luật Báo chí xác định rõ, nhà báo (có Thẻ nhà báo), phóng viên (có giấy giới thiệu của cơ quan chủ quản) đến liên hệ tác nghiệp tại các cơ quan, đơn vị theo nội dung ghi trên giấy giới thiệu là đến liên hệ công tác đúng quy định pháp luật.
Việc yêu cầu đại diện một cơ quan đến liên hệ công tác theo đường tiếp công dân, đăng ký phiếu gặp lãnh đạo… phải chăng UBND phường đang cố tình “biến” cơ quan báo chí thành một “công dân mới”, không còn là cơ quan truyền thông của Đảng và Nhà nước… như pháp luật đã quy định?
Đến liên hệ làm việc nhưng không được tiếp; Yêu cầu để lại nội dung nhưng không trả lời theo “lời hứa” và quy định; Cung cấp giấy giới thiệu, để lại thông tin xác minh kèm theo địa chỉ email để tiện công tác thì lại mời lên làm việc lại vì thiếu Căn cước công dân... Phải chăng vì cơ quan “báo chí” không còn là cơ quan mà chỉ là “công dân” nên bị “hành” theo kiểu muốn thì tiếp, không thì mặc kệ?
Với những gì đã và đang diễn ra thực trạng "loạn" nhà không phép tại TP Thủ Đức, dư luận đặt câu hỏi: Các cơ quan chức năng địa phương này đang tránh báo chí hay né sự thật?
Chỉ thị số 23-CT/TU ngày 25/7/2019 của Thành ủy TP Hồ Chí Minh về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố, trong đó xác định rõ: Nếu không lập lại trật tự xây dựng trên địa bàn các quận, huyện, thì chẳng những không thể thực hiện được chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị giai đoạn 2016 - 2020 mà cũng không có cơ sở để xây dựng và thực hiện chương trình này trong giai đoạn 2020 - 2025. Nguyên nhân khách quan của tình hình trên chủ yếu là nhu cầu nhà ở của người dân nhập cư. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp ở nhiều nơi trong việc tuân thủ các quy định của pháp luật về đất đai, quy hoạch, xây dựng chưa quyết liệt, có nơi còn buông lỏng, xảy ra tiêu cực. Công tác kiểm tra, giám sát của các cấp ủy đảng ở nhiều nơi chưa đúng mức, chưa nhận trách nhiệm trước Nhân dân về tình trạng vi phạm pháp luật trong xây dựng và tiêu cực ở địa phương. Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về tăng cường công tác quản lý trật tự đô thị trên địa bàn thành phố; Các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền các cấp đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo lập lại trật tự xây dựng, nhưng tại một số quận, huyện, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng vẫn diễn ra phổ biến và có xu hướng phức tạp hơn. Đối với các đối tượng vừa qua đã xây dựng và môi giới bán các công trình xây dựng không phép, sai phép với quy mô lớn, gây hậu quả nghiêm trọng cho người mua và trật tự đô thị, móc ngoặc với một số công chức thoái hóa để xây dựng và mua bán trái pháp luật, cần giao cơ quan có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra, điều tra làm rõ và kết luận sai phạm, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. |
(Còn nữa)