Triển lãm Gốm đương đại: Những lối đi của sáng tạo
Chiều 5/5, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội) hai nghệ sĩ sĩ Thái Nhật Minh và Nguyễn Nguyên Hà sẽ khai mạc triển lãm “Gốm đương đại”.
Thái Nhật Minh (SN 1984), Nguyễn Nguyên Hà (SN 1966), 2 thế hệ, 2 cá tính sáng tạo độc đáo, họ gặp nhau từ hơn 10 năm trước. Tại triển lãm chung lần này là một điểm hẹn, khi cả hai đều chọn chất liệu Gốm để thể hiện tác phẩm. Một chất liệu quen thuộc nhưng với cả 2 tác giả đây là lần đầu tiên các anh làm việc có hệ thống và tỏ ra gắn bó với nó.
Nhưng tại điểm gặp này, mỗi người lại đi về một phía hoàn toàn khác hẳn nhau, mải miết trong hành trình của riêng mình.
Tác phẩm "Sâu 1" của Nguyễn Nguyên Hà
Nguyễn Nguyên Hà có bề dày hơn 20 năm hoạt động nghệ thuật, anh sáng tác không nhiều nhưng các sáng tác của anh đều thể hiện sự kỹ càng, chắt lọc và vô cùng tinh tế. Cuộc sống thông qua tác phẩm của anh trở nên bất ngờ và phong phú hơn bao giờ hết. Triển lãm cá nhân “Im lặng” 2013 của anh thể hiện rất rõ điều đó.
Anh làm nhiều chất liệu khác nhau từ Gỗ, Đá, Đồng, Composit phủ sơn…nhưng tại triển lãm lần này cũng là lần đầu tiên anh làm việc với chất liệu Gốm.
10 tác phẩm với chủ để đa dạng, từ sâu bọ, ốc Sên đến chân dung, thực hiện trong một thời gian dài, 3 năm. Xuất phát từ cách chọn lọc chủ đề, hình tượng đều cố gắng phù hợp với chất liệu đất nung. Đến cuối cùng coi đất nung là một chất liệu như những chất liệu khác.
Nguyễn Nguyên Hà rất ít khi nói về tác phẩm của mình. Làm việc cần mẫn, tỉ mỉ nhưng chỉ coi đó là cuộc rong chơi đi tìm những điều thú vị của riêng mình.
Tác phẩm "Máng thu" của Thái Nhật Minh
Trong khi đó, sau thành công với những triển lãm cá nhân gây được tiếng vang như: “Những con chim” (2013), “Mùa sinh sản” (2014), “Chinh Phu – Chinh Phụ” (2016). Thái Nhật Minh chuyển sang đề tài, chất liệu, cách thức làm việc hoàn toàn mới: Thay vì Nhôm đúc, Gỗ, Đá, Giấy... quên thuộc, anh lần đầu trải nghiệm với Gốm, thay vì làm việc độc lập ở xưởng anh tìm đến làng nghề để lưu trú ,vừa học hỏi,vừa cộng tác với nghệ nhân để làm tác phẩm.
Trong triển lãm này, Thái Nhật Minh bày loạt tác phẩm mang tên “Tìm trong ký ức” lấy cảm hứng từ những sản phẩm cổ xưa của làng Gốm Hương Canh (Vĩnh Phúc), dòng Gốm Sành không men, dân dã của vùng trung du, miền núi phía Bắc.
Tác phẩm "Cóc tít" của Thái Nhật Minh
Anh tin rằng với những tên gọi đầy bí ẩn như: Chĩnh giắt, Thóng Bằng, Thóng lá, Bìm, Cóc Tít, Chậu Đậu, Bát Hùa… cũng như những hình thể rất đặc trưng của nó, sẽ gợi nên ký ức về cuộc sống của bao thế hệ trước đây gắn liền với Chum tương, Vại Cà, Lọ mắm…cùng các vật dụng sinh hoạt thiết yếu khác từ dòng Gốm này.
Ai cũng biết công dụng chính của mỗi đồ Gốm là chứa đựng, nhưng với Thái Nhật Minh, đó không chỉ là đồ ăn, thức uống mà còn là cuộc sống, ước mơ… và cả những giá trị truyền thống hàm chứa trong đó.
Gốm Hương Canh qua sáng tạo của Thái Nhật Minh
Nếu hình thể của mỗi đồ Gốm là những vẻ đẹp đã được định hình, hoàn thiện, nó cố định, là truyền thống, và giới hạn thì những con chim vận động bên trong mỗi hình thể mà Thái Nhật Minh tạo ra, mang theo ước mơ vượt khỏi khuân khổ mang tính giới hạn của truyền thống nhưng không phá vỡ hay biến đổi, mà lấy đó làm điểm tựa, làm nền tảng cho ước mơ lớn lên.
Trong triển lãm này anh cũng đặt ra những ranh giới giữa sự Hữu hạn và vô hạn, Truyền thống và hiện đại, Cái cũ và Cái mới, Nghệ nhân và nghệ sĩ, Sản phẩm và tác phẩm, cái nhìn thấy và cái phải tưởng tượng, Ký ức và hiện tại… và có lẽ hành trình “Tìm trong ký ức” mới chỉ bắt đầu.