Trường ĐH Tây Bắc nuôi trồng thử nghiệm Đông trùng hạ thảo
Nếu như trước đây đa số dược liệu Đông trùng hạ thảo được sử dụng tại Việt Nam đều phải nhập khẩu từ các nước Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan… hoặc nhập giống về trồng tại Việt Nam, thì giờ đây các nhà khoa học nước ta đã nghiên cứu nuôi cấy và trồng thử nghiệm thành công Đông trùng hạ thảo Cordyceps militaris mở hướng phát triển kinh tế tại nhiều địa phương.
Theo TS Phạm Văn Nhã, Chủ nhiệm Đề tài “Nghiên cứu nuôi trồng thử nghiệm Đông trùng hạ thảo C. militaris tại 3 tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu” chia sẻ: Một vài năm trở lại đây, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan đã tập trung nghiên cứu nuôi trồng tạo thể quả nấm C. militaris trên côn trùng và trên cơ chất là gạo. Việt Nam là một nước nông nghiệp, nghề trồng dâu nuôi tằm đã có từ rất lâu đời, kén là sản phẩm chủ yếu của nghề nuôi tằm, nhộng và tằm được sử dụng làm thức ăn cho người hoặc được bào chế thành vị thuốc chữa một số bệnh trong Đông y. Tuy nhiên, nguồn thu nhập từ nghề này không cao, người dân chủ yếu bán kén và nhộng tằm. Hiện nay, chỉ còn một vài địa phương ở nước ta còn duy trì trồng dâu nuôi tằm trong đó có 3 tỉnh Điện Biên, Lai Châu và Sơn La.
Để nâng cao hiệu quả kinh tế, đồng thời tạo ra sản phẩm Đông trùng hạ thảo gần với tự nhiên nhất, chất lượng cao, giá thành hạ, Trường ĐH Tây Bắc đã tiến hành nghiên cứu và xây dựng “Quy trình nuôi trồng tạo thể quả Đông trùng hạ thảo Cordyceps militaris ở quy mô phòng thí nghiệm” trên giá thể tự nhiên (tằm/nhộng tằm dâu) và giá thể nhân tạo (gạo lứt và nhộng tằm dâu) ở quy mô phòng thí nghiệm, là cơ sở triển khai nuôi trồng Đông trùng hạ thảo ở quy mô pilot và hộ gia đình. Quy trình được nghiên cứu tại phòng thí nghiệm Thực vật – Di truyền, khoa Sinh – Hóa, Trường ĐH Tây Bắc theo tiêu chuẩn GACP - WHO.
Đề tài này đã được xây dựng mô hình thử nghiệm tại các xã: Mường É, Co Mạ (Sơn La); xã Tỏa Tình (Điện Biên) và xã Sơn Bình (Lai Châu). Sau 2 năm triển khai (2015-2016), nhóm nghiên cứu đã sản xuất thành công Đông trùng hạ thảo tại phòng thí nghiệm, quy mô pilot và hộ gia đình. Việc nuôi trồng thành công Đông trùng hạ thảo sẽ giúp Việt Nam chủ động được nguồn dược liệu cho ngành y.
Theo đó, quy trình nuôi trồng của đông trùng hạ thảo phải trải qua các giai đoạn: Nhân giống Cordyceps militaris NBRC 100741; Cấy giống Cordyceps militaris NBRC 100741 vào giá thể; Tạo hệ sợi; Tạo thể quả; Vận chuyển các bình mẫu đến các nhà nuôi tại địa phương (pilot); Duy trì sự sinh trưởng của thể quả và thu hoạch và bảo quản. Tất cả giai đoạn phải được áp dụng đúng quy trình trồng cấy một cách nghiêm ngặt mới thu được sản phẩm có giá trị dược tính.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, do kỹ thuật nuôi trồng Đông trùng hạ thảo khá phức tạp do đó người nuôi trồng phải được đào tạo một cách đầy đủ và chi tiết. Vì vậy, người nuôi trồng phải có khả năng tiếp thu nhất định để nắm bắt được những quy trình, kỹ thuật trong nuôi trồng Đồng trùng hạ thảo.
Thông qua các chương trình Khuyến nông và các dự án phát triển nông nghiệp trên địa bàn xã. Người dân xã Sơn Bình (Lai Châu), Mường É (Sơn La) được đánh giá có khả năng tiếp nhận và áp dụng các quy trình mới một cách khá tốt. Đây là điều kiện thuận lợi để nhân rộng mô hình nuôi trồng Đông trùng hạ thảo tại địa phương.
Có thể thấy, do được sản xuất trong nước nên có giá thành thấp và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đây là một lợi thế cạnh tranh so với các sản phẩm cùng loại nhập khẩu từ nước ngoài. Đông trùng hạ thảo sản xuất trong nước có giá thành phù hợp với rất nhiều nhóm đối tượng tiêu dùng khác nhau, từ thu nhập thấp đến thu nhập cao đều có thể tiếp cận và được sử dụng sản phẩm này. Dựa vào lợi thế này, các nhà sản xuất trong nước dự báo sẽ chiếm lĩnh được thị trường nếu nắm bắt và tổ chức tốt các kênh phân phối sản phẩm.
Hơn thế nữa, phần lớn các sản phẩm được nhập khẩu dưới dạng đã sơ chế, chế biến trong khi sản phẩm sản xuất trong nước có thể tiêu thụ dưới dạng tươi sống và các dạng sơ chế, chế biến tương tự sẽ giúp cho người tiêu dùng có thêm nhiều lựa chọn và cách sử dụng phù hợp.
Việc mở rộng thị trường, phát triển sản xuất cần có sự liên kết giữa nhóm nghiên cứu, người dân và các sở, ngành chức năng của các tỉnh trong chuyển giao quy trình trồng Đông trùng hạ thảo vào thực tiễn sản xuất sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho vùng Tây Bắc nói chung và tỉnh Sơn La nói riêng.
Đề tài “Nghiên cứu nuôi trồng thử nghiệm Đông trùng hạ thảo C. militaris tại 3 tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu” nằm trong Chương trình KH&CN cấp nhà nước "Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc" (Chương trình Tây Bắc) do ĐHQGHN chủ trì. Đây là chương trình khoa học vào công nghệ có tính liên ngành, liên lĩnh vực, tính hướng đích và ứng dụng cao, nhằm cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc giải quyết những vấn đề cơ bản và nóng nhất đang đặt ra trong thực tiễn; giúp giải phóng các tiềm năng, tháo gỡ khó khăn, phát huy cao độ các nguồn lực, tạo nên xung lực mạnh mẽ trong quá trình phát triển bền vững của vùng Tây Bắc./.