Trường học Hà Nội khẩn trương ứng phó siêu bão Yagi
Học sinh Hà Nội nghỉ học để tránh siêu bão Yagi Chủ động ứng phó với "siêu bão" số 3 ở mức cao nhất |
Học sinh nghỉ học ngày 7/9
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trưa nay (6/9), siêu bão Yagi hay còn gọi là bão số 3 vẫn duy trì cường độ mạnh cấp 16, giật trên cấp 17, trên vùng biển phía đông bắc đảo Hải Nam (Trung Quốc).
Thầy Lê Việt Dương - Hiệu trưởng trường THPT Trương Định liên tục cập nhật thông tin về siêu bão (Ảnh: Thanh Tùng) |
Vào đất liền, bão Yagi có thể gây mưa rất to, giông lốc và gió giật mạnh. Sáng 6/9, trước nguy cơ chịu ảnh hưởng lớn của "siêu bão", Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã họp chỉ đạo triển khai các biện pháp cấp bách bảo đảm an toàn về người và tài sản trên địa bàn thành phố.
Chủ trì cuộc họp có đồng chí Nguyễn Thị Tuyến - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội; đồng chí Trần Sỹ Thanh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP, Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội.
Tại cuộc họp, Sở GD&ĐT Hà Nội đưa ra yêu cầu các trường không tổ chức học kể cả học thêm vào thứ Bảy ngày 7/9.
Các học sinh di chuyển cây cảnh xuống vị trí an toàn (Ảnh: Thanh Tùng) |
Trước đó, Sở GD&ĐT Hà Nội phát đi văn bản hỏa tốc, yêu cầu trường học trên địa bàn thành phố theo dõi sát sao các bản tin dự báo về siêu bão Yagi; chủ động có biện pháp ứng phó nhằm đảm bảo an toàn cho giáo viên, học sinh, nhân viên nhà trường.
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương ký văn bản gửi Phòng GD&ĐT các quận, huyện, thị xã, các trường học, yêu cầu các đơn vị chủ động rà soát, sẵn sàng các kế hoạch triển khai phương án ứng phó với thiên tai theo phương châm "4 tại chỗ" phù hợp với điều kiện nhà trường; theo dõi chặt chẽ các tin cảnh báo, dự báo và diễn biến thời tiết, thiên tai để chủ động phòng, tránh, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố.
Cây xanh được chằng buộc cẩn thận, không để trên cao tránh chịu thiệt hại do mưa bão (Ảnh: Thanh Tùng) |
Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các trường học phải rà soát hệ thống cây xanh trong khuôn viên nhà trường nếu phát hiện những cây lâu năm có nguy cơ gãy, đổ, phải báo cáo để xử lý kịp thời, trường hợp chưa thực hiện ngay được, phải có cảnh báo nguy hiểm và liên hệ ngay với cơ quan chuyên môn để được xử lý trong thời gian sớm nhất; có phương án và kịp thời di dời tài sản, máy móc, thiết bị, bàn ghế, hồ sơ, sách vở đến nơi an toàn, đảm bảo không hư hại, hỏng hóc, mất mát, hạn chế tối đa thiệt hại do bão gây ra.
Thực hiện phương châm “4 tại chỗ”
Ngay sau công văn hỏa tốc của Sở GD&ĐT Hà Nội được ban hành, Phòng GD&ĐT các quận, huyện, các nhà trường đã khẩn trương lên phương án ứng phó.
Cô Nguyễn Thị Thu Hà - Phó Hiệu trưởng nhà trường thông tin tới giáo viên, học sinh về công văn của Sở GD&ĐT phòng, chống bão (Ảnh: Thanh Tùng) |
Ghi nhận của phóng viên tại trường THPT Trương Định, đầu giờ chiều 6/9, ngay trước thời điểm mưa lớn xảy ra, nhà trường đã kịp thời di chuyển các chậu cây cảnh vào vị trí an toàn, chằng buộc cẩn thận. Bộ phận phụ trách cơ sở vật chất, bảo vệ, lao công có phương án bảo vệ tài sản trong trường học, đóng cửa các phòng học, lớp học, không để xảy ra tai nạn do chủ quan.
Đối với học sinh, thầy Lê Việt Dương - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Ban Giám hiệu yêu cầu các giáo viên chủ nhiệm thông tin đến toàn thể cha mẹ học sinh và học sinh nghỉ tất cả các hoạt động học tập.
Nhà trường yêu cầu các giáo viên chủ nhiệm báo cáo lại việc thông tin đã được truyền tải đầy đủ, không có cha mẹ học sinh hay học sinh nào không biết. Ngày mai có học sinh nào đi đến trường hay đi học bất kể nội dung gì để xảy ra tai nạn do chủ quan, giáo viên chủ nhiệm chịu trách nhiệm trước hiệu trưởng”.
Giáo viên dặn dò học sinh kỹ năng ứng phó khi bão về (Ảnh: Thanh Tùng) |
Theo kế hoạch, chiều nay (6/9), trường THPT Trương Định sẽ tổ chức họp phụ huynh đầu năm. Tuy nhiên, trước diễn biến bất thường của thời tiết, nhà trường đã hoãn cuộc họp. Các tiết học giáo dục thể chất ngoài trời cũng được dừng lại. Học sinh được nghỉ học sớm hơn 1 tiết để kịp về nhà, đảm bảo an toàn trước khi bão về.
Không chỉ chủ động có phương án ứng phó với siêu bão trong nhà trường, thầy Dương cũng đề nghị cán bộ, giáo viên, nhân viên phát huy tinh thần trách nhiệm, thực hiện phòng chống bão mưa tại nơi cứ trú, phối hợp với chính quyền địa phương nơi cư trú khi có yêu cầu và tuyên truyền phòng chống mưa bão.
Đồng thời, nhà trường đã phân công lịch thường trực chống bão lụt 24/24 giờ trong ngày; có phương án thực hiện phương châm “4 tại chỗ” để kịp thời ứng phó trong trường hợp xảy ra sự cố phát sinh.
Học sinh trường THPT Trương Định tan học sớm để đảm bảo an toàn (Ảnh: Thanh Tùng) |
Tại nhiều trường học khác trên địa bàn thành phố, trong ngày 6/9, các giáo viên đã thông tin về bão số 3 tới học sinh và hướng dẫn học sinh kỹ năng ứng phó trong và sau bão; thông tin tới phụ huynh cùng phối hợp bảo đảm an toàn trong ngày mưa bão. Trước đó, nhiều trường đã chủ động thực hiện cắt tỉa cây xanh trong trường từ dịp hè.
Nhiều trường cũng di chuyển tài sản, máy móc, thiết bị, bàn ghế, hồ sơ, sách vở đến nơi an toàn. Các trường mầm non di chuyển, chằng buộc những đồ dùng, đồ chơi ngoài trời bảo đảm an toàn.
Từ chiều 6/9, nhiều nhà trường đã tạm dừng các hoạt động giáo dục ngoài trời để đảm bảo an toàn cho học sinh.
Cuối giờ chiều 6/9, các trường đều đã bố trí lực lượng chằng buộc hệ thống cửa chắc chắn, tắt toàn bộ hệ thống điện, mạng internet… Nhiều nhà trường đã thông báo cho phụ huynh đến đón học sinh sớm để đảm bảo an toàn.