Trường học “nói không với rác thải nhựa”
Học sinh Hà Nội lan toả phong trào Chống rác thải nhựa |
Từ phong trào giúp học sinh, giáo viên, nhân viên của trường hình thành thói quen không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và từ đó, trở thành những tuyên truyền viên cho mọi người xung quanh.
Nhiều trường tại thành phố Hà Nội cũng như các tỉnh thành trong cả nước đã và đang đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh và xây dựng mô hình hay để thực hiện phong trào Chống rác thải nhựa.
Chị Nguyễn Thị Đương - Giáo viên, Tổng phụ trách Đội trường THCS Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết: “Thông qua tiết học ngoại khóa, sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp, Liên đội trường THCS Dịch Vọng đã triển khai lồng ghép nội dung về tác hại của chất thải nhựa đối với môi trường. Học sinh nhà trường còn tham gia nhiều chương trình, xây dựng mô hình chống rác thải nhựa cùng với học sinh Thủ đô; Qua đó giáo dục cho các bạn nhỏ ý thức tự giác và hành động thiết thực, nói không với rác thải nhựa, chung tay bảo vệ môi trường”.
Nhà trường cam kết sẽ triển khai một số biện pháp như: Thường xuyên tuyên truyền qua các bài viết trên mạng xã hội, website của nhà trường, lồng ghép nội dung chống rác thải nhựa vào nội dung chương trình dạy và học, đặc biệt phổ biến tới toàn thể cán bộ, giáo viên, công nhân viên và phụ huynh để đi đến hành động bảo vệ môi trường hiệu quả và thiết thực nhất. Nội dung tuyên truyền hướng tới việc sử dụng các vật dụng thay thế cho túi nilon, nhựa và có thể tái chế, tái sử dụng nhiều lần như sử dụng làn mây, túi vải, hộp đựng thực phẩm để đi chợ, hạn chế sử dụng túi nilon, khuyến khích sử dụng các túi dễ phân hủy sinh học hoặc mua các sản phẩm đóng hộp từ thủy tinh…
Một số trường Tiểu học, THCS của tỉnh Quảng Ngãi cũng tổ chức chương trình “Nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần”, bằng hình thức tiểu phẩm, sân khấu hoá, với sự tham gia của đông đảo giáo viên, học sinh và phụ huynh. Chương trình đã tác động sâu sắc đến nhận thức của học sinh và các bậc phụ huynh.
Tiêu biểu như trường Tiểu học số 1 Trương Quang Trọng (thành phố Quảng Ngãi) đã phát động phong trào tận dụng túi nilon, chai lọ, đồ nhựa bỏ đi để làm bình hoa, hộp đựng bút... dùng trang trí bàn học tập, lớp học, thư viện. Nhà trường tổ chức chương trình “Gian hàng hội chợ” cho học sinh trưng bày các sản phẩm được làm từ nhựa và trao đổi nhau những sản phẩm mình yêu thích.
Em Tôn Trường Giang, học sinh lớp 5E, Trường Tiểu học số 1 Trương Quang Trọng chia sẻ: Em đã dùng chai nhựa cũ để thiết kế thành những chậu đựng hoa xinh xắn. Nhờ thầy cô giảng dạy nên em biết được RTN rất khó phân hủy và có hại cho môi trường, nên phải hạn chế việc sử dụng sản phẩm nhựa; đồng thời tận dụng những sản phẩm bỏ đi để làm những đồ có ích.
Theo Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 1 Trương Quang Trọng Lê Thị Liên, từ các sản phẩm nhựa tưởng chừng bỏ đi, nhờ sự hướng dẫn của giáo viên, các em học sinh biết sáng tạo để làm thành những sản phẩm hữu ích, đẹp mắt. Ở thư viện của trường và mỗi lớp học đều được trang trí bằng những chậu hoa xinh xắn do các em học sinh trong trường tự làm. Qua đó, không chỉ giúp các em có ý thức bảo vệ môi trường, chống RTN, mà còn tạo môi trường học tập thân thiện.
Thầy và trò trường THCS thị trấn Tân Uyên (huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu) đã có dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa, phân loại, tái chế rác thải trong trường học để bảo vệ môi trường và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh tại tỉnh Lai Châu”. Công trình đem lại hiệu quả tích cực, lan tỏa trong toàn trường.
Nhà trường tập trung tuyên truyền, vận động các thầy cô giáo, học sinh thay thế đồ dùng nhựa dùng một lần bằng các loại đồ dùng nhựa dùng nhiều lần, hoặc đồ dùng thân thiện với môi trường; Hướng dẫn các em phân loại rác tại các lớp học. Mỗi buổi học, vào đầu giờ và cuối giờ trên lớp, các bạn nhỏ cùng dọn vệ sinh phòng học và khu vực vệ sinh dưới sân trường, tiến hành thu gom và phân loại rác vào các thùng rác lớn đặt ở sân trường...
Anh Đàm Văn Tuyên (giáo viên trường THCS thị trấn Tân Uyên) cho biết, qua dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa, phân loại, tái chế rác thải trong trường học để bảo vệ môi trường và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh tại tỉnh Lai Châu”, các thầy cô mong muốn giúp học trò nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải nhựa, túi nilon. Thực tế, nhiều bạn trẻ thực hiện tốt và còn về vận động gia đình thực hiện phân loại rác, giảm dùng đồ nhựa sử dụng một lần.
Được biết, để bảo vệ môi trường cũng như thay đổi ý thức, hành động của giáo viên, học sinh trong việc sử dụng các sản phẩm thân thiện trong cuộc sống, nhà trường đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tác hại của rác thải nhựa với môi trường.
Đối với đội ngũ giáo viên, các trường đề nghị không sử dụng chai nhựa dùng một lần để đựng nước, tuyên truyền, khuyến khích giáo viên, học sinh mang bình đựng nước cá nhân đến trường, hạn chế tối đa việc mang các chai nước, ly nhựa dùng một lần vào trường.
Bên cạnh đó, trong giờ học ngoại khóa, nhà trường đều lồng ghép nội dung tuyên truyền bảo vệ môi trường, nói không với rác thải nhựa dùng một lần, tác hại của chất thải nhựa và túi ni-lông khó phân hủy đối với môi trường, hướng dẫn phân loại rác tại nguồn.
Mặt khác, nhà trường thường xuyên tổ chức các cuộc thi sáng tạo đồ dùng, đồ chơi cho trẻ bằng các chất liệu thân thiện với môi trường, xây dựng khuôn viên xanh, trường học xanh, sạch, đẹp... Những giải pháp thiết thực trong việc phòng, chống rác thải nhựa, bảo vệ sức khỏe, môi trường của nhà trường được đa số phụ huynh và giáo viên hưởng ứng.
Ngoài việc tuyên truyền vận động, khuyến khích học sinh, giáo viên, nhân viên qua các buổi sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt chủ nhiệm…, nhiều trường còn có một số hoạt động gắn nội dung tuyên truyền của phong trào Chống rác thải nhựa vào cuộc thi có tên Ý tưởng môi trường xanh.
Tại trường Tiểu học Đức Giang, xã Đức Giang, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, ban giám hiệu nhà trường đã phát động phong trào “Chống rác thải nhựa” ngay từ đầu năm học
Để mọi người từng bước hình thành thói quen trong sinh hoạt hằng ngày, trong buổi họp với phụ huynh học sinh đầu năm học; trong các buổi họp hội đồng sư phạm và các buổi chào cờ đầu tuần ban giám hiệu đã làm công tác tuyên truyền đến toàn thể phụ huynh, cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh về mối nguy hại của rác thải nhựa, khuyến khích mọi người không sử dụng chai nhựa dùng một lần, túi bóng…trong sinh hoạt hàng ngày.
Để hạn chế sử dụng và thải rác thải nhựa ra ngoài môi trường, Tổng phụ trách đội cùng với giáo viên chủ nhiệm các lớp đã hướng dẫn học sinh phân loại rác thải hàng ngày. Ở mỗi lớp học có 2 loại thùng rác: Thùng thứ nhất đựng rác hữu cơ, mảnh sành, sứ,…được xử lý bằng chôn lấp hoặc đem đốt sau mỗi ngày; Thùng thứ hai đựng giấy, nhựa, kim loại,…cuối mỗi tuần được gom vào một chỗ để làm kế hoạch nhỏ.
Ngoài các giờ học văn hóa trên lớp, học sinh còn tham gia vẽ và viết các khẩu hiệu, tranh cổ động cho phong trào “Chống rác thải nhựa”. Các em vẽ rất hào hứng và say mê với nhiều ý tưởng hay, lạ. Qua hoạt động này, các em muốn tuyên truyền đến mọi người hãy có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường, hạn chế thải rác nhựa ra ngoài môi trường.
Nói không với rác thải nhựa là một vấn đề không chỉ ngày một ngày hai có thể làm được, cũng không phải chỉ một cá nhân hay tập thể hưởng ứng là thành phong trào lớn mà nó cần được nhân rộng, cần sự chung tay của cả cộng đồng. Hi vọng với sự vào cuộc tích cực của các cấp, chính quyền, sự hưởng ứng tích cực của mỗi tập thể, mỗi cá nhân, từ những việc nhỏ trong cộng đồng giúp lan tỏa ý thức cùng nhau giảm thiểu túi ni-lông, rác thải nhựa ra môi trường, chung tay bảo vệ môi trường sống.
Từ nhận thức dẫn đến hành động, dù chỉ là những hành động rất nhỏ, nhưng trong tương lai, sẽ mang lại những thay đổi lớn hơn trong nhận thức về sử dụng các sản phẩm từ nhựa và nilon của mọi người. Chúng ta cùng tin rằng những hành động có ý nghĩa đó không chỉ bó hẹp trong trường học, mà sẽ lan tỏa tới từng gia đình của tất cả cán bộ,giáo viên, công nhân viên và học sinh các nhà trường; trong tương lai sẽ lan tỏa tới toàn xã hội.
Nói không với rác thải nhựa là một vấn đề không chỉ ngày một ngày hai có thể làm được, cũng không phải chỉ một cá nhân hay tập thể hưởng ứng là thành phong trào lớn mà nó cần được nhân rộng, cần sự chung tay của cả cộng đồng, nhất là với những em học sinh. Điều này sẽ hình thành những thói quen tốt ngay từ nhỏ để xây dựng thế hệ tương lai có ý thức bảo vệ môi trường sống một cách tự giác.
* “Đây là bài viết tuyên truyền bảo vệ môi trường của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2020” |