Tự chủ đại học: Nâng cao năng lực quản trị, rõ vai trò, “đúng vai, thuộc bài”
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ chủ trì điểm cầu tại Hà Nội
Bài liên quan
Không có Hội đồng trường, khó thực hiện tự chủ đại học
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự Hội nghị tổng kết thí điểm tự chủ đại học
Thủ tướng: Tự chủ đại học phải được mở rộng hơn và thực chất hơn
Tự chủ đại học khơi dậy những gì sáng tạo, đổi mới nhất
Tự chủ đại học khơi dậy những gì sáng tạo, đổi mới nhất
Đó là những lưu ý cụ thể với 3 nhóm chủ thể chính: Bộ GD&ĐT, cơ quan chủ quản của các cơ sở giáo dục đại học và các cơ sở giáo dục đại học.
Tự chủ đại học là xu thế tất yếu
Phát biểu mở đầu hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, tự chủ đại học là xu thế tất yếu. Trước đó, Chính phủ đã có nghị quyết cho thí điểm 23 cơ sở giáo dục đại học. Quá trình thực hiện cho thấy ưu điểm nổi trội của việc thực hiện tự chủ. Từ đó, Bộ GD&ĐT tham mưu Chính phủ đề xuất Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.
Theo người đứng đầu ngành giáo dục, những năm gần đây đặc biệt năm 2019 giáo dục đại học có nhiều khởi sắc trên nền tảng của tự chủ đại học. Cụ thể, năm 2019, ngành giáo dục đã nâng 12 bậc và xếp thứ 68/196 nước và vùng lãnh thổ. Việt Nam đã cải thiện nhiều thứ hạng rõ nét trong bảng xếp hạng danh tiếng thế giới như QS quốc tế, QS châu Á, 1.000 trường tốt nhất thế giới…
Cùng với những kết quả đạt được, việc thực hiện tự chủ đại học cũng đặt ra một số vấn đề phải chấn chỉnh, xử lý để giáo dục đại học tiến tới minh bạch về chất lượng, bình đẳng trong cạnh tranh, tiếp cận đến chất lượng thực và chất lượng quốc tế.
Nhằm thực hiện hiệu quả lộ trình tự chủ, nâng cao chất lượng giáo dục đại học trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT lưu ý một số nội dung quan trọng cần thống nhất nhận thức trong Luật 34, Nghị định 99 như: Nhóm vấn đề liên quan đến cơ cấu tổ chức nhà trường, thành lập trường trong đại học, trường đại học; điều kiện từ "trường đại học" sang "đại học"; nhóm vấn đề về thiết chế Hội đồng trường.
Hội đồng trường phải thực quyền, chỉ như vậy thì Luật 34 và Nghị định 99 mới đi vào cuộc sống. Ngoài ra, một số vấn đề liên quan đến văn bằng, các trình độ đặc thù; tên giao dịch quốc tế của trường, trách nhiệm của Hội đồng trường… cũng cần được các cơ sở đào tạo quan tâm thực hiện triệt để.
Tại hội nghị, các đại biểu đến từ các trường đại học trong cả nước đã cùng thảo luận, thống nhất về các nội dung cần triển khai thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục đại học và Nghị định 99; làm rõ hơn một số vấn đề còn băn khoăn, vướng mắc để việc thực hiện tự chủ đại học đạt hiệu quả.
Các đại biểu tham dự hội nghị |
Xây dựng bộ cơ sở dữ liệu chuẩn về giáo dục đại học quốc gia
Để triển khai tốt Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, trong phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã có những lưu ý quan trọng với 3 nhóm chủ thể chính. Đó là Bộ GD&ĐT, cơ quan chủ quản của các cơ sở giáo dục đại học và các cơ sở giáo dục đại học.
Với Bộ GD&ĐT, trước hết, Bộ có trách nhiệm rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản để triển khai Nghị định 99 và các văn bản khác liên quan, không phát sinh các thủ tục hành chính và bám sát vào tinh thần tự chủ đại học, đồng thời chú trọng đến các đối tượng chịu tác động là các cơ sở giáo dục đại học.
Bộ GD&ĐT đang hoàn thiện dự thảo sửa đổi nghị định số 138, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục để sớm trình Chính phủ ban hành. “Chúng ta phải làm nghiêm để một mặt khuyến khích các trường làm tốt nhưng đồng thời cũng phải răn đe, có chế tài xử phạt nghiêm các trường làm không tốt” - Bộ trưởng nêu rõ.
Bộ trưởng giao nhiệm vụ cho các đơn vị chức năng của Bộ hướng dẫn các cơ sở giáo dục xây dựng bộ cơ sở dữ liệu chuẩn về giáo dục đại học quốc gia. Tất cả các chỉ số của một cơ sở giáo dục đại học phải được công khai trên cơ sở dữ liệu này, qua đó xã hội và các bên liên quan giám sát.
Đồng thời, Bộ GD&ĐT chỉ đạo các trường tăng cường điều kiện đảm bảo chất lượng, kiểm định chất lượng, đẩy mạnh hoạt động thanh tra, tăng cường năng lực cho thanh tra đủ mạnh để chủ động rà soát, khắc phục các vấn đề của nhà trường.
Với các cơ quan chủ quản, Bộ trưởng cho rằng, chủ quản trước đây nặng về tính hành chính, áp các quy định về tổ chức bộ máy, nhân sự, các chế độ khác… Nay, các cơ sở giáo dục đại học trực thuộc bộ ngành, hay địa phương phải thực hiện theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và Nghị định 99. Vì vậy, các cơ quan chủ quản phải chủ động, minh bạch, sòng phẳng, trách nhiệm đến đâu thực hiện đúng đến đó.
Đối với các cơ sở giáo dục đại học, việc trước tiên mà mỗi cơ sở giáo dục cần làm là phổ biến, hướng dẫn, quán triệt sâu rộng quy định của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, Nghị định 99 và các văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, của cơ quan chủ quản, cũng như các văn bản khác đến từng giảng viên, người lao động trong nhà trường.
Tiếp đó, các cơ sở giáo dục đại học phải có kế hoạch chỉ đạo kiện toàn Hội đồng trường theo lộ trình quy định, tuyệt đối không vì năng lực hay trách nhiệm còn hạn chế mà để trễ quy định này. Người đứng đầu nhà trường phải chịu trách nhiệm với cơ quan chủ quản về tiến độ, chất lượng kiện toàn Hội đồng trường.
Bộ trưởng cũng lưu ý các nhà trường cần có kế hoạch nâng cao năng lực quản trị, trước hết là Hội đồng trường, từng vị trí phải rõ vai trò, “đúng vai, thuộc bài”. Cùng với đó, tăng cường năng lực quản trị nội bộ của Ban giám hiệu, các vị trí chức năng, phòng, ban, khoa. Lãnh đạo nhà trường cần bám sát các mục tiêu đã được Hội đồng trường thông qua để đưa ra quyết định quản lý, không phải dễ làm trước, khó làm sau.
“Bộ GDĐT sẽ cố gắng tiên phong làm tốt công việc của mình; đồng thời phối hợp với các cơ quan chủ quản và luôn đồng hành, hỗ trợ cùng các cơ sở giáo dục đại học. Chúng ta cùng nhau từng bước, khẩn trương, làm tới đâu chắc tới đó, thì sẽ có một lộ trình tốt để thực hiện Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và Nghị định 99, tạo chuyển biến rõ nét về chất lượng đại học” - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Hội nghị tổ chức theo hình thức trực tuyến tại 6 điểm cầu tại Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Huế, Thái Nguyên, Cần Thơ. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chủ trì điểm cầu Hà Nội. Chủ trì hội nghị là Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc và lãnh đạo các đơn vị, vụ cục thuộc Bộ GD&ĐT, tham gia hội thảo còn có đại biểu đại diện các bộ ngành, cơ quan trung ương, Văn phòng Chính phủ, UBND tỉnh, 10 sở GD&ĐT và 853 đại biểu đến từ 265 cơ sở giáo dục đại học trên cả nước.