Tự hào Hà Nội, trái tim của cả nước
Hà Nội không ngừng vươn lên mạnh mẽ
Bài liên quan
"Cú hích" để Thủ đô phát triển
Hà Nội nằm trong top 10 địa phương có chất lượng điều hành xuất sắc nhất cả nước
Hà Nội cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh
Hà Nội thu hút đầu tư đứng đầu cả nước
Ký ức hào hùng
Trước tinh thần chiến đấu ngoan cường của quân và dân ta trong suốt 9 năm kháng chiến trường kỳ, đặc biệt là sau thất bại tại Điện Biên Phủ năm 1954, thực dân Pháp buộc phải ký Hiệp định Giơnevơ (21/7/1954) công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia; chấp nhận rút quân khỏi miền Bắc Việt Nam.
Theo Hiệp định Giơnevơ, Hà Nội nằm trong khu vực tập kết 80 ngày của quân đội Pháp. Đề phòng âm mưu của Pháp lợi dụng thời gian này để phá hoại các cơ sở kinh tế, văn hóa, lôi kéo người di cư vào Nam, Hà Nội khẩn trương chuẩn bị cho việc tiếp quản. Công việc này đòi hỏi phải chuẩn bị chu đáo, đề phòng, cảnh giác về quân sự, sự phối hợp giữa các lực lượng chính trị và vũ trang, giữa lực lượng kháng chiến ở ngoài và lực lượng kháng chiến trong thành phố, giữa Thủ đô với cả nước.
Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương Đảng cử đồng chí Võ Nguyên Giáp, Lê Văn Lương, Xuân Thủy, Tố Hữu trực tiếp lãnh đạo và chỉ đạo công tác tiếp quản Thủ đô. Ngày 17/9/1954, Ủy ban Quân chính thành phố Hà Nội được thành lập để tiếp thu và quản lý thành phố.
Nhân dân Hà Nội vui mừng đón chào đoàn quân tiến về tiếp quản Thủ đô. Ảnh tư liệu |
Hội đồng Chính phủ công bố các chính sách đối với thành thị mới giải phóng, chính sách đối với tôn giáo, các điều kỷ luật của bộ đội, cán bộ và nhân viên công tác khi vào thành phố mới giải phóng. Bộ Tổng tư lệnh ra lệnh cho các đơn vị bộ đội về giải phóng Hà Nội phải giữ vững trật tự an ninh của thành phố, bảo vệ nhân dân, bảo vệ ngoại kiều, phải triệt để chấp hành các chính sách và kỷ luật mà Chính phủ đã đề ra, phải luôn luôn nâng cao cảnh giác, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu khiêu khích của bọn phá hoại.
Ngày 30/9/1954, ta và Pháp ký Hiệp định chuyển giao Hà Nội về quân sự; ngày 2/10, ký Hiệp định chuyển giao Hà Nội về hành chính. Theo đó, nguyên tắc chuyển giao là đảm bảo trật tự, an toàn, không được phá hoại và không làm gián đoạn các hoạt động của đời sống thành phố.
Theo các văn bản đã được ký kết, từ ngày 2 đến 5/10/1954, các đội hành chính, trật tự của ta vào thành phố, chuẩn bị tiếp quản các cơ quan, công sở, các công trình công cộng. 422 cán bộ, nhân viên đội hành chính và 158 công an có vũ trang của đội trật tự đã kiểm kê và giải quyết các công việc chuẩn bị nhận bàn giao từ phía Pháp và ngụy quyền, lập xong các biên bản để bàn giao vào ngày 7/10/1954.
Đến 16 giờ ngày 9/10/1954, những tên lính Pháp cuối cùng rút qua cầu Long Biên; quân dân ta hoàn toàn kiểm soát thành phố. Sáng 10/10/1954, Ủy ban Quân chính thành phố và các đơn vị quân đội nhân dân gồm có bộ binh, pháo binh, cao xạ, cơ giới… chia làm nhiều cánh lớn mở cuộc hành quân lịch sử tiến vào Hà Nội. Nhân dân Thủ đô hân hoan chào đón đoàn quân chiến thắng.
Sáng 10/10/1954, thời khắc lịch sử đã đến. Người dân Hà Nội diện quần áo chỉnh tề mang cờ đỏ sao vàng, ảnh Bác Hồ và hoa với niềm hân hoan tột độ đón mừng đoàn quân chiến thắng trở về. Đến 15 giờ cùng ngày, quân dân Hà Nội, thay mặt đồng bào cả nước, đã làm lễ chào cờ, lắng nghe thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tám năm qua, Chính phủ phải xa rời Thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhau nhưng lòng Chính phủ luôn gần cạnh đồng bào. Ngày nay do quân và dân ta đoàn kết nhất trí, quân đội ta chiến đấu anh dũng, kháng chiến đã thắng lợi. Chính phủ lại trở về Thủ đô với đồng bào. Muôn dặm một nhà, lòng vui khôn xiết kể…”.
Ngay trong những ngày đầu tiên trở về Thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở Đảng bộ và nhân dân Thủ đô: “Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới nhìn vào Thủ đô ta. Tất cả chúng ta phải ra sức giữ gìn trật tự an ninh, làm cho Thủ đô ta bình yên, tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần”.
Hà Nội không ngừng vươn lên mạnh mẽ
Thực hiện lời dạy của Bác, 65 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã ngày càng khẳng định vai trò, vị trí trung tâm, trái tim của cả nước.
Mùa thu Hà Nội rất đẹp, với hồ Gươm sáng sớm trong xanh |
Đặc biệt trong năm 2018 và 3 năm đầu kỳ kế hoạch 5 năm 2016-2020, thành phố đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đột phá. 20 chỉ tiêu năm 2018 đều đạt và vượt kế hoạch; dự kiến 17 chỉ tiêu kế hoạch 5 năm 2016-2020 đạt kế hoạch, trong đó đã có 3 chỉ tiêu đạt sớm hơn 2 năm. Tăng trưởng kinh tế năm sau cao hơn năm trước, trung bình tăng 7,28%/năm giai đoạn 2016-2018 (theo cách tính mới); quy mô nền kinh tế Thủ đô ngày càng được mở rộng, năm 2018 gấp 1,34 lần năm 2015. Các cân đối lớn về kinh tế luôn được đảm bảo: Thu ngân sách các năm đều đạt và vượt dự toán Trung ương giao; xuất khẩu tăng khá - năm 2018 tăng 21,6%.
Thành phố tiếp tục khẳng định Hà Nội là điểm đến hấp dẫn, là thị trường sôi động đối với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp. Vốn đầu tư xã hội tăng mỗi năm 10,5-10,6%, thu hút đầu tư nước ngoài đạt gần 13,25 tỷ USD, gấp 2,12 lần giai đoạn 2011-2015, năm 2018 đạt 6,5 tỷ USD, lần đầu tiên dẫn đầu cả nước. Kỷ cương hành chính có chuyển biến rõ nét; quyết liệt trong cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin; triển khai thành công việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế theo Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị; chú trọng và quyết tâm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.
Bộ mặt ngoại thành, đời sống người dân nông thôn cũng có bước chuyển mạnh mẽ thông qua thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. Đến hết năm 2018 đã có 324/386 xã về đích xây dựng nông thôn mới. Với những kết quả tích cực đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, xuống còn 1,16%, về đích trước 2 năm chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố đề ra. Khoảng cách mức sống giữa các quận nội thành với các huyện được thu hẹp, thành phố không còn xã, thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn. Đời sống văn hóa, tinh thần của người dân cũng có thay đổi rõ rệt...
Niềm vui nhân lên, khi vào giữa 7 vừa qua, Hà Nội đã kỷ niệm 20 năm đón nhận danh hiệu “Thành phố vì hoà bình”. Sự kiện này tạo nên động lực để Hà Nội phát triển không ngừng. Lượng khách du lịch quốc tế đến Hà Nội đã tăng gấp 16 lần so với năm 1999, lượng khách nội địa tăng gần 20 lần. Hà Nội đã trở thành điểm đến an toàn thân thiện, được lựa chọn là nơi tổ chức các hội nghị quốc tế mà gần đây nhất là Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai.
Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung để đạt được kết quả trên có rất nhiều nguyên nhân. Các cấp, các ngành, từ thành phố đến cơ sở đã có nhiều đổi mới, chủ động hơn, quyết liệt hơn trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ được giao. Thành phố đã lựa chọn những nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo điều hành; tập trung nguồn lực để xử lý dứt điểm các vấn đề tồn tại lâu năm…
Người Hà Nội đang hân hoan, tràn đầy hi vọng giữa màu thu tháng Mười và tự hào vì thành phố đã có những bước phát triển nhảy vọt, hiện đại hóa về mọi mặt. Đâu đó trên những con đường, những tuyến phố mà đoàn quân giải phóng đã đi qua, dường như vẫn còn âm vang lời bài hát Tiến về Hà Nội của nhạc sỹ Văn Cao: “Trùng trùng quân đi như sóng. Lớp lớp đoàn quân tiến về”...