Tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm tới 73%
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản là gánh nặng của mỗi gia đình và cả cộng đồng
Bài liên quan
Giúp bệnh nhân hen giảm 90% chi phí điều trị
Hút thuốc lá gây ra các bệnh hen suyễn, bệnh phổi nghiêm trọng
Khám, tư vấn miễn phí cho bệnh nhân hen phế quản
Một triệu USD tài trợ chương trình Vì lá phổi khỏe
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nêu rõ, các bệnh không lây nhiễm nói chung và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), hen phế quản nói riêng đang được giới y học trên toàn thế giới quan tâm đặc biệt bởi gánh nặng về bệnh tật, gánh nặng kinh tế và tử vong do bệnh gây ra vẫn tiếp tục gia tăng... Đối với bệnh COPD, đây là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 4 trên thế giới, gây ra hơn 3 triệu người chết trong năm 2012, tương đương với 6% của tất cả các trường hợp tử vong trên toàn cầu và theo dự báo của WHO, đến năm 2020, COPD sẽ là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 3.
Ở Việt Nam, theo những kết quả trong nghiên cứu dịch tễ học, tỷ lệ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là 4,1% ở người trên 40 tuổi và có xu hướng tiếp tục tăng cao do tình trạng hút thuốc lá, thuốc lào và ô nhiễm môi trường gia tăng. Bên cạnh đó, hen phế quản là một bệnh hô hấp không lây nhiễm đã có nhiều thành tựu trong quản lý bệnh, tuy nhiên theo dự đoán tỷ lệ mắc và tử vong vẫn tiếp tục gia tăng. Ước tính đến năm 2025, số người mắc bệnh hen trên toàn cầu có thể lên đến 400 triệu người. Hàng năm có khoảng 250 ngàn người tử vong do bệnh hen, chiếm đa số ở các nước chưa phát triển hoặc đang phát triển.
“Có thể nói hiện nay bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản cũng như các bệnh không lây nhiễm khác đã và đang làm giảm chất lượng cuộc sống hàng ngày của người bệnh, gây ra tàn phế, tử vong, và các gánh nặng kinh tế cho gia đình”- Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nêu rõ.
Cũng theo các chuyên gia đến từ BV Bạch Mai cho biết, tại Trung tâm Hô hấp của BV Bạch Mai mỗi năm tiếp nhận khoảng 7.000 bệnh nhân hô hấp nhập viện, trong đó có tới 30% bệnh nhân COPD. Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, thời tiết lạnh kèm mưa ẩm là yếu tố thuận lợi làm gia tăng đợt kịch phát của bệnh nhân hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Đặc biệt những ngày rét như hiện nay, có những ngày có khoảng 15 - 20 bệnh nhân COPD nhập viện, đa phần là những cơn kịch phát diễn biến rất nặng, phải thở máy.
PGS. TS. Nguyễn Văn Đoàn- BV Bạch Mai cũng đã chỉ ra những sai lầm của người dân trong dự phòng và điều trị bệnh COPD, bệnh hen đó là bệnh nhân không tuân thủ điều trị, hoặc tuân thủ điều trị nhưng sử dụng thuốc lại không đúng cách. Thậm chí có tình trạng bệnh tự điều chỉnh thuốc của mình như dùng thuốc tăng liều để mong nhanh khỏi bệnh, hoặc sợ thuốc có tác dụng phụ mà tự ý bỏ thuốc... Hoặc có tình trạng, bệnh nhân vừa điều trị vừa hút thuốc lá, uống rượu và tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ như ôm chó mèo, không vệ sinh môi trường sống sạch sẽ... Tất cả những sai lầm trên cùng với chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý, chưa chú ý đến phục hồi chức năng hô hấp đã khiến bệnh không được cải thiện, chi phí điều trị thêm tốn kém.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến kêu gọi, mỗi người dân cần tăng cường nhận thức về phòng, chống bệnh COPD, hen phế quản và các bệnh không lây nhiễm, giảm thiểu các hành vi và các yếu tố nguy cơ. Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông nâng cao sức khỏe chú trọng vào tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân biết cách phát hiện sớm bệnh, tuân thủ điều trị tại nhà khi mắc bệnh. Xây dựng và nhân rộng các mô hình nâng cao sức khỏe tại cộng đồng như: câu lạc bộ người bệnh không lây nhiễm, trường học nâng cao sức khỏe, nơi làm việc nâng cao sức khỏe, thành phố sức khỏe.
“Có như vậy, chúng ta mới có thể đạt mục tiêu đến năm 2025 là giảm 30% số người hút thuốc, giảm 10% số người uống rượu bia ở mức có hại, giảm 10% số người thiếu hoạt động thể lực, kiểm soát thừa cân béo phì xuống dưới 15%, kiểm soát tăng cholesterol dưới 35%, kiểm soát gia tăng huyết áp dưới 30% ... như đã đề ra trong Chiến lược quốc gia phòng chống bệnh không lây nhiễm”- Bộ trưởng Bộ Y tế chia sẻ.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng yêu cầu cần đẩy mạnh củng cố, tăng cường hệ thống giám sát, phòng chống bệnh không lây nhiễm các tuyến. Triển khai hoạt động dự phòng, phát hiện, quản lý và điều trị các bệnh không lây nhiễm khác tại cộng đồng, đặc biệt là trạm y tế xã để tăng tỷ lệ phát hiện sớm và giảm khoảng trống điều trị bệnh. Đảm bảo cơ chế tài chính và chi trả BHYT cho các dịch vụ phòng chống bệnh không lây nhiễm tại tuyến y tế cơ sở. Bên cạnh đó cần nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế các tuyến về dự phòng và quản lý bệnh không lây nhiễm, đặc biệt là tại tuyến y tế cơ sở...