Từng bước loại bỏ cây thuốc phiện ra khỏi cuộc sống của đồng bào dân tộc
Để "loài hoa độc" không còn đất sống
Cây thuốc phiện được trồng và sử dụng rất lâu đời ở khu vực miền núi nước ta. Theo số liệu thống kê ghi lại, niên vụ thuốc phiện năm 1985 -1986 có diện tích trồng cây thuốc phiện lớn nhất lên tới 19.050 ha.
Từ năm 1993, khi bắt đầu thực hiện Nghị quyết 06/CP của Chính phủ về xoá bỏ trồng cây thuốc phiện, diện tích trồng giảm nhưng vẫn còn khá lớn với 12.790 ha phân bố trên địa bàn 12 tỉnh miền núi phía Bắc.
Tăng cường kiểm tra, phát hiện và phá bỏ các vùng trồng cây thuốc phiện |
Những năm sau đó diện tích trồng cây thuốc phiện đã được kiểm soát tốt, liên tục giảm mạnh qua các năm, niên vụ 1995 - 1996 còn 2.885 ha, niên vụ 2000 - 2001 còn 320 ha và đến nay tại niên vụ 2014 - 2015 chỉ còn 14,9 ha ở các diện tích nhỏ lẻ, phân tán....
Tuy nhiên, những năm gần đây, hiện tượng gieo trồng cây thuốc phiện theo kiểu "du kích", với quy mô nhỏ tại các địa phương diễn ra khá nhiều.
Mặc dù các cấp chính quyền các địa phương, lực lượng chức năng, trong đó có bộ đội biên phòng kiên trì tuyên truyền, vận động nhân dân các khu vực biên giới xóa bỏ tình trạng trồng, sử dụng cây thuốc phiện; đồng thời, triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để thoát nghèo.
Tuy nhiên, nguyên nhân khiến một số bà con dân tộc thiểu số ở khu vực biên giới tái trồng cây thuốc phiện là do cuộc sống người dân còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí còn hạn chế, số người nghiện ma túy khá cao.
Ðể tránh bị phát hiện, những người trồng loại cây này thường lựa chọn khu vực đồi núi hiểm trở, thung lũng hẻo lánh cách xa khu dân cư; khu vực biên giới giáp ranh với các nước bạn.
Theo các cơ quan chức năng, hiện nay, dù biết rõ pháp luật cấm đoán ngặt nghèo hành vi trồng cây thuốc phiện, nhưng một bộ phận người dân vẫn lén lút cất giấu hạt giống, để có thời cơ là gieo xuống đất.
Khi cây mọc lên, bị phát hiện, bắt nhổ thì họ nhổ, nhưng khi cán bộ rút đi thì đâu lại vào đấy. Thực trạng này cho thấy, các cơ quan chức năng địa phương cần kiên trì tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống quyết liệt từ cơ sở.
Cần các biện pháp quyết liệt từ cơ sở
Lai Châu là tỉnh miền núi, có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống. Do đường biên giới kéo dài, địa hình hiểm trở nên tỉnh là một trong những điểm nóng của cả nước cũng như của Tây Bắc về ma túy.
Ban chỉ đạo phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh Lai Châu thường xuyên phối hợp với Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm các huyện, thành phố, trong đó lực lượng công an, biên phòng là nòng cốt, thành lập các Tổ công tác tiến hành điều tra, rà soát các địa bàn trọng điểm, địa bàn giáp ranh thường có diện tích trồng cây thuốc phiện để kịp thời ngăn chặn.
Lực lượng chức năng phá bỏ, đốt các cây thuốc phiện |
Công tác triệt phá cây có chứa chất ma túy cũng được triển khai thường xuyên. Cao điểm có những năm bộ đội biên phòng Lai Châu phối hợp với chính quyền địa phương vận động nhân dân phá nhổ đến hàng nghìn m2 cây thuốc phiện.
Để tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc Lai Châu phá nhổ cây thuốc phiện, bên cạnh việc cắt giảm số người nghiện và vận động người nghiện đi cai thì phải tìm cho họ được loại cây trồng phù hợp năng suất cao đảm bảo cuộc sống, hoặc phương thức làm ăn mới.
Nhờ sự kiên trì của các lực lượng chức năng, đến nay, diện tích trồng cây thuốc phiện trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã bị phá bỏ hoàn toàn, một số nơi tái trồng trong các hang núi xa bản làng cũng kịp thời được phát hiện, ngăn chặn.
Ngoài Lai Châu, nhiều tỉnh vùng miền núi phía Bắc cũng đã tổ chức tuyên truyền, kiểm tra và vận động nhân dân nhất là đồng bào dân tộc thiểu số không trồng và tái trồng cây có chứa chất ma tuý, thay thế cây trồng mới, chuyển hướng sản xuất, tạo nguồn thu nhập ổn định.
Chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát các địa bàn, tổ chức họp dân để quán triệt và tổ chức ký cam kết không tái trồng, tàng trữ, buôn bán chất ma tuý đến từng hộ dân.
Do đó, nhiều dự án phát triển kinh tế - xã hội hỗ trợ triệt thoái cây thuốc phiện và các mô hình chuyển đổi cơ cấu sản xuất nhằm xóa bỏ các diện tích trồng thuốc phiện như mô hình chăn nuôi bò thịt, dê, trồng măng ở Sơn La, trồng lúa cho năng suất cao ở Yên Bái, Lào Cai… đã phát huy hiệu quả rất cao.
Trước tình hình hiện nay, các cơ quan chức năng cần tiếp tục nhân rộng các mô hình, dự án này ở những nơi thuộc vùng tái trồng cây thuốc phiện để góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân, bởi đó chính là một yếu tố cơ bản để cây thuốc phiện không còn đất sống và gây ra những hậu quả khôn lường.