Tuyển sinh ĐH năm 2019: Có trường tuyển thẳng theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp
Thí sinh trước giờ vào thi
Bài liên quan
Hà Nội: Điều chỉnh thời gian vào học những ngày rét đậm
Năm học 2020-2021 sẽ áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới
Những sự kiện giáo dục gây “chấn động” dư luận năm 2018
5 sự kiện nổi bật của ngành giáo dục trong năm 2018
Học bổng toàn phần du học tại Nhật Bản
Năm 2019, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) xét tuyển các thí sinh có kết quả kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2019; Thí sinh có chứng chỉ quốc tế A-Level của Trung tâm Khảo thí Đại học Cambridge, Anh (Cambridge International Examinations A-Level, UK) có kết quả 3 môn phù hợp với yêu cầu của ngành đào tạo tương ứng, trong đó có ít nhất một trong hai môn Toán, Ngữ văn với mức điểm tối thiểu mỗi môn thi đạt từ 60/100 điểm trở lên (tương ứng điểm C, PUM range ≥ 60); Thí sinh có kết quả trong kỳ thi chuẩn hóa SAT (Scholastic Assessment Test, Hoa Kỳ) đạt điểm từ 1.100/1.600 hoặc 1.450/2.400 trở lên (còn giá trị sử dụng trong khoảng thời gian 2 năm kể từ ngày dự thi); Thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh IELTS từ 5.5 trở lên hoặc các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế tương đương (chứng chỉ còn hạn sử dụng trong khoảng thời gian 2 năm kể từ ngày dự thi) và có tổng điểm 2 môn còn lại trong tổ hợp xét tuyển đạt tối thiểu 12 điểm (trong đó bắt buộc có môn Toán hoặc môn Ngữ văn).
Chỉ tiêu tuyển sinh dự kiến của toàn ĐHQGHN: 9.000 chỉ tiêu. Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy định của Bộ GD-ĐT và của ĐHQGHN.
Đợt 1: Xét tuyển các thí sinh có kết quả kỳ thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia năm 2019; Các thí sinh có chứng chỉ như đã nêu trên. Dự kiến thời gian xét tuyển từ ngày 10/07 đến ngày 31/07 với các thí sinh sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 và từ ngày 10/7 - 31/8 đối với thí sinh sử dụng phương thức khác.
Đợt xét tuyển bổ sung, phương thức như đợt 1, quy định cụ thể xét tuyển của từng ngành/nhóm ngành tương ứng sẽ được công bố trên website của ĐHQGHN và của các đơn vị đào tạo (nếu có). Dự kiến thời gian xét tuyển từ ngày 13/8. Kế hoạch xét tuyển chi tiết sẽ được công bố trên website của ĐHQGHN và của các đơn vị đào tạo thuộc ĐHQGHN.
Đối với các chương trình đào tạo (CTĐT): Tài năng, Chuẩn quốc tế, Chất lượng cao được xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT quốc gia hoặc các nguồn tuyển khác theo yêu cầu riêng của từng CTĐT; Ngay khi thí sinh trúng tuyển nhập học, các đơn vị đào tạo công bố điều kiện đăng ký học các CTĐT Chất lượng cao, Tài năng, Chuẩn quốc tế.
Thí sinh trúng tuyển vào các đơn vị đào tạo của ĐHQGHN có nguyện vọng theo học các CTĐT Chất lượng cao, Tài năng, Chuẩn quốc tế phải đạt điểm trúng tuyển vào CTĐT tương ứng kể trên theo khối thi xét tuyển tương ứng; Điểm đăng ký dự tuyển vào các CTĐT Tài năng, Chất lượng cao, Chuẩn quốc tế do các Hội đồng tuyển sinh quy định nhưng tối thiểu phải bằng hoặc cao hơn điểm trúng tuyển vào CTĐT chuẩn tương ứng.
Năm 2019, trường Đại học Ngoại thương dự kiến tuyển sinh đại học hệ chính quy tổng chỉ tiêu là 3.850, trong đó tại cơ sở Hà Nội là 2750 chỉ tiêu, tại cơ sở TP HCM là 950 chỉ tiêu và tại cơ sở Quảng Ninh là 150 chỉ tiêu.
Nhà trường sẽ tuyển sinh theo 4 phương thức, bao gồm: Xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế và kết quả học tập 3 năm THPT; xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế và kết quả thi THPT quốc gia năm 2019; xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia năm 2019; xét tuyển thẳng.
Theo lãnh đạo trường Đại học Ngoại thương, dự kiến tổng chỉ tiêu tuyển sinh áp dụng phương thức xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia năm 2019 là 2.980, trong đó tại Hà Nội là 2150, tại TP Hồ Chí Minh là 680 và cơ sở Quảng Ninh là 150. Phương thức xét tuyển thẳng theo quy định xét tuyển thẳng của trường năm 2019.
Ông Nguyễn Phong Điền, Trưởng Phòng Đào tạo trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, về cơ bản, trường vẫn giữ ổn định tuyển sinh 2019 như năm 2018 là dựa vào kỳ thi THPT quốc gia để tuyển sinh. Dù có nhiều phương án khác nhưng để thí sinh và gia đình ổn định tâm lý, nhà trường quyết định tiếp tục xét tuyển như năm trước và không xét học bạ. Cụ thể, trong năm 2018, để đăng ký xét tuyển vào trường Đại học Bách khoa Hà Nội, thí sinh phải có tổng điểm trung bình của các môn học thuộc tổ hợp môn xét tuyển, tính cho 6 học kỳ THPT từ 20,0 trở lên.
Phương án tuyển sinh năm 2019 của trường Đại học Hàng Hải dự kiến có 4 phương thức tuyển sinh. Cụ thể:
Phương thức 1: Xét tuyển dựa trên điểm thi THPT quốc gia năm 2019.
Phương thức 2: Xét tuyển thẳng kết hợp. Áp dụng cho toàn bộ các chuyên ngành và đối với những thí sinh có tổng điểm các môn thi THPT quốc gia năm 2019 trong tổ hợp môn xét tuyển đạt ngưỡng chất lượng đầu vào theo Quy định của Nhà trường và đáp ứng một trong các hình thức sau:
Hình thức 1: có chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế IELTS 5.0 hoặc tương đương trở lên trong thời hạn (tính đến ngày 30/6/2019);
Hình thức 2: đạt các giải Nhất, Nhì, Ba các môn thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố trở lên. Các môn thi gồm: Toán, Vật lý, Hoá học, Sinh học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Tin học và Ngoại ngữ.
Phương thức 3: Xét tuyển dựa trên kết quả học tập và rèn luyện 3 năm học THPT, áp dụng đối với toàn bộ nhóm ngành Kỹ thuật và Công nghệ (27 chuyên ngành) và các thí sinh tốt nghiệp THPT các năm 2017, 2018 và 2019.
Phương thức 4: Xét tuyển thẳng theo đặt hàng và học bổng của doanh nghiệp. Áp dụng cho 2 chuyên ngành đi biển là Điều khiển tàu biển và Khai thác máy tàu biển. Đối tượng tuyển sinh, thí sinh có tổng điểm các môn thi THPT quốc gia năm 2019 hoặc tổng điểm trung bình của 3 môn theo kết quả của 3 năm THPT (trong tổ hợp môn xét tuyển) cộng với điểm ưu tiên đạt ngưỡng chất lượng đầu vào theo quy định của nhà trường.