Tuyên truyền hưởng ứng ngày Thalassemia thế giới
Thalassemia còn gọi là Bệnh tan máu bẩm sinh (TMBS) là do tan máu di truyền. Bệnh có hai biểu hiện nổi bật là thiếu máu và ứ sắt trong cơ thể, nên bệnh nhân phải điều trị suốt đời, nếu không được điều trị thường xuyên, đầy đủ, sẽ có nhiều biến chứng làm bệnh nhân chậm phát triển thể trạng, giảm sức học tập, lao động, tuổi thọ thấp...
Truyền thông về bệnh tan máu bẩm sinh cho các em học sinh Trường THPT Chương Mỹ A |
Tại buổi truyền thông, bác sĩ Tạ Quang Huy, Chi cục Trưởng Chi cục Dân số-KHHGĐ Hà Nội cho biết, mỗi năm cả nước có thêm khoảng 8.000 trẻ em sinh ra bị bệnh thalassemia, trong đó có khoảng 2.000 trẻ bị bệnh mức độ nặng.
Tại Hà Nội, theo ước tính của Viện Huyết học-Truyền máu Trung Ương và một số cuộc khảo sát nhỏ tại địa bàn một số quận nội thành Hà Nội, tỷ lệ người dân mang gen bệnh khá cao, khoảng 10%. Đây thực sự là vấn đề lớn đe dọa chất lượng dân số Thủ đô do chưa có chương trình phòng bệnh tan máu bẩm sinh được thực hiện trên địa bàn Hà Nội.
Trong số hơn 25.000 học sinh sàng lọc thalassemia trên địa bàn thành phố Hà Nội, 18,5% được phát hiện các bất thường xét nghiệm, hầu hết có liên quan tới tình trạng có thiếu máu hoặc mang gen, nghi ngờ mang gen thalassemia.
Từ năm 2016 đến năm 2021, trên địa bàn huyện Chương Mỹ, thành phố đã ưu tiên sàng lọc bệnh tan máu bẩm sinh cho 4.250 ca, trong đó có nghi ngờ 625 ca mắc, trong đó có 76 ca mang gen bệnh.
Thông qua truyền thông giúp cho các em học sinh trường THPT Chương Mỹ A nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi góp phần chung tay phòng bệnh, nhằm nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn huyện Chương Mỹ nói riêng, thành phố Hà Nội nói chung.