UBND tỉnh Quảng Nam đề xuất tháo gỡ một số bất cập về phòng cháy chữa cháy
Cháy lớn tại Công ty TNHH Woochang Việt Nam (thuộc địa phận xã Điện Hòa, KCN Trảng Nhật, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) vào năm 2022 (Ảnh: V.Q) |
Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam vừa ký văn bản gửi Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Xây dựng và Bộ Khoa Học - Công nghệ về việc báo cáo, đề xuất một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bất cập về công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC).
Theo Chủ tịch UBND tỉnh, thời gian qua, UBND tỉnh Quảng Nam đã tập trung triển khai, tổ chức thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Công an về công tác PCCC và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo chuyển biến tích cực, kiềm chế, giảm số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra. Tuy nhiên, qua rà soát, kiểm tra phát hiện còn nhiều công trình, cơ sở chưa bảo đảm đầy đủ các điều kiện an toàn về PCCC theo quy định của pháp luật.
Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, về tổ chức thực hiện Quy chuẩn PCCC có nội dung bất cập như quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 06:2022/BXD về an toàn cháy cho nhà và công trình là Quy chuẩn PCCC bắt buộc để áp dụng thiết kế chung cho rất nhiều nhóm nhà và công trình. Do đó, yêu cầu kỹ thuật về PCCC cho một số nhóm nhà, công trình quá cao so với thực tế, dẫn đến việc áp dụng gặp nhiều khó khăn.
UBND tỉnh Quảng Nam đã tập trung triển khai, tổ chức thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Công an về công tác phòng PCCC và đã đạt được nhiều kết quả (Ảnh: V.Q) |
Do vậy, ông Lê Trí Thanh đề xuất Bộ Xây dựng xem xét xây dựng, ban hành bộ quy chuẩn kỹ thuật về PCCC riêng cho từng nhóm nhà, công trình, nhằm cụ thể hóa các yêu cầu kỹ thuật sát với thực tế hơn.
Về những nội dung vướng mắc trong tổ chức thực hiện Quy chuẩn PCCC, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 06:2022/BXD về an toàn cháy cho nhà và công trình có hiệu lực thi hành ngày 16/01/2023, đây là Quy chuẩn kỹ thuật về PCCC có phạm vi áp dụng rộng, có nhiều nội dung không rõ, không cụ thể, dẫn đến có nhiều cách hiểu khác nhau, không thống nhất trong áp dụng (nhất là các điều: 3.26.2, 3.4.16, 5.1.2.3, …). Do đó, UBND tỉnh đề xuất Bộ Xây dựng sớm hướng dẫn bằng văn bản cụ thể, chi tiết để thống nhất thực hiện.
Về tổ chức thực hiện TCVN 3890-2023 Trang bị phương tiện PCCC cho nhà và công trình, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng có những nội dung vướng mắc như theo quy định tại Điều 5.3 của TCVN 3890-2023, gian phòng sản xuất thuộc hạng nguy hiểm cháy, nổ A, B có diện tích từ 300m2 trở lên; gian phòng sản xuất thuộc hạng nguy hiểm cháy, nổ C, tầng trên mặt đất có diện tích 1.0002 trở lên phải thiết kế hệ thống chữa cháy tự động nhưng chưa quy định áp dụng cụ thể cho từng loại nhóm công trình cụ thể mà chỉ quy định lựa chọn chất chữa cháy phù hợp.
Trước những vướng mắc trên, UBND tỉnh Quảng Nam đề xuất, về tiêu chuẩn cần quy định cụ thể cho loại hình cơ sở đặt biệt này để thực hiện. Đồng thời, để tháo gỡ trong trường hợp này, trước mắt khi chưa có quy định, cho phép thay thế việc trang bị, lắp đặt hệ thống chữa cháy tự động tại cơ sở bằng giải pháp như tăng cường trang bị phương tiện chữa cháy phù hợp với tính chất hoạt động của cơ sở, kể cả trang bị xe chữa cháy thường trực tại cơ sở.
Theo ông Lê Trí Thanh, thực hiện kế hoạch số 513/KH-BCA-C07 của Bộ Công an, UBND tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo tổng rà soát, kiểm tra an toàn PCCC trên địa bàn tỉnh. Qua kết quả kiểm tra nhận thấy, còn số lượng lớn cơ sở, công trình không thực hiện đúng quy định về điều kiện an toàn PCCC.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam có báo cáo và đề xuất một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bất cập về PCCC (Ảnh: V.Q) |
Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong thực hiện giải pháp về PCCC, UBND tỉnh đề xuất Chính phủ xem xét, cho phép thực hiện một số giải pháp.
Cụ thể, đối với cơ sở, công trình đưa vào hoạt động trước ngày 16/01/2023 (trước thời điểm Quy chuẩn 06:2022/BXD có hiệu lực) mà chưa được thẩm duyệt hoặc chấp thuận thẩm duyệt thiết kế về PCCC, đề nghị không yêu cầu thẩm duyệt về PCCC theo quy định của Nghị định số 136/2020/NĐ-CP mà thực hiện kiểm tra thực tế, xác định điều kiện an toàn PCCC để giải quyết cho doanh nghiệp.
Đối với cơ sở, công trình đưa vào hoạt động trước ngày 16/01/2023 (trước thời điểm Quy chuẩn 06:2022/BXD có hiệu lực) mà chưa được nghiệm thu về PCCC, đề nghị không yêu cầu nghiệm thu về PCCC theo quy định của Nghị định số 136/2020/NĐ-CP mà thực hiện kiểm tra thực tế, xác định điều kiện an toàn PCCC để giải quyết cho doanh nghiệp.
Đối với dự án, công trình còn những tồn tại so với quy định, nhưng không thể khắc phục, đề xuất xem xét cho phép áp dụng các giải pháp khác thay thế, cụ thể: Đối với dự án, công trình chưa trang bị hệ thống báo cháy tự động, hệ thống chữa cháy tự động theo quy định do nguyên nhân đặc thù của dây chuyền công nghệ, hàng hóa, vật tư kỵ nước…, khi bị ướt thì gây thiệt hại lớn.