Ứng dụng công nghệ thông tin cảnh báo sớm thiên tai hiệu quả hơn
Triển khai các trạm đo mưa tự động phòng, chống thiên tai
Thừa Thiên - Huế có yếu tố địa hình và vị trí đặc biệt về địa lý, do đó hàng năm địa phương thường chịu ảnh hưởng các diễn biến bất thường của thời tiết như bão và lũ lụt gây nhiều thiệt hại về người và tài sản.
Trong năm 2021, tại Huế, thiên tai gây ra ngập lụt, ngập úng kéo dài tại nhiều vùng thấp trũng ven sông, ven phá, gây sạt lở đất tại vùng núi, giao thông chia cắt, đi lại khó khăn.
Đáng lo ngại, các đợt thiên tai mưa lũ lớn kéo dài gây ra tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển; trượt lở đất đá ở các tuyến giao thông, đầu mối công trình hồ đập thủy điện.
Hiện tỉnh có hơn 64km/tổng chiều dài các sông 1.056km hiện đang bị sạt lở nặng tập trung chủ yếu tại Sông Hương, sông Bồ, sông Ô Lâu, sông Phú Bài, sông Nong, sông Truồi...
Xây kè sạt lở tại vùng biển xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế |
Hàng ngàn hộ dân sinh sống sát bờ sông sạt lở gặp nhiều ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt, thiệt hại về sản xuất nông nghiệp, giao thông đi lại không thuận tiện.
Do đó, để ứng phó với những diễn biến cực đoan của tình hình thời tiết cuối năm nay, tháng 6/2022, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã tiếp nhận tài trợ 11 trạm đo mưa tự động; trong đó, Quỹ Cộng đồng phòng, tránh thiên tai tài trợ 10 trạm và Công ty Cổ phần Tư vấn và Phát triển tài nguyên nước tài trợ 1 trạm.
Lắp đặt một trạm đo mưa tự động Vrain trên địa bàn huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế |
Các trạm đo mưa tự động để kết nối vào hệ thống Vrain góp phần tích cực vào việc cảnh báo mưa lũ giúp Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh thực hiện tốt công tác chỉ đạo, vận hành an toàn liên hồ chứa, giúp Nhân dân chủ động phòng, tránh thiên tai.
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, trong các đợt mưa lũ, hệ thống đo mưa tự động Vrain liên tục truyền tải lên hệ thống, cung cấp số liệu đặc biệt có giá trị đối với Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh để dự báo, cảnh báo mưa lũ, chỉ đạo công tác vận hành điều tiết liên hồ chứa lưu vực sông Hương, bảo đảm an toàn hồ chứa và an toàn cho hạ du.
Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền qua ứng dụng Hue-S, Zalo, Facebook
Ông Hoàng Hải Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết: "Là vùng liên tục gánh chịu ảnh hưởng của thiên tai nên công tác phòng chống luôn được tỉnh xác định là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách và thường xuyên.
Những năm vừa qua, nhờ làm tốt công tác chuẩn bị, sự phối hợp nhịp nhàng và chỉ đạo xuyên suốt của Trung tâm Khí tượng thủy văn, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh và các địa phương cũng như người dân, tỉnh đã hạn chế được tối đa thiệt hại về bão lũ gây ra, đây là điều cực kỳ quan trọng".
Công tác chỉ đạo ứng phó với thiên tai tại tỉnh luôn tuân thủ theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ). Riêng Thừa Thiên - Huế còn phát huy hiệu quả phương châm thứ 5 là “tự quản tại chỗ”. Trong đó, yêu cầu đặt ra của phương châm là cấp ủy, chính quyền địa phương phải quyết liệt lấy cơ sở làm địa bàn trọng tâm chỉ đạo, người dân tự quản, nâng cao vai trò trưởng thôn, tổ dân phố...
Ngoài ra, tỉnh cũng rất quan tâm đến công tác quản lý bảo vệ tính mạng người dân trong phòng chống thiên tai, đặc biệt là các đối tượng dễ bị tổn thương như: Người già neo đơn, phụ nữ mang thai, người bị bệnh hiểm nghèo, người nghèo; Cha mẹ quản lý, bảo vệ con cái; Trường học, thầy cô bảo vệ học sinh.
Tính năng cảnh báo lũ sớm trên ứng dụng HUE-S |
Ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng chống thiên tai, Thừa Thiên - Huế cũng tích hợp quản lý phòng chống thiên tai vào Trung tâm điều hành đô thị thông minh tỉnh mà HUE-S là điển hình.
Trong đó, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh thường xuyên cập nhật thông tin, tình hình thời tiết hằng ngày; luôn có kịch bản điều tiết cụ thể đối với các dự báo mưa khác nhau.
Tỉnh cũng tập trung chỉ đạo, đôn đốc khẩn trương triển khai các dự án khắc phục thiên tai; thường xuyên kiểm tra, rà soát phương án ứng phó, di dời sơ tán dân ở các vùng có nguy cơ mất an toàn.
Đồng thời, địa phương chủ động kêu gọi, đảm bảo an toàn cho tàu, thuyền; Thường xuyên cắt tỉa các cành cây, có phương án gia cố các cây có nguy cơ gãy đổ; Có kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu, nhất là tại khu vực hay xảy ra chia cắt khi mưa lũ lớn, vùng sâu, vùng xa.
Đặc biệt, tỉnh tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, cụ thể, Ban Chỉ huy Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh sử dụng tổng hợp nhiều giải pháp công nghệ thông tin như nhắn tin, email, Facebook, Zalo, website, ứng dụng HUE-S phát các bản tin cảnh báo thiên tai để các địa phương, đơn vị chủ động phòng tránh; Liên tục cảnh báo, nhắc nhở, nghiêm cấm người ra đường khi có bão, lũ lớn.
Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh cũng thường xuyên tổ chức kiểm tra, vận hành hệ thống thông tin liên lạc vô tuyến điện dự phòng phục vụ công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn giữa các đơn vị trên địa bàn; Điều hành hệ thông tổng đài 19001075 hỗ trợ nhân dân; chỉ đạo Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh và cơ quan thông tấn, báo chí, phát thanh địa phương tăng cường thời lượng, tần suất phát sóng đưa tin về bão, mưa lũ để các tổ chức, đơn vị, nhân dân chủ động phòng tránh.