Ứng dụng kỹ thuật công nghệ xây dựng “Hà Nội văn minh, hiện đại”
Báo chí góp sức vì Hà Nội văn minh, hiện đại |
Nhóm vấn đề "Hà Nội văn minh, hiện đại" gồm các ý kiến trong lĩnh vực xây dựng công dân số, chính quyền số, xã hội số; ứng dụng khoa học công nghệ; đóng góp của người trẻ vào phát huy Thủ đô Hà Nội là thành viên mạng lưới “Thành phố sáng tạo” và trong tiến trình xây dựng Hà Nội thành “Thành phố học tập”…
Tích hợp các app của Thủ đô vào iHanoi
Tại chương trình, đại biểu Chu Hoa Bảo Trâm, sinh viên trường Đại học Ngoại thương nêu: Có thể thấy rằng, trong thời gian vừa qua, các cấp, ngành đã có nhiều hoạt động triển khai tích cực, có hiệu quả đặc biệt là việc triển khai Đề án 06 về phát triển dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử gắn với ứng dụng VneID, hay ETax (Nộp thuế điện tử); VSSD (Bảo hiểm xã hội); hay của Hà Nội gần đây nhất là ứng dụng iHaNoi. Các ứng dụng cho thấy sự tiện lợi giúp người dân nhanh chóng tương tác với các chủ thể ứng dụng liên quan.
Đồng chí Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cùng các đồng chí chủ trì hội nghị đối thoại |
Tuy nhiên có một vấn đề đặt ra là các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị đã tạo ra rất nhiều các ứng dụng, phần mềm của đơn vị mình, chưa kể là vô vàn các ứng dụng khác như ngân hàng, truyền hình, internet… Từ đó dẫn đến một thực trạng là người dùng đang phải sử dụng quá nhiều ứng dụng và với mỗi ứng dụng cần truy cập đăng nhập lại có thể yêu cầu định dạng tên tài khoản và mật khẩu khác nhau. Bên cạnh đó, mỗi ứng dụng chỉ phục vụ được cho một nội dung nhất định, chưa có sự kiết nối và liên thông với nhau.
Bởi thế, đại biểu Bảo Trâm đặt câu hỏi: “Trong thời gian tới, thành phố có phương án nào tích hợp, liên kết các ứng dụng có liên quan với nhau để giúp người sử dụng có thể tăng sự tương tác và trải nghiệm với các sản phẩm mang đúng nghĩa chuyển đổi số hay không?”.
Ông Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông trả lời câu hỏi của các bạn trẻ |
Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, trong thời gian gần đây, công tác chuyển đổi số của Hà Nội đang chuyển động rất nhanh, đồng bộ. Các sở, ngành, quận, huyện hết sức hăng hái, nhiều sáng kiến đóng góp cho chuyển đổi số của thành phố trên cả 3 trụ cột: Xây dựng chính quyền số; thúc đẩy kinh tế số; xây dựng thúc đẩy xã hội số, công dân số.
Ông Hùng cho biết: "Gần đây chúng ta có rất nhiều app, nhất là tích hợp VNeID, Hà Nội chúng ta cũng đã có hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính và gần đây là iHanoi, thu nhận phản ánh kiến nghị của người dân, doanh nghiệp và phát triển công dân số.
Ông Nguyễn Phi Thường, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội trả lời các bạn trẻ |
Chúng tôi muốn sau này tất cả các app đó sẽ gắn luôn vào iHanoi app. Chúng ta chỉ cần dùng tài khoản iHanoi, để khai thác tất cả các tiện ích, các app còn lại của thành phố. Về hạ tầng số thì Hà Nội cũng đã ban hành nhiều kế hoạch bải bản, căn cơ trong từng giai đoạn cũng như từng năm.
Các app mới của các sở thuộc thành phố cũng sẽ được chúng tôi tích hợp vào iHanoi app để khai thác tiện ích, đăng nhập một lần và có thể sử dụng tất cả các tính năng".
Nỗ lực phát triển mạng lưới đường sắt đô thị
Chị Lê Trà My, Chủ tịch Hội LHTN phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân cho rằng: Hiện nay Hà Nội có khoảng 8,5 triệu người. Với mật độ dân số như vậy, số lượng phương tiện cá nhân như xe máy, ô tô là vô cùng lớn và không ngừng tăng nhanh, trong khi đó điều kiện hạ tầng giao thông có hạn. Do đó tình trạng ùn tắc giao thông (đặc biệt là trong các giờ cao điểm) cả về tần xuất và thời gian diễn ra ngày càng phức tạp.
Đại biểu Bảo Trâm đặt câu hỏi với các đồng chí lãnh đạo |
Trong thời gian qua, bên cạnh các hệ thống sẵn có như xe bus, xe bus BRT, thành phố Hà Nội đã triển khai và đưa vào hoạt động hệ thống Đường sắt Cát Linh – Hà Đông, Nhổn – Ga Hà Nội (giai đoạn 1). Đây là một trong những biện pháp căn bản để góp phần giảm thiểu các phương tiện lưu thông cá nhân. Tuy nhiên trên thực tế, việc kết nối tuyến cũng như phương tiện chưa nhiều nên đôi khi việc di chuyển của người dân tham gia các tuyến đường này vẫn còn hạn chế.
Tốc độ tăng phương tiện cá nhân một năm tăng 4-5%, đặc biệt là ôtô tăng 10%. Trong khi hạ tầng giao chỉ tăng trung bình 0,28%/năm. Chính vì vậy, hiện nay, sau rất nhiều cố gắng đầu tư kết cấu hạ tầng, tỷ lệ đất dành cho hạ tầng giao thông mới chỉ đạt hơn 12%, vẫn còn rất xa so với quy hoạch giao thông vận tải của Thủ đô đặt ra. Từ đây dẫn đến phương tiện, lưu lượng giao thông trên nhiều tuyến đường quá tải. Vì vậy, hiện nay trên địa bàn thành phố có 33 điểm ùn tắc giao thông. |
“Vậy trong thời gian tới thành phố có dự kiến phát triển và đầu tư các tuyến đường sắt nào khác hay phương tiện nào khác để nhanh chóng kết nối các tuyến này hay không?”, chị Trà My đặt câu hỏi.
Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Phi Thường, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho rằng, thành phố đang phát triển, thì ùn tắc giao thông là hiện hữu. Hiện chúng ta có khoảng 8 triệu phương tiện giao thông, trong đó có khoảng 1,2 triệu chiếc ôtô.
“Chúng tôi cũng cho rằng, giải pháp căn cốt nhất là đầu tư hệ thống đường sắt đô thị mới có thể giải quyết được ùn tắc giao thông. Theo quy hoạch, thành phố có 10 tuyến đường sắt đô thị với tổng số 417km. Tuy nhiên, với đầu tư của chúng ta một tuyến đầu tư phải mất 15-20 năm. Với sự cố gắng rất lớn của thành phố, đến nay chúng ta có 2 tuyến đã đi vào hoạt động.
Các đại biểu thanh niên tham dự chương trình |
Để phát huy được hết tiềm năng thì mạng đường sắt đô thị phải được liên thông, chúng ta phải có cả 10 tuyến. Tuy nhiên, trong phạm vi đầu tư thì chúng ta chỉ có thể có từng tuyến một.
Vấn đề lớn nhất của liên thông là liên quan đến quy hoạch. Sau khi có quy hoạch Thủ đô, thành phố đã có điều chỉnh quy hoạch. Trong đó có cấu phần rất lớn là đường sắt đô thị lên 14 tuyến, với gần 600km.
Bên cạnh đó, để tạo sự liên thông, thành phố cũng điều chỉnh các tuyến xe bus để gom khách tới các tuyến đường sắt đô thị; đầu tư đường hầm, ngoài ra còn có giải pháp trước mắt nhằm tạo sự liên hoàn là phát triển hệ thống xe đạp công cộng và sắp tới đây sẽ có thêm xe điện 4 bánh gom khách từ khu dân cư ra các tuyến đường sắt đô thị", ông Thường cho hay.