Ứng phó với nguy cơ gia tăng sạt lở ven biển do mưa bão, triều cường
Sạt lở bờ biển diễn biến ngày càng phức tạp
Theo báo cáo nhanh của văn phòng thường trực ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, hiện nay, các tỉnh ven biển từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận có khoảng có khoảng 63 vị trí sạt lở với tổng chiều dài hơn 97km.
Trong đó, có 19 vị trí sạt lở nguy hiểm và 33 vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến đê biển và an toàn của các khu dân cư ven biển.
Sóng lớn gây hư hỏng tuyến kè biển đang xây dang dở ở Quảng Bình để chống sạt lở bờ biển Nhật Lệ |
Cụ thể, tỉnh Hà Tĩnh hiện có 4 vị trí sạt lở. Quảng Bình là 5 vị trí, Quảng Trị là 4 vị trí. Thừa Thiên Huế có 7 vị trí. Quảng Nam có 3. Quảng Ngãi có 13 vị trí. Tình Bình Định có 8 điểm. Phú Yên là 12 vị trí. Khánh Hòa có 9. Ninh Thuận có 2 và Bình Thuận cũng có 2 vị trí sói lở.
Như vậy, theo thống kê, xét về phạm vi, diện sói lở rộng nhất là ở tỉnh Phú Yên với 12 vị trí có tổng chiều dài là hơn 33km. Tiếp đến là Quảng Ngãi với 13 điểm dài hơn 15km. Còn xét về mức độ sạt lở, thì Thừa Thiên Huế và Khánh Hòa là những nơi có nhiều vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm với 7 vị trí.
Đáng lo ngại, tại nhiều điểm, bờ biển ăn sâu vào đất liền, chỉ còn cách khu vực dân cư và bến thuyền khoảng vài chục mét. Người dân rất lo lắng, nếu không có giải pháp bảo vệ, dần dần bờ biển ăn sâu vào sát nhà dân.
Tình trạng sạt lở ven biển nếu không được khắc phục kịp thời, những điểm sạt lở này sẽ tiếp tục mở rộng và có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tài sản, tính mạng của người dân. Chính quyền địa phương đã gắn biển cảnh báo người dân tại các khu vực nguy hiểm và lên phương án di dời người dân.
Ở một số địa phương, bờ biển đã lấn vào đất liền tới vài trăm mét, buộc hàng trăm hộ gia đình phải di dời và thay đổi sinh kế.
Dự báo từ nay đến tháng 4/2023, trên khu vực Biển Đông sẽ còn khoảng từ 3 - 5 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, trong đó có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta khoảng 2 hoặc 3 cơn tập trung chính ở các tỉnh Trung bộ và Nam bộ. Riêng trong tháng 11/2022, tổng lượng mưa ở nhiều khu vực cao hơn so với trung bình nhiều năm, có nơi lên đến trên 70%. Tình hình sạt lở sẽ còn những diễn biến phức tạp.
Cần sớm xây kè chống sạt lở bờ biển
Tình trạng sạt lở ven biển, nhất là vào mùa mưa bão không phải là vấn đề mới, nhưng đang đặt ra nhiều thách thức khi quy mô và cường độ ngày càng tăng, đe dọa đến sự phát triển kinh tế - xã hội, nhất là đời sống, sinh hoạt người dân ven biển.
Bước vào mỗi mùa mưa bão, sóng biển, triều cường ngày càng xâm thực, lấn sâu vào đất liền gây sạt lở, đe dọa tính mạng, tài sản của người dân. Việc đầu tư, xây dựng kiên cố hóa các tuyến kè ven biển là giải pháp cần thiết, cấp bách nhằm bảo đảm an toàn cho người dân ổn định đời sống, sản xuất.
Theo thống kê của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, hiện có hơn 12,4km bờ biển trong tổng số 128km bờ biển của địa phương này bị sạt lở nặng
Cụ thể, các điểm sạt lở tập trung tại các huyện Phú Lộc, Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, TP Huế. Các địa phương nằm trong vùng bị ảnh hưởng đã triển khai các biện pháp ứng phó tạm thời. Nhiều hộ dân bị đe dọa trực tiếp đã được lên phương án di dời khỏi khu vực sạt lở nguy hiểm.
Người dân xã Phú Thuận và lực lượng các đơn vị đắp kè tạm chống sạt lở bờ biển thôn An Dương 1, xã Phú Thuận, Phú Vang, Thừa Thiên - Huế |
Ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, thời gian qua, tỉnh đã đầu tư xây dựng một số tuyến kè bằng bê tông tại các bờ biển xung yếu.
“Việc đầu tư xây dựng, kiên cố hóa các tuyến kè biển tại những khu vực bờ biển bị sạt lở nghiêm trọng đang được chính quyền địa phương và người dân hết sức mong đợi. Bởi lẽ, xây dựng kè biển được xem là giải pháp tối ưu để chống sạt lở, xâm thực bờ biển, giúp người dân ở vùng ven biển an tâm sinh sống, lao động sản xuất”, ông Hùng bày tỏ.
Về lâu dài, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã kiến nghị Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương sớm bố trí nguồn vốn, huy động các nguồn lực để kiên cố hóa nhiều đoạn bờ biển xung yếu với tổng kinh phí 1.300 tỷ đồng, nhằm ngăn chặn kịp thời tình trạng xâm thực, sạt lở bờ biển.
Để có giải pháp xử lý sạt lở bờ biển miền Trung, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan chuyên môn Trung ương nghiên cứu tổng thể, đưa ra giải pháp chính trị chống xói lở bờ biển các tỉnh miền Trung từ Nghệ An đến Bình Thuận.