Vi phạm vận chuyển pháo lậu dịp Tết và bài học còn nguyên giá trị
Liên tiếp phát hiện vụ vận chuyển pháo nổ
Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết, vừa phát hiện, bắt giữ đối tượng vận chuyển, mua bán trái phép pháo nổ.
Cụ thể, chiều 17/12, qua theo dõi, tổ công tác của Đội Cảnh sát kinh tế và các đội nghiệp vụ của Công an quận Hoàn Kiếm làm nhiệm vụ tại khu vực trước cổng một khu đô thị lớn của quận Thanh Xuân phát hiện một nam thanh niên đi xe SH, biển kiểm soát 29Y3-580.69 có biểu hiện nghi vấn, đã kiểm tra hành chính.
Đối tượng vận chuyển pháo lậu bị Công an quận Hoàn Kiếm bắt quả tang |
Qua kiểm tra bên trong thùng giấy có 49 ống pháo nổ, với khối lượng gần 7kg. Tại cơ quan công an, đối tượng khai nhận là Đinh Thế L (sinh năm 1992, ở xã Đồng Tân, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) mua số pháo trên về bán để kiếm lời trong dịp Tết. Trên đường vận chuyển bán cho khách thì bị cơ quan công an phát hiện, xử lý.
Trước đó, ngày 23/12, Công an quận Hà Đông (Hà Nội) cho biết, đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Bùi Văn An (sinh năm 2005, ở thôn Hạ, xã Hồng Phong, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) về hành vi mua bán hàng cấm là pháo nổ.
Theo tài liệu, quá trình tổ công tác Công an quận Hà Đông tuần tra trên địa bàn phường Đồng Mai bắt quả tang V.V.G (sinh năm 1978, ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội) là "xe ôm" đang chuyển về giao cho khách tại khu vực công viên Hòa Bình, quận Bắc Từ Liêm với tiền công 70.000 đồng, một bọc pháo ngụy trang bằng quần áo bên ngoài.
Bùi Văn An đứng sau việc vận chuyển pháo lậu |
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Công an quận Hà Đông đã triệu tập Bùi Văn An. Tại cơ quan Công an, bước đầu An khai nhận đã lợi dụng mạng xã hội tìm người bán pháo nổ để mua về chơi, đồng thời rao bán trên mạng kiếm lời.
Chiều 18/12, An cùng 1 người bạn đi từ thành phố Hòa Bình về quê, mang theo 1 khối pháo hoa nổ. Trưa 19/12, An nhận được 4 khối pháo hoa nổ chuyển qua dịch vụ, lập tức mang về nhà cất giấu và liên hệ với người tên “Khang Hoàng” hẹn thời điểm giao nhận hàng.
Khoảng 15h cùng ngày, An cho 5 khối pháo hoa nổ vào thùng carton, rồi nhồi quần áo đã qua sử dụng lên trên để ngụy trang. Một lúc sau, An cùng bạn chuyển rời nhà. Cho đến khi gặp anh V.V.G đang chờ khách đi “xe ôm”, An quyết định thuê chở về khu vực quận Bắc Từ Liêm theo hợp đồng.
Mất Tết vì pháo
Nhiều đối tượng phải “ăn Tết” trong nhà giam vì vi phạm pháp luật liên quan đến sản xuất, buôn bán, vận chuyển pháo, nhưng vì lợi nhuận họ vẫn bất chấp pháp luật.
Theo Thư viện pháp luật, tại Điều 305 Bộ luật Hình sự 2015 quy định, người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ có thể bị phạt tù từ 01 đến 5 năm, cao nhất có thể bị phạt tù từ 15 đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 1 năm đến 5 năm.
Đối với các hành vi sản xuất, buôn bán pháo nổ nếu không thuộc trường hợp theo quy định tại Điều 305 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 190 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) về tội sản xuất, buôn bán hàng cấm. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 232, 234, 244, 246, 248, 251, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật Hình sự 2015, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm: + Sản xuất, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng từ 50 kilôgam đến dưới 100 kilôgam hoặc từ 50 lít đến dưới 100 lít; + Buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu từ 1.500 bao đến dưới 3.000 bao; + Sản xuất, buôn bán pháo nổ từ 06 kilôgam đến dưới 40 kilôgam; + Sản xuất, buôn bán hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; + Sản xuất, buôn bán hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng; + Các hành vi sản xuất, buôn bán hàng hóa dưới mức quy định nêu trên nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc tại một trong các điều 188, 189, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật Dân sự 2015 hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. Mức phạt đối với các hành vi nêu trên có thể lên đến 15 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm. |