Việt Nam chủ động ứng phó với nguy cơ do rác thải nhựa
Độc đáo điểm trường “xanh” có 50% vật liệu xây dựng tái chế từ nhựa |
Thực trạng đáng báo động
Mấy năm gần đây, thôn Xà Cầu, xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, Hà Nội trở thành "thủ phủ" của rác thải nhựa.
Có mặt tại thôn Xà Cầu vào đầu tháng 10, phóng viên không khỏi giật mình trước hàng núi chai lọ, ni lon, can nhựa... ngồn ngộn tập trung ở ngôi làng nhỏ bé này.
Chất thải nhựa tập trung tại thôn Xà Cầu (Ảnh: Báo Nhân dân) |
Bà Hoà, người nhặc rác có "thâm niên" tại thôn Xà Cầu cho hay, rác thải ở đây được mua về từ khắp nơi trong cả nước. Mỗi ngày, có hàng tấn nhựa phế phẩm theo trục Quốc lộ 21B “chảy” vào các khu vực của Xà Cầu.
Phế liệu sau đó sẽ được phân loại, sàng lọc, sơ chế nghiền nhỏ, trước khi tiếp tục hành trình khi được bán lại cho các công ty, nhà máy sản xuất đồ nhựa ở Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hải Dương với giá từ 1.000 - 2.000 đồng/kg tùy loại..
Vì mưu sinh, người dân thôn Xà Cầu phải chấp nhận các nguy cơ nhãn tiền do ô nhiễm từ rác thải nhựa. "Vẫn biết là trăm thứ bệnh đổ vào người cũng đều là do rác thải, nhưng không làm nghề này thì biết làm nghề gì mà kiếm sống", bà Hoà thở than.
Ô nhiễm do rác thải nhựa gây nguy hại cho cuộc sống con người |
Thực tế, giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa từ lâu đã luôn là vấn đề cấp bách trên toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.
Đáng quan ngại, tại Việt Nam hiện nay rác thải nhựa mới được quy định chung trong nhóm có khả năng tái sử dụng, tái chế; Chưa có cơ chế, chính sách cụ thể nào để quản lý, thu gom và xử lý trong tình trạng ô nhiễm, suy thoái do lượng rác thải nhựa đang ngày càng nghiêm trọng.
Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, rác thải nhựa có số lượng và khối lượng vượt trội so với các loại rác khác. Phần lớn loại rác thải này sẽ thải ra khu vực biển, nơi rất dễ bị ô nhiễm nguồn nước và các sinh vật biến khác.
Các bãi biển ở Việt Nam có mức ô nhiễm nhựa cao, phần lớn có vị trí hoặc nằm cạnh bến tàu, khu dân cư, các khu tập trung nhiều hoạt động du lịch. Đáng chú ý, tại khu vực đảo xa bờ, ít hoạt động du lịch như Côn Đảo, Hòn Cau cũng dễ bị ô nhiễm rác thải nhựa với số lượng và khối lượng rác cao hơn so với các bãi nằm gần bờ.
Thay đổi nhận thức, cải biến hành động
Tại Việt Nam, nhận thức của mọi người về ô nhiễm nhựa đang gia tăng và yêu cầu về trách nhiệm của lĩnh vực công và tư cũng ngày càng lớn. Do vậy, nhiều chính sách đã được bàn thảo và ban hành nhằm tiếp cận toàn diện về quản lý và phát rác thải nhựa để loại bỏ ra môi trường.
Trước yêu cầu cấp bách đó, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) đã đề xuất các nước tiến hành đàm phán xây dựng Thỏa thuận Toàn cầu về Ô nhiễm Nhựa nhằm mục tiêu hướng đến chấm dứt ô nhiễm nhựa, bảo vệ sức khỏe con người và môi trường khỏi những tác động bất lợi trong suốt vòng đời của nhựa; giảm sản xuất, sử dụng và thải bỏ nhựa.
Việt Nam nỗ lực giải quyết vấn đề rác thải nhựa |
Cùng chung nỗ lực với các nước trên thế giới, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản quan trọng như Luật Bảo vệ môi trường, các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành và đặc biệt là Nghị định 38/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu, là cơ sở pháp lý quan trọng nhất liên quan đến hoạt động quản lý, xử lý rác thải nhựa dùng một lần.
Hiện tại, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tập trung chỉ đạo thực hiện Đề án Xây dựng trung tâm quốc tế về rác thải nhựa; xây dựng Đề án “Tăng cường quản lý rác thải nhựa ở Việt Nam” để tăng cường năng lực quản lý chất thải nhựa; Đồng thời, tiếp tục phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương để triển khai các giải pháp bảo vệ môi trường.
Các bộ, ngành, địa phương đã hiện thực hóa chủ trương, chính sách bằng nhiều chương trình, dự án giảm rác thải nhựa trên cả nước, hướng đến mục tiêu chung: Nói không với rác thải nhựa trong thiên nhiên vào năm 2030.
Ở khắp nơi trên cả nước, danh sách các cửa hàng xanh chia sẻ cam kết với môi trường ngày càng được nối dài với việc sử dụng các sản phẩm hữu cơ, dễ phân hủy hoặc sử dụng nhiều lần. Đặc biệt, nhiều cửa hàng giải khát đã dùng chai thuỷ tinh thay cho cốc nhựa, sử dụng ống hút thân thiện với môi trường.
Ông Lê Ngọc Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nhấn mạnh, thỏa thuận toàn cầu vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội để Việt Nam có thể đẩy nhanh hoàn thiện các thể chế chính sách về môi trường, đặc biệt là quản lý chất thải nói chung, bao gồm chất thải nhựa; Nâng cao nhận thức tiến tới thay đổi những hành vi thường ngày trong sử dụng đồ nhựa dùng một lần, tái sử dụng cũng như thu gom và phân loại rác thải tại nguồn, tại hộ gia đình; Trực tiếp thực hành những đổi mới, các giải pháp hữu ích thân thiện trong việc giảm thiểu rác thải nhựa, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn nhựa và thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất.