Việt Nam triển khai nhiều kỹ thuật y học tiên tiến trong lĩnh vực tim mạch
Trong buổi họp báo, PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội tim mạch Việt Nam đã giới thiệu chủ đề, nội dung của Đại hội và những hoạt động chính bên thềm đại hội năm nay.
Cụ thể, sáng 8/10/2022, tại hội trường lớn Cung Quy hoạch, hội chợ và triển lãm tỉnh Quảng Ninh – TP Hạ Long, tỉnh Quảng ninh, Hội Tim mạch học Việt Nam sẽ tổ chức lễ khai mạc Đại hội Tim mạch toàn quốc lần thứ 18 với chủ đề “30 năm Tim mạch học Việt Nam: Hình thành, Phát triển, Hội nhập”.
Họp báo giới thiệu các thông tin Đại hội Tim mạch toàn quốc lần thứ 18 |
Hội nghị được tổ chức với sự phối hợp của Viện Tim mạch - Bệnh viện Bạch Mai, đơn vị đi đầu trong khám và điều trị cho bệnh nhân Tim mạch với ứng dụng kỹ thuật cao.
Hội nghị về tim mạch lần này với với quy mô gồm 10 hội trường báo cáo khoa học và đào tạo liên tục. Hội nghị có 97 phiên báo cáo khoa học, 14 phiên thực hành và 12 phiên đào tạo liên tục với 60 báo cáo viên quốc tế đến từ 11 quốc gia. Hội nghị dự kiến thu hút được 2.000 đại biểu tham dự trong và ngoài nước.
GS.TS Nguyễn Lân Việt, Phó Chủ tịch thường trực Hội Tim mạch Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam cho biết, hiện bệnh tim mạch đã và đang là một gánh nặng cho xã hội với tỷ lệ tử vong và tàn phế cao nhất. Bên cạnh đó, chi phí cho chăm sóc, điều trị bệnh tim mạch cũng là gánh nặng đáng kể với hàng trăm tỷ USD mỗi năm.
Tổ chức Y tế thế giới ước tính, hàng năm có đến 17,5 triệu người tử vong do các bệnh tim mạch và số bệnh nhân này đang có khuynh hướng ngày một tăng. Trong những năm gần đây, bệnh lý tăng huyết áp đang được trẻ hóa với rất nhiều đối tượng đang còn trong độ tuổi lao động.
Tỉ lệ tăng huyết áp của những người từ 25 tuổi trở lên trong nhiều khu vực địa dư khác nhau của nước ta đã năm trong khoảng từ 25% – 47%. Thế nhưng đến nay vẫn còn nhiều người thờ ơ, chủ quan với sức khỏe tim mạch của chính mình.
Vì vậy, Hội nghị Tim mạch toàn quốc lần thứ 18 nhằm truyền thông tuyên truyền gián tiếp và trực tiếp tại cộng đồng để người dân có những kiến thức, những hiểu biết phòng, chống một cách hữu hiệu với bệnh lý này.
GS.TS Nguyễn Lân Việt chia sẻ, trước đây Việt Nam mới thành công trong lĩnh vực nội khoa và ngoại khoa tim mạch, ngày nay Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc khi đã thành công về tim mạch can thiệp.
"Đặc biệt trong lĩnh vực tim bẩm sinh, trước đây nước mình đi học các nước, nhưng hiện nay các nước đã đến Việt Nam học về kỹ thuật can thiệp tim bẩm sinh", GS Việt nói về niềm tự hào của ngành tim Việt Nam.
Đại hội Tim mạch toàn quốc lần thứ 18 với chủ đề “30 năm Tim mạch học Việt Nam: Hình thành, Phát triển, Hội nhập” sẽ có gần 600 bài báo cáo chuyên môn của các chuyên gia tim mạch hàng đầu trong nước và thế giới, được trình bày tại gần 200 phiên họp.
Các báo cáo đề cập đến hầu hết các lĩnh vực trong chuyên ngành Tim mạch với nhiều chủ đề đa dạng và nhiều cập nhật như: Bệnh tăng huyết áp, Suy Tim, Cấp cứu tim mạch, Can thiệp tim mạch, Phẫu thuật tim mạch, Rối loạn nhịp, Bệnh tim bẩm sinh, Rối loạn chuyển hóa và Bệnh tim mạch, Ung thư và Bệnh tim mạch, Chẩn đoán hình ảnh tim mạch ... cũng như các vấn đề về quản lý người bệnh tim mạch tại các tuyến cơ sở.
Trong khuôn khổ Đại hội, Hội Tim mạch học Việt Nam sẽ tiếp tục tổ chức các khóa đào tạo liên tục có cấp chứng chỉ (đã được chuẩn hóa theo tiêu chuẩn của Bộ Y Tế) dành cho các bác sĩ và điều dưỡng có nhu cầu như: Điểm mới trong tiếp cận và xử trí các cấp cứu tim mạch; Các sai lầm cần tránh khi làm các thủ thuật trong tim mạch; Ứng dụng siêu âm nhanh tại giường trong cấp cứu ban đầu; Điều trị tim mạch quanh phẫu thuật ngoài tim; Chuẩn hóa và ứng dụng siêu âm Doppler tim trong lâm sàng…