Việt Nam xuất hiện ca mắc bệnh cúm A/H5 trên người sau hơn 8 năm
Chủ động phòng ngừa trước diễn biến bất thường của bệnh cúm
Thông tin trên được Bộ Y tế đưa ra tại hội nghị trực tuyến tăng cường phòng chống dịch và công tác tiêm chủng vắc xin COVID-19 diễn ra ngày 20/10. Hội nghị kết nối trực tuyến đến các điểm cầu của 63 tỉnh, thành phố. PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế chủ trì hội nghị.
Bộ Y tế tổ chức Hội nghị tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh và công tác tiêm chủng COVID-19 |
Đây là ca bệnh cúm A(H5) trên người mới nhất tại Việt Nam kể từ tháng 2/2014. Tích lũy từ năm 2003 đến nay, cả nước ghi nhận 128 trường hợp nhiễm cúm A(H5).
Về ca bệnh này, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương Trần Như Dương cho biết, ngay sau khi xác định được ca bệnh, Viện đã cử đội phòng chống cơ động lên Phú Thọ, đến địa bàn bệnh nhân sinh sống để phối hợp với Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, địa phương cùng điều tra dịch tễ.
Đội đã lấy 65 mẫu bệnh phẩm của những người tiếp xúc với bệnh nhân (cả tiếp xúc xa và tiếp xúc gần), kết quả xét nghiệm cho thấy tất cả đều âm tính với cúm A(H5). Hiện tình hình sức khỏe của những người tiếp xúc với bệnh nhân hoàn toàn bình thường.
Việc phát hiện kịp thời, khoanh vùng, kiểm soát ngay đã giúp cho ca bệnh không có nguy cơ lây lan ra cộng đồng.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị ngành y tế các địa phương tăng cường giám sát, phát hiện sớm, điều tra các trường hợp người nghi nhiễm các chủng cúm gia cầm, xử lý sớm, triệt để ổ dịch tại các địa phương; Rà soát các hướng dẫn chuyên môn về giám sát, phòng chống cúm gia cầm trên người; Xây dựng phương án phòng, chống dịch.
Đồng thời phối hợp với ngành thú y địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh cúm trên gia cầm để có các biện pháp dự phòng lây sang người và chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp đáp ứng.
Các đơn vị cần tăng cường tuyên truyền biện pháp phòng lây nhiễm cúm gia cầm lây sang người tại khu vực có gia cầm ốm, chết và những vùng có nguy cơ cao…
Liên quan đến bệnh cúm gia cầm, theo thông tin từ Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dịch cúm gia cầm vẫn được ghi nhận rải rác trên đàn gia cầm ở nhiều địa phương trên cả nước.
Bên cạnh đó, thời tiết hiện đang trong giai đoạn chuyển mùa và thay đổi bất thường thuận lợi cho virus cúm gia cầm phát triển. Dự báo trong thời gian tới, nguy cơ cúm gia cầm lây sang người là cao.
Đã giám sát, cách ly, khoanh vùng từ sớm, kịp thời ca bệnh đậu mùa khỉ thứ 2
Tại hội nghị, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã báo cáo nhanh bệnh nhân mắc đậu màu khỉ thứ 2 tại thành phố. Đây là trường hợp mắc bệnh từ nước ngoài, được phát hiện, cách ly ngay khi nhập cảnh tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh.
Trường hợp xác định mắc đậu mùa khỉ thứ hai là một phụ nữ 38 tuổi, thường trú tại tỉnh Tuyên Quang, đi du lịch tại Dubai trong khoảng thời gian từ ngày 29/9 đến 18/10/2022.
Bệnh nhân bắt đầu có các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ từ ngày 11/10/2022 như sốt kèm mệt mỏi, buồn nôn và xuất hiện các mụn mủ rải rác trên cơ thể.
Đáng chú ý, người bệnh này và người bệnh mắc đậu mùa khỉ đầu tiên của Việt Nam (nay đã khỏi bệnh) đã có thời gian ở cùng nhà và sinh hoạt chung.
Với bệnh đậu mùa khỉ, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị các địa phương cần thực hiện nghiêm chỉ đạo phòng chống dịch bệnh này theo công điện của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế, tập trung giám sát, phát hiện sớm, cách ly và điều trị kịp thời. Các Viện trực thuộc Bộ Y tế cần tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ chuyên môn cho tuyến dưới.
Thứ trưởng yêu cầu Sở Y tế TP HCM cần tiếp tục giám sát theo dõi, điều tra dịch tễ, điều trị hiệu quả ca bệnh đậu mùa khỉ thứ hai, báo cáo kịp thời Viện đầu ngành trên địa bàn để triển khai các biện pháp phòng chống dịch phù hợp.
Các điểm cầu dự hội thảo tăng cường phòng chống dịch và công tác tiêm chủng vắc xin COVID-19. |
Về dịch COVID-19, thông tin tại cuộc họp cho biết, tại Việt Nam đến nay đã ghi nhận gần 11,5 triệu ca mắc, gần 10,6 triệu người khỏi bệnh (92,3%) và hơn 43.000 ca tử vong (0,38%).
Trong nước, mặc dù tình hình dịch bệnh vẫn cơ bản được kiểm soát, tuy nhiên nhiều địa phương đã ghi nhận các biến thể mới của Omicron với khả năng lây nhanh hơn biến chủng gốc; tỷ lệ tiêm vắc xin mũi 3, mũi 4 và tiêm cho trẻ em tại một số nơi còn thấp.
Tính đến ngày 19/10 Việt Nam đã tiếp nhận 257.272.374 liều vắc xin phòng COVID-19 trong đó có 238.837.874 liều vắc xin cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên và 18.434.500 liều cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi.
Tổng số mũi tiêm trên toàn quốc đã thực hiện là 260.919.526 mũi tiêm trong đó người lớn trên18 tuổi đã tiêm 220.935.397 mũi tiêm, trẻ em từ 12- 17 tuổi tiêm được 23.212.141 mũi tiêm, trẻ em từ 5-11 tuổi tiêm được 16.771.988 mũi tiêm.
Về dịch bệnh sốt xuất huyết, tại phía Nam dịch sốt xuất huyết có dấu hiệu giảm, tuy nhiên hiện đang là mùa mưa thuận lợi cho muỗi sinh sôi, phát triển, nên nguy cơ dịch có thể gia tăng tiếp tục. Về bệnh do virus Adeno hiện vẫn ghi nhận ca bệnh đến điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương và một số địa phương.
Đối với công tác điều trị bệnh dịch Sốt xuất huyết Dengua và cúm A/H5, Cục Quản lý khám, chữa bệnh đề nghị các địa phương chủ động chuẩn bị và sẵn sàng ứng phó với bệnh dịch, nâng cao chất lượng điều trị, giảm tỷ lệ tử vong, tăng cường hoạt động của các bệnh viện khi dịch lan rộng.
Bộ Y tế đã ban hành các hướng dẫn chẩn đoán, điều trị Cúm A/H5 như: Quyết định số 30/2008/QĐ-BYT ngày 19/8/208 về hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng lây nhiễm cúm A(H5N1) ở người; Quyết định số 5464/QĐ-BYT ngày 31/12/2014 về hướng dẫn chẩn đoán, xử trí và phòng lây nhiễm cúm A (H5N1) ở người trong thời gian tới các hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế sẽ rà soát và cập nhật các hướng dẫn trên.