VinFast đang mạnh mẽ vươn ra thế giới
Mới đây, bà Lê Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch Vingroup kiêm Tổng Giám đốc VinFast toàn cầu, đã tiết lộ về thời điểm bàn giao xe, các kế hoạch của VinFast cho thị trường toàn cầu, đồng thời làm rõ những băn khoăn về vấn đề tài chính của Vingroup.
Theo bà Lê Thị Thu Thủy, những chiếc VinFast VF 8 đầu tiên sẽ được bàn giao tới khách hàng vào ngày 10/9 tới thay vì tháng 11 như kế hoạch trước đó. Và chỉ vài tháng sau khi bàn giao những chiếc VF 8, VF 9 cũng sẽ được đến tay khách hàng. Hiện mẫu SUV điện cỡ lớn VF 9 đã được Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp giấy chứng nhận chất lượng.
Hiện đơn đặt hàng cho các mẫu xe điện của VinFast lên tới 73.000 đơn, bao gồm các mẫu VF e 34, VF 8 và VF 9. Bằng việc tuyển dụng “cấp tốc” 8.000 nhân sự cho nhà máy sản xuất xe điện tại Hải Phòng, Việt Nam, bà Lê Thị Thu Thủy khẳng định chậm nhất sau 6 tháng nữa sẽ giao hết xe cho các khách hàng đã chốt cọc cứng, còn lại thì sẽ giao cho khách hàng khi họ chốt cọc cứng.
Ngoài ra, để làm được điều đó ngoài việc hợp tác chiến lược với các nhà cung cấp để có nguồn cung ứng linh kiện bền vững, Vingroup đang đẩy mạnh nội địa hóa để nâng tỷ lệ nội địa hóa của xe điện VinFast lên 70 - 75% trong thời gian tới.
Khi nói về kế hoạch sắp tới, bà Lê Thị Thu Thủy chia sẻ: "Trong vòng 5 - 10 năm nữa, thị phần xe điện toàn cầu sẽ rất khác so với hiện nay, cụ thể là sẽ tăng lên rất nhiều, và chúng tôi muốn sẽ ở top đầu trong thị phần rất lớn đó. Chúng tôi đặt mục tiêu sau 10 năm nữa VinFast sẽ nằm trong Top 10 hãng xe điện thông minh hàng đầu thế giới. Để tiến tới mục tiêu đó, trong 5 năm nữa, chúng tôi sẽ bán 1 triệu xe điện trên toàn cầu".
Để đạt được mục tiêu trên, ngoài 3 trụ cột chính là sản phẩm tốt, giá hợp lý và dịch vụ hậu mãi xuất sắc, VinFast sẽ đẩy mạnh phương thức marketing trực tiếp tới từng khách hàng để khách hàng có thể biết rõ về đẳng cấp, chất lượng của xe. Các chuyến Vietnam Elite Tour cho khách hàng, đối tác và nhà đầu tư quốc tế tham quan nhà máy và hệ sinh thái Vingroup cũng như các chương trình lái thử tại các địa điểm độc đáo trên toàn cầu… sẽ được tổ chức liên tục để giới thiệu điều này đến khách hàng.
Khi được hỏi về nguồn vốn giúp VinFast thúc đẩy chiến lược toàn cầu và những mục tiêu đầy tham vọng trong lương lai nói trên, bà Lê Thị Thu Thủy cho biết: "Hiện công ty đã ký Thỏa thuận Thu xếp vốn quốc tế với Credit Suisse và Citigroup. Mỗi hợp đồng ký kết có giá trị tối thiểu khoảng 2 tỷ USD. Điều này cũng giúp VinFast không phải sử dụng vốn trong nước cho việc xây dựng nhà máy ở Bắc Carolina và các hoạt động đầu tư kinh doanh tại thị trường Mỹ".
Hiện, Vingroup là một trong số không nhiều doanh nghiệp Việt Nam có thể huy động thành công các khoản vay lớn từ nguồn vốn ngoại. Việc có thể sử dụng nguồn vốn đi vay lớn như vậy, cũng chứng minh rằng “sức khỏe tài chính” của VinFast cũng như Vingroup phải tốt thì các định chế tài chính uy tín hàng đầu thế giới như Credit Suisse và Citigroup mới sẵn sàng đứng ra bảo lãnh vay vốn. Bên cạnh đó, VinFast cũng đang chờ thời điểm thuận lợi để tiến hành IPO và niêm yết tại Sàn Chứng khoán Mỹ.
Tính đến hết tháng 6/2022, tổng chỉ tiêu Nợ phải trả của Vingroup theo báo cáo tài chính hợp nhất là 397 ngàn tỷ đồng. Tổng này bao gồm các khoản lớn sau: 166 ngàn tỷ đồng là nợ vay (gồm vay ngân hàng, tổ chức tín dụng và trái phiếu); 134 ngàn tỷ đồng là các khoản khách hàng và các đối tác trả trước để mua các sản phẩm của tập đoàn, trong đó phần lớn là mua sản phẩm bất động sản. Về bản chất đây là doanh thu của Vinhomes chứ không phải là nợ.
Còn lại là các khoản phải trả ngắn hạn khác nhưng chưa đến hạn thanh toán như nợ nhà cung cấp, thuế, các khoản chi phí xây dựng trích trước... Đây là các khoản chi phí phát sinh trong hoạt động thường xuyên của tập đoàn và về cơ bản là được cân đối với các khoản phải thu (hơn 110 ngàn tỷ đồng). Tức là đã có các khoản phải thu theo báo cáo tài chính hợp nhất để cân đối luôn các tổng này rồi, cứ đến hạn thu thì sẽ chi, cứ có thu thì sẽ có chi và ngược lại cứ có chi thì sẽ có thu.
Ngoài ra, cũng tại thời điểm tháng 6/2022, Vingroup có một khoản tiền dư để dự phòng là 42 ngàn tỷ đồng. Như vậy, nếu chỉ tính Nợ vay thực sự sau khi trừ đi số dư tiền dự phòng nêu trên thì hệ số nợ của Vingroup chỉ có 0,24 lần (tính trên Nợ vay thuần/Tổng tài sản).