Vĩnh Phúc: Bắt giữ đối tượng vận chuyển thịt động vật quý hiếm
Ngày 30/11, Công an tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, Phòng Cảnh sát môi trường đã phát hiện một nam thanh niên điều khiển xe mô tô chở một thùng xốp màu trắng đang dừng đỗ ven đường quốc lộ 2, thuộc địa phận xã Quất Lưu, huyện Bình Xuyên có biểu hiện nghi vấn vận chuyển động vật trái quy định
Tổ công tác đề nghị kiểm tra và phát hiện bên trong thùng xốp có bộ phận cá thể động vật được ướp đá lạnh có tổng trọng lượng 44kg. Nghi đó là động vật thuộc loài quý hiếm trong danh mục cần bảo vệ, tổ công tác đã mời người điều khiển xe mô tô chở cá thể động vật nói trên về cơ quan công an.
Tại đây, người này khai là Phạm Văn Việt, sinh năm 1983, ở xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội, làm nghề lao động tự do và chở đồ khi có yêu cầu.
Đối tượng Phạm Văn Việt cùng tang vật bị bắt giữ. |
Sáng 29/11, Việt được một người tên là Đoàn ở cùng xã thuê vận chuyển 2 con nai có tổng trọng lượng 27,5kg đến giao cho một người tên là Đàm ở xã Minh Quang, huyện Tam Đảo.
Sau khi chở hai con nai đến giao cho Đàm, Việt được Đàm đề nghị chở một con sơn dương đã giết thịt mang về cho Đoàn. Khi Việt chở con sơn dương đến địa phận xã Quất Lưu, huyện Bình Xuyên thì bị cơ quan công an kiểm tra, bắt giữ.
Theo quy định tại Nghị định số 64/2019/NĐ-CP ngày 16/7/2019 của Chính phủ, sơn dương là loài động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm, được ưu tiên bảo vệ.
Như vậy, hành vi vận chuyển trái phép Sơn Dương vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm quy định tại Điều 244, Bộ luật Hình sự. Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh đã tạm giữ Phạm Văn Việt và các tang vật liên quan để tiếp tục điều tra.
Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm theo Điều 244 là vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ là hành vi săn bắt, giết, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ đã bị cấm theo quy định của Chính phủ hoặc vận chuyển, buôn bán trái phép sản phẩm của các loại động vật đó. Trường hợp săn bắt, giết, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm thuộc nhóm IB từ hai loài trở lên thì việc xác định “gây hậu quả rất nghiêm trọng”, “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” như sau: + Nếu căn cứ vào số lượng cá thể một loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm là “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” thì xác định trường hợp đó là “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”. Số lượng các cá thể các loài khác được xem xét khi quyết định hình phạt. + Nếu căn cứ vào số lượng cá thể từng loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm chỉ là “gây hậu quả rất nghiêm trọng” hoặc “dưới mức gây hậu quả nghiêm trọng” thì lấy tổng số lượng cá thể của các loài so sánh với loài có số lượng cá thể cao nhất để xác định trong trường hợp cụ thể đó thuộc khoản 1 Điều 190 Bộ luật hình sự hay là “gây hậu quả rất nghiêm trọng” hoặc “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 20 triệu đồng... |
* “Đây là bài viết tuyên truyền bảo vệ môi trường của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2020” |