"Vũ khí và tấm khiên" chống đại dịch Covid-19
Trong giai đoạn áp dụng các Chỉ thị 15, 16, 19 của Chính phủ, chúng ta có khái niệm về online (trực tuyến)… tất cả đều online. Theo đó, càng bước vào giai đoạn quản lý xã hội trong và sau đại dịch, sức ép lên khối công nghệ càng lớn trong việc phải có một nền tảng và ứng dụng thống nhất tích hợp nhiều cơ sở dữ liệu về dân cư, hành vi, tình trạng dịch tễ... Từ đó, chúng ta xác định cụ thể hướng truyền thông thông tin hữu ích, huy động sức mạnh tổng hợp để cùng đưa ra giải pháp phòng, chống dịch hiệu quả.
Kinh nghiệm, phương pháp chống dịch rút ra từ việc xem xét, kết hợp các nguồn thông tin
Điểm sáng về “truyền thông” trong chống dịch (hiểu theo nghĩa là triển khai nhiều hình thức, mạnh dạn, hiệu quả, cầu thị, tương tác...) hiện nay là TP Hồ Chí Minh. Thành phố đã có kịch bản rõ ràng, nhiều hình thức thông tin cho báo chí phù hợp, chủ động lắng nghe, đối thoại với dân để xử lý các điểm nóng về y tế, an sinh, đi lại...
“Mạng xã hội” là kênh thông tin không chính thống nhưng không thể phủ nhận được “tiếng nói đa chiều” từ kênh thông tin này. Ví như việc, Hà Nội yêu cầu xét nghiệm toàn bộ 100% người dân trên toàn thành phố từ ngày 6/9 đến 12/9 đã có nhiều thông tin, bình luận trên mạng xã hội. Từ đây, chúng ta có thể chắt lọc ra những thông tin có ích cho công tác phòng, chống dịch.
Tài xế trình giấy xác nhận luồng xanh có mã QR cho lực lượng chức năng kiểm tra tại Trạm thu phí Pháp Vân- Cầu Giẽ |
Đơn cử như từ thông tin trên, chúng ta sẽ xem xét, thành lập tổ hoặc cơ chế tổ chuyên gia gồm các chuyên gia dịch tễ và quản trị để tư vấn cho Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố giải pháp tổng thể, thống nhất, dựa trên căn cứ khoa học, dịch tễ học và điểm mạnh, điểm yếu về tiềm năng, nguồn lực… Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia để tiến tới quản lý đồng bộ công tác phòng, chống dịch trên cả nước. Từ đó, các ban ngành chức năng xem xét việc cấp thẻ "luồng xanh" cho các đối tượng (đã tiêm 2 mũi, F0 khỏi bệnh…) trên cơ sở phân tích khoa học và dịch tễ; Đề xuất các phương án đưa cuộc sống trở lại bình thường mới, tạo đà cho phục hồi kinh tế.
Việc cấp “giấy đi đường” và “xét nghiệm thần tốc, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng” cũng đã gây phản ứng trong dư luận. Ta có thể nhìn thấy bất cập trong công tác này như việc chưa đồng bộ hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, việc triển khai đòi hỏi phải thật nhanh, chính xác, trong khi các cán bộ đại bộ phận đều kiêm nhiệm… nhưng bên cạnh đó, không thể không ghi nhận việc chính quyền cơ sở, lực lượng chức năng nỗ lực xuyên đêm tạo thuận lợi cấp giấy đi đường có mã QR cho tổ chức, cá nhân.
Lực lượng CSGT Công an TP Hà Nội ngày đêm thực hiện cấp giấy đi đường gắn mã QR định danh |
Liên quan đến giấy đi đường và hằng ngày vẫn còn ca F0 trong cộng đồng, có thể thấy, nhiều cá nhân, tổ chức vẫn chưa nâng cao ý thức tự bảo vệ sức khoẻ cho bản thân và cộng đồng. Trong khi đó, theo thông tin mới nhất, cảnh báo biến thể mới của virus SARS-CoV-2 tên Mu, có khả năng lây nhiễm cao hơn, độc lực mạnh hơn và có thể vô hiệu hóa vắc xin ngừa Covid-19. Do vậy, chúng ta cần phải nâng cao hơn nữa ý thức phòng, chống dịch bệnh.
Riêng về “vắc xin ngừa Covid-19”, rút kinh nghiệm từ thực tế, công tác báo chí, truyền thông cần tiếp tục theo dõi không gian truyền thông để phản ánh, phân tích, đánh giá, đồng thời phổ biến các mô hình hay của quốc tế để cùng Bộ Y tế và các Bộ, ngành, địa phương tham mưu hoàn thiện “chiến lược vắc xin”.
Điều này đảm bảo sao cho có cơ chế huy động nguồn lực của doanh nghiệp và toàn xã hội để nhanh chóng có nhiều nguồn vắc xin; Tạo nhiều cơ chế khác nhau để nhanh chóng phủ nhanh tiêm chủng, đẩy mạnh miễn dịch cộng đồng, giúp chúng ta không “lỡ hẹn” với vắc xin trong năm nay và cả năm sau.
Truyền thông và ứng dụng công nghệ thông tin - "vũ khí" chống đại dịch
Trong những ngày dịch bệnh qua, người dân đã thấy một Việt Nam vận động không ngừng trong kỷ nguyên số. Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã được nâng lên một cấp độ hoàn toàn mới với sự trợ giúp kết nối thông qua Internet vạn vật, truy cập dữ liệu thời gian thực và giới thiệu các hệ thống vật lý không gian mạng.
Để phục vụ công tác truyền thông chống dịch hiệu quả, các tỉnh, thành phố đều tăng tần suất, thời lượng tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh xã, phường, thị trấn. Tần suất trung bình từ 3 - 4 lần/ngày (tăng so với trước từ 1 - 2 lần); Thời lượng trung bình từ 15 - 20 phút/bản tin (tăng 5 - 10 phút/bản tin so với trước).
Thu âm chương trình phát thanh hằng ngày về phòng chống dịch tại Đài Truyền thanh xã Xuân Sơn (Sơn Tây, Hà Nội) |
Riêng Hà Nội, ngày 7/9, toàn thành phố có 2.912 buổi phát thanh với 111.549 phút trên đài truyền thanh cơ sở về phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Ở Bình Dương, đài truyền thanh các xã, phường đều tăng tần suất phát sóng tuyên truyền phòng, chống dịch từ 3 lên 6 lần/ngày.
Còn tại Long An, hệ thống truyền thanh cấp huyện đã thực hiện 104 tin, bài; Thiết kế infographic tuyên truyền trên kênh Zalo chính quyền điện tử Long An đến hơn 171.696 tài khoản.
Đây là 3 tỉnh, thành đang có dịch bệnh Covid-19 phức tạp trong cả nước.
Tổng đài nhắn tin 8889 (đầu số điện thoại 8889 giúp những người từng đến Bệnh viện Bạch Mai từ ngày 12/3 đến nay có thể nhắn tin thông báo hoặc phản ánh) đã tiếp nhận được thêm 264 thông tin cá nhân của người dân gặp khó khăn, cần hỗ trợ do ảnh hưởng của dịch Covid-19 (tổng số ghi nhận 39.467 người từ ngày 17/8 đến hết 6/9).
Tổng đài trả lời phản ánh của người dân 1900.9095 đã tiếp nhận và xử lý hơn 78.000 cuộc gọi trong tổng số hơn 2.600.000 cuộc gọi đến.
Tổng đài hỗ trợ khai báo y tế 1800.1119 đã tiếp nhận hơn 2.500 cuộc gọi (tổng hơn 236.000 cuộc) và thực hiện hơn 34.000 cuộc gọi ra (tổng 6,57 triệu cuộc gọi ra).
Hệ thống kết nối camera các điểm cách ly đã kết nối đến 1.038 điểm tại 62 tỉnh, thành phố với 12.763 camera.
Cục Bưu điện Trung ương và các doanh nghiệp viễn thông VNPT, Viettel đang tiếp tục triển khai mở rộng và tăng cường bảo đảm chất lượng kết nối từ Chính phủ đến các xã, phường, thị trấn trên cả nước.
Lấy mẫu xét nghiệm truy vết Covid-19 |
Hiện việc hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả theo phương thức điện tử (tại một số tỉnh Bắc Giang, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Đồng Tháp, Phú Yên…); hỗ trợ truy vết F0; hỗ trợ tiêm chủng (làm việc để triển khai nền tảng tiêm chủng trên địa bàn Quận 7, TP Hồ Chí Minh) đang tích cực được đôn đốc, cập nhật dữ liệu tiêm chủng, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, khắc phục các lỗi chức năng…
Đặc biệt, việc quản lý ra vào bằng mã QR đã được giao cho ngành chức năng xây dựng tiêu chuẩn chung, thống nhất toàn quốc mã QR cá nhân, nền tảng xét nghiệm; Xây dựng hệ thống quản lý QR cá nhân quốc gia; Hoàn thiện hệ thống quản lý chốt kiểm soát dịch; Thiết kế hệ thống cấp giấy đi đường không tiếp xúc.
Từ những ví dụ điển hình trên cho thấy, truyền thông và ứng dụng công nghệ có vai trò đặc biệt quan trọng, không thể thiếu trong cuộc chiến chống kẻ thù chung của nhân loại.
“Giặc Covid-19” mỗi ngày lại tăng thêm một cấp độ đe doạ đến an toàn sức khỏe và cuộc sống của mỗi người dân. Thiết nghĩ, trong quá khứ, Việt Nam là đất nước đã thắng nhiều “trận đánh lớn”, trong đó có cả những đế quốc sừng sỏ nhất chỉ bằng tinh thần đoàn kết, một lòng, một ý chí, thì ngay lúc này, tinh thần đó, ý chí đó cần phải được phát huy mạnh mẽ với kẻ thù vô hình. Chỉ có như vậy, chúng ta mới sớm chiến thắng và trở lại trạng thái bình thường mới.