Vụ mang tiền âm phủ đi mua xe Lexus: Tội cướp giật hay lừa đảo?
Ngày 21/7 vừa qua, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã xét xử Nguyễn Đức Thịnh (SN 1988) và Nguyễn Mạnh Thực (SN 1989), cùng trú ở tỉnh Hưng Yên về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Tang vật là chiếc xe ô tô nhãn hiệu Lexus RX350 ước tính trị giá 3 tỷ đồng.
Hai bị cáo bị Tòa án nhân dân TP Hà Nội đưa ra xét xử tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản |
Theo cáo trạng, bị cáo Thịnh là đối tượng nghiện ngập nên thường xuyên cần tiền để mua ma túy. Đầu năm 2019, Thịnh thấy có người rao bán một chiếc ô tô nhãn hiệu Lexus RX350 với giá 700 triệu đồng. Thịnh liên hệ với người bán xe là anh D ở quận Long Biên (TP Hà Nội) để giao dịch.
Với ý định lừa đảo, Thịnh rủ Nguyễn Mạnh Thực mang theo khoảng 40 triệu đồng tiền thật và nhiều tiền âm phủ để đi mua xe.
Ngày 27/3/2019, khi Thịnh giao dịch với chủ xe thì Thực vờ mượn xe chạy thử để kiểm tra, rồi biến mất cùng chiếc xe.
Tại tòa, Hội đồng xét xử xác định chiếc xe tang vật ước tính trị giá 3 tỷ đồng, có nguồn gốc từ nước ngoài, sử dụng biển kiểm soát giả để lưu thông ở Việt Nam nên đã quyết định tịch thu chiếc xe này.
Về hành vi phạm tội của các đối tượng trên, với những chứng cứ rõ ràng, Hội đồng xét xử tuyên phạt Nguyễn Đức Thịnh 14 năm tù; Nguyễn Mạnh Thực 13 năm tù.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm cho rằng tình tiết của vụ án có dấu thiệu đặc trưng của tội cướp tài sản |
Trao đổi với PV báo Tuổi trẻ Thủ đô về vụ án trên, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn Anh, Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, trên cơ sở nghiên cứu khoa học về định tội danh và thực tiễn áp dụng pháp luật cho thấy: Dấu hiệu đặc trưng của tội lừa đảo là hành vi gian dối "bí mật" đối với chủ sở hữu không biết được thật hay giả để chiếm đoạt tài sản. Chủ tài sản biết được mình bị lừa sau khi mất tài sản.
Dấu hiệu đặc trưng tội cướp giật tài sản là hành vi công khai chiếm đoạt tài sản và nhanh chóng tẩu thoát. Chủ tài sản sẽ biết được ngay lập tức mình mất tài sản khi bị chiếm đoạt.
Trong vụ án này, trước khi thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản (xe ô tô nhãn hiệu Lexus RX350), 2 bị cáo đã có các hành vi gian dối như mang theo khoảng 40 triệu đồng tiền thật, nhiều tiền âm phủ để đi mua xe, vờ mượn xe chạy thử để kiểm tra, rồi nhân cơ hội chạy trốn luôn để chiếm đoạt chiếc xe này.
Theo quan điểm của luật sư, đó chỉ là phương thức, thủ đoạn mà 2 bị cáo sử dụng để tiếp cận tài sản. Hành vi chiếm đoạt của 2 bị cáo ở đây là công khai và nhanh chóng tẩu thoát. Để định tội danh cần căn cứ vào thủ đoạn nào của 2 bị cáo mới chiếm đoạt được tài sản. Do đó, để chiếm đoạt được ô tô, 2 bị cáo phải "nhanh chóng tẩu thoát" mới thực hiện được. Đây là dấu hiệu đặc trưng của tội cướp giật tài sản.
Với hành vi chiếm đoạt chiếc ô tô trị giá theo định giá là 3 tỷ đồng, 2 bị cáo sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cướp giật tài sản theo điểm a, khoản 4, Điều 171, Bộ luật Hình sự.
Điều 171. Tội cướp giật tài sản 1. Người nào cướp giật tài sản của người khác, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm... 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân: a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên. |